Triển khai chương trình lớp 10 mới: Trường tư ‘toát mồ hôi’

Triển khai chương trình lớp 10 mới: Trường tư ‘toát mồ hôi’

Nhiều trường tư chỉ có khoảng 3-4 lớp 10 đang căng mình để sắp xếp, giải quyết việc học sinh đăng ký tổ hợp môn học.

Triển khai chương trình lớp 10 mới: Trường tư toát mồ hôi - Ảnh 1.

Học sinh trong buổi trải nghiệm tại một trường tư thục ở TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Hai khó khăn, trở ngại nhất đối với trường tư là thiếu giáo viên và thiếu nguồn lực.

 

Không “kham” hết tổ hợp

Năm học 2022 – 2023, Trường THCS – THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp, TP.HCM) dự kiến sẽ tuyển được 20 lớp 10, con số tương đối khả quan. Trước đó qua những lần khảo sát nhanh, trường nhận thấy số tổ hợp mà học sinh lựa chọn lên tới vài chục, một số tổ hợp chỉ có vài em.

Cô Hà Thị Kim Sa – hiệu trưởng nhà trường – thừa nhận trường khó lòng đủ sức để đáp ứng những lựa chọn của học sinh một cách dàn trải. Không chỉ phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn, trường còn sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nếu có quá nhiều tổ hợp xé lẻ.

“Vì vậy, ngay từ lần đầu tiếp xúc với phụ huynh và học sinh, chúng tôi xác định sẽ hạn chế tình trạng chọn tổ hợp phân tán nhưng vẫn đúng sở thích, sở trường của các em. Trước mắt, năm sau chúng tôi sẽ triển khai khoảng 6-10 tổ hợp, chưa thể nhiều hơn” – cô Kim Sa nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền – hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada (BCIS) – cho biết để thực hiện chương trình lớp 10, từ cuối năm học vừa rồi, trường đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Sau đó, trường sẽ đưa ra những nhóm tổ hợp được đa số các em lựa chọn.

“Trong quá trình giới thiệu với phụ huynh và học sinh, chúng tôi cho biết mỗi tổ hợp cần có tối thiểu 15 bạn lựa chọn để triển khai. Trong trường hợp số đăng ký ít, các em sẽ được hướng dẫn đăng ký tổ hợp khác nhưng vẫn có sự đồng hành của thầy cô để giúp các em lựa chọn phù hợp với bản thân” – cô Huyền nói.

Ông Nguyễn Bác Dụng – chủ tịch hội đồng giáo dục Trường Wellspring Sài Gòn – cho rằng các trường phổ thông tư thục ở TP.HCM có nhiều quy mô khác nhau. Với những trường quy mô nhỏ, số tổ hợp cho học sinh cũng sẽ ít hơn.

Chẳng hạn, nếu các trường chỉ tuyển khoảng 2-4 lớp 10 cho năm 2022 – 2023, họ nhiều khả năng chỉ có thể triển khai tối đa 2-4 tổ hợp cho học sinh lựa chọn. Ngược lại, các trường công có càng nhiều lớp sẽ càng dễ mở thêm những tổ hợp.

Từ đó, bài toán đặt ra là làm sao cân bằng được mong muốn của học sinh với khả năng đáp ứng của trường. Khác với trường công, việc tuyển được và giữ chân một học sinh với trường tư thục cũng đã là một điều đáng quý.

“Trong trường hợp các trường tư không thể đưa một số môn vào tổ hợp do ít lựa chọn, họ có thể thêm những môn này vào các hoạt động ngoại khóa hoặc ngoài giờ lên lớp. Có nghĩa là một số học sinh vẫn có thể học thêm các môn mình yêu thích nhưng không làm thay đổi các tổ hợp chung của lớp” – ông Dụng nói.

Chuẩn bị cho chương trình lớp 10 mới cũng là dịp để các trường nhìn lại và thay đổi chính mình. Bởi giờ đây họ buộc lòng phải cân nhắc thêm vào những môn như âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp… Điều đó suy cho cùng sẽ nhằm tốt hơn cho người học.

Một nguyên hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM)

 

Thừa, thiếu giáo viên

Ông Ngô Vĩnh Trường, hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (TP.HCM), cho rằng điểm lợi thế của các trường tư nằm ở sự chủ động hơn khi thực hiện chương trình, đặc biệt trong việc tổ chức các môn học như âm nhạc, mỹ thuật hay các tiết học trải nghiệm.

Các trường có nguồn tài chính mạnh thường tổ chức những buổi học thực tế bên ngoài sách giáo khoa, như học sinh học ở Thảo cầm viên Sài Gòn, học lịch sử tại bảo tàng. “Chúng tôi lại có thể chủ động về chuyện tuyển dụng, nếu thiếu giáo viên ở bộ môn nào trong khi triển khai chương trình mới thì sẽ nhanh chóng bổ sung được” – ông Trường chia sẻ.

Ngược lại, nguồn giáo viên lại là một trở ngại cho các trường tư thục nhỏ. Theo phó hiệu trưởng một trường tư thục tại quận Bình Tân (TP.HCM), giả sử trước giờ trường chỉ có 2 lớp 10 nhưng nay có khoảng 10 em muốn học các môn mỹ thuật, âm nhạc thì việc tuyển giáo viên phụ trách hai môn này, hoặc tuyển thỉnh giảng hoặc “từ chối khéo” dạy 2 môn trên, sẽ là một đắn đo lớn.

Trong khi đó, cô Hà Thị Kim Sa cho biết một vấn đề khác về nhân lực mà trường tư có thể gặp phải khi thay đổi chương trình là tình trạng thừa giáo viên ở một số môn. Đơn cử theo khảo sát tại trường cô có một số môn có rất ít em lựa chọn, trong khi đó trước nay những môn này hầu như đều được giảng dạy ở tất cả các lớp trong chương trình cũ.

“Chúng tôi sẽ tính toán cho các giáo viên kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ như chủ nhiệm để tránh ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của các thầy cô. Bên cạnh đó, các giáo viên sẽ tiếp tục cập nhật chương trình theo hướng dẫn chung của nhà trường” – cô Sa nói.

 

Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng “rối”

Bà Phạm Thị Thúy Nhài, phó giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) Tân Bình, cho biết theo quy định trước đây của Bộ GD-ĐT cho năm học 2022 – 2023, chương trình GDTX cấp THPT sẽ bao gồm 7 môn học bắt buộc bao gồm ngữ văn, toán và 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn theo nguyên tắc mỗi nhóm môn lựa chọn ít nhất 1 môn học.

Các nhóm môn sẽ gồm khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) và nhóm công nghệ (gồm tin học, công nghệ).

Nghĩa là so với chương trình phổ thông chung, số môn học sẽ ít hơn, đặc biệt không có các môn như âm nhạc, mỹ thuật… Tuy nhiên, chương trình sẽ có thêm những chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề của môn, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu.

“Đó là trước khi có sự thay đổi ở môn lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc. Hiện tại, các trung tâm GDTX vẫn đang chờ Bộ GD-ĐT đưa ra một số hướng dẫn từ điều chỉnh này. Năm học đang tới rất gần, nhà trường và phụ huynh đều sốt ruột”, bà Nhài nói.

TRỌNG NHÂN
TTO