Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Phải tiệm cận ngưỡng 0%
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Phải tiệm cận ngưỡng 0%
Lượng rau được TP.HCM tiêu thụ rất lớn, chủ yếu được sản xuất từ nhiều địa phương, đa dạng về chủng loại. Việc phát hiện 2/23 mẫu (8,7%) rau, quả vi phạm là cao hơn so với bình quân cả nước, nhưng đã giảm so với các năm trước.
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ sau loạt bài “Báo động thực phẩm bẩn ở chợ đầu mối”.
Ông Tiệp nói: Qua báo cáo của Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM và đối chiếu các quy định của VN, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau, quả vượt ngưỡng cho phép, mất an toàn là có nhưng không phải là 47,54% mà chỉ 13,7% và đây là số mẫu phát hiện trong vòng 6 năm. Còn 6 tháng đầu năm 2022 chỉ phát hiện 2/23 mẫu rau, quả (chiếm 8,7%) vi phạm. Điều này cho thấy tỉ lệ này đang giảm dần qua các năm.
* Việc chỉ lấy 23 mẫu rau, quả trong 6 tháng đầu năm có quá ít so với số lượng buôn bán tại chợ đầu mối?
– Về mặt giám sát, mẫu lấy càng nhiều, kết quả càng chính xác. Trong 6 tháng đầu năm, Ban quản lý ATTP TP.HCM không chỉ lấy mẫu rau mà còn lấy mẫu trái cây, mẫu gạo, thủy sản… Việc lấy số lượng mẫu như vậy không phải là ít, TP.HCM còn có tiềm lực vì kinh phí lấy mẫu, phân tích dư lượng có nhiều.
Thông thường, khi phát hiện vi phạm là phải cảnh báo, xử lý ngay, yêu cầu nơi xảy ra vi phạm phải điều tra, truy xuất nguyên nhân để xử lý chứ không phải đợi đến khi báo cáo mới xử lý. Việc báo cáo 6 tháng hay 1 năm để xem xét mục tiêu đặt ra có đạt không.
* Nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm đưa vào chợ đầu mối đang bị thả nổi chất lượng, chưa đáp ứng được các điều kiện về truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh ATTP?
– Theo quy định của Luật ATTP, trước khi đưa thực phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và phải rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện vệ sinh ATTP chợ đầu mối đều đã có và chúng tôi đã tập huấn, địa phương sẽ phải kiểm soát việc này.
Khi đưa thực phẩm vào chợ đầu mối nếu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử lý. Thực tế các địa phương đang triển khai mới phát hiện những vi phạm.
* Làm thế nào để ngăn chặn nông sản, thực phẩm không đảm bảo chất lượng lọt vào các chợ đầu mối?
– Về hệ thống tổ chức, hệ thống pháp luật đã đầy đủ. Đương nhiên vẫn còn một số chỗ cần cải thiện, Chính phủ đang yêu cầu đánh giá Luật ATTP để xem xét có vấn đề gì cần cải thiện hay không.
Mỗi năm, Bộ NN&PTNT cũng đều có kế hoạch hành động về chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đặt ra các chỉ tiêu, những nhiệm vụ trọng tâm và phổ biến cho các địa phương và sơ kết. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2022, số vi phạm về dư lượng thuốc BVTV bình quân của cả nước thấp hơn tỉ lệ 8,7% của TP.HCM. Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất phải đủ điều kiện và có giấy chứng nhận ATTP, các cơ sở nhỏ lẻ phải có bản cam kết và được xác nhận của chính quyền địa phương.
Khi sản phẩm được đưa vào chợ đầu mối, cơ quan quản lý giám sát phát hiện không đảm bảo an toàn sẽ bị xử lý. Việc quản lý, giám sát được thực hiện bởi lực lượng quản lý thị trường, ngành nông nghiệp, công thương và y tế địa phương.
* Bộ NN&PTNT và các địa phương đang giám sát ATTP trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản như thế nào, thưa ông?
– Trong quản lý nhà nước về ATTP, ngoài Luật ATTP và nghị định hướng dẫn, Bộ NN&PTNT cũng có thông tư (2016) về giám sát ATTP nông – lâm – thủy sản. Trong đó quy định rất cụ thể về xác định mẫu đại diện, xác định chỉ tiêu kiểm nghiệm, trách nhiệm của cơ quan giám sát, trách nhiệm các đơn vị liên quan… khi phát hiện vi phạm.
Mục tiêu giám sát nhằm cảnh báo và quan trọng hơn là để phát hiện các nơi cần phải cải tiến. Ví dụ, giám sát để xem có lạm dụng thuốc BVTV không, 8% mẫu vi phạm vẫn là lạm dụng, cần phải cải thiện hơn nữa. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập huấn cho nông dân để giảm dư lượng tiệm cận bằng 0, không chỉ với rau mà cả thủy sản để ngày càng an toàn hơn.
* Cách nào để hiện thực hóa mục tiêu tiệm cận hoặc không có vi phạm về ATTP như ông nói?
– Chúng tôi có Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, có Đề án đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông – lâm – thủy sản đến năm 2030.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đang hướng theo chuỗi an toàn. Và để thực hiện mục tiêu này, phải làm từ gốc, từ chăn nuôi an toàn, trồng trọt an toàn, chế biến an toàn, lưu thông an toàn, bán buôn, bán lẻ an toàn… Chuỗi tác nhân này đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sẽ ra sản phẩm an toàn.
Đến nay, cả nước đã có khoảng 2.000 chuỗi an toàn và các địa phương đang nhân lên, sản phẩm an toàn ngày càng nhiều và minh chứng là tỉ lệ vi phạm ngày càng giảm như kết quả giám sát ghi nhận. Dù ATTP đã có cải thiện rõ nét nhưng vẫn phải tiếp tục, cố gắng cải thiện hơn nữa.
Cũng theo ông Nguyễn Như Tiệp, VN tham chiếu theo tiêu chuẩn Codex, nên tiêu chuẩn ATTP của VN hoàn toàn phù hợp với chuẩn quốc tế. VN cũng không tham vọng làm chặt hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Chẳng hạn, thông tư 50 của Bộ Y tế về dư lượng thuốc BVTV hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn Codex hay các tiêu chuẩn khác cũng vậy chứ không phải một mình VN một kiểu. Việc tham chiếu tiêu chuẩn Codex để bán nông sản cho thị trường quốc tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân.