Vì sao Trung Quốc chọn 6 khu vực quanh Đài Loan để tập trận?
Vì sao Trung Quốc chọn 6 khu vực quanh Đài Loan để tập trận?
Ngày 4-8, Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa quanh Đài Loan khi quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự “chưa từng có tiền lệ”, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi rời Đài Bắc.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển tại 6 khu vực quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 tới 7-8. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết Trung Quốc đã phóng một số tên lửa đạn đạo Đông Phong vào chiều 4-8 nhằm vào các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam hòn đảo.
Cùng ngày, Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc nói “toàn bộ tên lửa đã bắn trúng các mục tiêu chính xác”.
Tại sao là 6 khu vực?
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói các cuộc tập trận này rõ ràng là để phản ứng với “sự cấu kết giữa Đài Loan và Mỹ”. Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã gọi các cuộc tập trận mới nhất này là “cuộc diễn tập cho chiến dịch thống nhất”.
Lần đầu tiên một số khu vực tập trận mà Trung Quốc công bố đã chồng lấn vào lãnh hải mà Đài Loan tuyên bố. Có 3 trên 6 khu vực tập trận có các góc chồng lấn vào vùng này.
Phát biểu trên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc, thiếu tướng Mạnh Tường Thanh, giáo sư tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, giải thích 6 khu vực tập trận trên được Trung Quốc chọn vì tầm quan trọng của chúng trong tình huống thực hiện một chiến dịch nhằm phong tỏa Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài.
Trong số này, có 1 khu vực nằm ở phần hẹp nhất của eo biển Đài Loan. Các khu vực còn lại được dùng để phong tỏa một cảng lớn hoặc tấn công vào 3 trong số các căn cứ quân sự chính của Đài Loan. Tướng Mạnh nói thêm khu vực tập trận nằm gần thành phố Cao Hùng ở miền nam Đài Loan – nơi có các căn cứ quan trọng.
Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, trong cuộc tập trận lần này, có thể quân đội Trung Quốc sẽ phóng tên lửa từ Trung Quốc đại lục sang khu vực tập trận phía đông Đài Loan, tức bay qua vùng lãnh thổ Đài Loan lần đầu tiên.
“Lúc đó nếu quân đội Đài Loan phản ứng, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể “bắt ba ba trong lọ” (ý chỉ bắt được con mồi/mục tiêu dễ dàng)”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Học Phong nói.
Tuy nhiên, ông Brian Hart, nhà nghiên cứu về sức mạnh của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng khó có khả năng Trung Quốc phóng tên lửa bay qua vùng lãnh thổ Đài Loan như vậy.
“Hành động đó sẽ cực kỳ leo thang. Có khả năng cao họ sẽ phóng tên lửa từ trên tàu hoặc trên máy bay xuống khu vực tập trận mà không phải phóng tên lửa bay qua đảo Đài Loan”, ông Hart nhận định.
Lo ngại một cuộc phong toả
Theo báo New York Times, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã theo dõi sát tình hình. Tuy nhiên, họ đánh giá chiến lược của Trung Quốc là “đe dọa và ép buộc”, mà không gây ra xung đột trực tiếp.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng, theo đánh giá của họ, khả năng Trung Quốc cắt đứt toàn bộ các con đường tiếp cận tới Đài Loan là khó xảy ra. Một phần vì điều đó sẽ gây tổn hại không chỉ cho Đài Loan mà còn cho cả Trung Quốc đại lục, vào thời điểm kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.
Trong khi đó, các chuyên gia bên ngoài lại lo ngại cuộc tập trận có thể leo thang. “Nếu một cuộc tập trận quân sự chuyển thành một cuộc phong tỏa thì khi nào mới biết rõ ràng là một cuộc phong tỏa? Ai sẽ phản ứng đầu tiên? Đó sẽ là lực lượng Đài Loan hay Mỹ? Vẫn chưa rõ!”, bà Bonny Lin, người từng phụ trách vấn đề Đài Loan tại Lầu Năm Góc và hiện công tác tại CSIS, nhận định.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cũng lo ngại một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở 6 khu vực quanh Đài Loan là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phong tỏa hòn đảo này.
Không rõ các lực lượng Trung Quốc sẽ di chuyển gần Đài Loan tới mức nào trong cuộc tập trận. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sẽ kiểm tra phản ứng của Đài Loan bằng cách bắn trực tiếp vào vùng biển mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
“Bắc Kinh đã bắn tín hiệu rằng do Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nên hòn đảo này không có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Đài Loan hoặc phải bảo vệ vùng lãnh hải này hoặc nhượng bộ”, nhà nghiên cứu William Overholt tại Trường Harvard Kennedy nói.
Về phía Đài Loan, hôm 4-8 Cơ quan Phòng vệ của vùng lãnh thổ này tuyên bố các lực lượng Đài Loan đang theo dõi chặt cuộc tập trận của Trung Quốc và nhấn mạnh họ sẽ giữ vững nguyên tắc “chuẩn bị cho chiến tranh mà không tìm kiếm chiến tranh”.
Các bên liên quan nói gì?
Sau khi Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật và tên lửa quanh đảo Đài Loan ngày 4-8, các bên liên quan lên tiếng cùng ngày.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết việc tập trận của Trung Quốc là những bước đi hợp lý và hợp pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời khẳng định Đài Loan cuối cùng sẽ “quay về với vòng tay của đất mẹ”.
Trong khi đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi Trung Quốc nên “tự kiềm chế”, đồng thời khẳng định “Đài Loan sẽ bình tĩnh, sáng suốt, không kích động xung đột nhưng chắc chắn sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh, đáp trả các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc”.
Lãnh đạo Đài Loan cho biết thêm hòn đảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè quốc tế để ngăn chặn sự leo thang về tình hình an ninh trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tin rằng 4 trong số 5 tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc phóng và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản đã “bay qua đất liền Đài Loan”. Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối ngoại giao với Trung Quốc về vụ việc tên lửa rơi trong EEZ.
HỒNG VÂN