Từ giọt nước mắt của giám đốc bệnh viện…
Từ giọt nước mắt của giám đốc bệnh viện…
Tôi dám khẳng định hầu hết những người làm ngành y tế không phải vì eo hẹp tiền lương mà quyết định bỏ việc. Chắc chắn trong ngành y tế ít ai nói rằng vì lương thấp mà tôi không muốn làm, vì lương thấp mà tôi cần thay đổi.
Giọt nước mắt lăn trên má giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết khi nhắc đến lương nhân viên y tế gợi lên nhiều điều tâm tư của người làm ngành y hiện nay, không chỉ là chuyện lương, thưởng mà sâu xa là những câu chuyện xung quanh trong môi trường làm việc.
Thật ra, nếu nói chỉ đơn thuần câu chuyện lương dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức và nhân viên y tế nghỉ việc bất thường như trong thời gian qua sẽ không đầy đủ. Lâu nay, điều kiện lương và thu nhập của nhiều nhân viên y tế khó khăn vẫn luôn được nói và ai cũng biết nhưng đâu phải vì vậy người làm y tế bỏ nhiệm vụ, bỏ “cuộc chiến” chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tôi dám khẳng định hầu hết những người làm ngành y tế không phải chỉ vì “eo hẹp” tiền lương mà quyết định thôi việc. Chắc chắn ít ai đã chọn đứng trong ngành y tế mà lại nói rằng vì lương thấp nên tôi không muốn làm, vì lương thấp nên tôi cần thay đổi.
Vậy phải đặt câu hỏi tại sao đến lúc này số lượng cán bộ, nhân viên y tế nộp đơn xin nghỉ việc lại bất thường đến như vậy? Thu nhập vẫn như thế, nhưng khi dịch bệnh đến họ phải cố gắng làm việc bằng 200-300% sức lực, và trong khi chưa kịp hồi phục đã phải quay lại trách nhiệm với nghề khiến người ta cảm thấy kiệt sức.
Trên thực tế, tình trạng nhân viên y tế nghỉ hàng loạt xảy ra sau một khoảng thời gian họ bất chấp hiểm nguy của bản thân, hy sinh niềm vui cá nhân hay nén lại những đau thương của gia đình để cùng cả đất nước vượt qua đại dịch; cộng thêm những khủng hoảng ngành y tế vừa đối mặt họ lại được ví như những khối ung thư của xã hội; họ sẽ được nhận những cái tát, thậm chí là những nhát dao của chính những người họ đang cố gắng để cứu chữa…
Ai, cái gì sẽ bảo vệ cho họ? Tất cả cộng dồn lại đã khiến tâm lý của cán bộ, nhân viên y tế cảm thấy nặng nề, bất an, phẫn nộ và bắt đầu so sánh giữa môi trường công và tư. Từ suy nghĩ cho tới tâm tư…
Sau khi đại dịch tạm được kiểm soát, các cơ sở y tế công lập lại nhanh chóng quay sang thực hiện các chức năng nhiệm vụ thường quy khác, nhưng kèm theo đó họ phải làm đúng các quy định pháp luật. Áp lực xã hội vừa qua cũng dẫn đến những áp lực cho người làm ngành y tế. Làm gì là cống hiến, làm gì là trái luật?
Do vậy, điều quan trọng, anh em làm ngành y tế cần môi trường làm việc an toàn. Vấn đề hiện nay là tạo một hành lang pháp lý cho cán bộ y tế cảm nhận được sự công tâm, công bằng khi hành nghề.
Xã hội và ngay chính những người trong ngành y sẽ không bao giờ dung thứ cho những tiêu cực dẫn đến sai phạm, nhưng với những người không dính líu đến tiền bạc, tiêu cực, họ vẫn cần có niềm tin để tiếp tục có thể làm việc.
Chứ còn lương và thu nhập, thời gian tới, nếu tháo gỡ được những vướng mắc của việc tự chủ bệnh viện; có hành lang pháp lý cho các bệnh viện công lập tự chủ đúng mức, đúng các quy định của tự chủ sẽ cải thiện được việc thu nhập của nhân viên y tế. Ai giỏi chắc chắn sẽ được ghi nhận và có được thu nhập chính đáng.
Cải cách cơ chế, chính sách để người làm y tế có thu nhập xứng đáng là điều phải làm, nhưng cần nhìn nhận rõ bản chất của việc nhân viên y tế nộp đơn nghỉ việc để đưa ra giải pháp phù hợp.
Chính sách, cơ chế đó không dung túng cho cái sai, nhưng đảm bảo cho những bác sĩ, nhân viên y tế tâm huyết sẵn sàng và tự tin cống hiến. Đừng để ngành được cả xã hội tôn vinh gặp khủng hoảng dài lâu. Bởi vậy, những giọt nước mắt lăn trên má giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết là nỗi niềm, tâm tư của cả ngành y tế cần được khơi thông…