Những ngư dân sống sót kỳ diệu trở về: Lời kể xé lòng
Những ngư dân sống sót kỳ diệu trở về: Lời kể xé lòng
‘Chính tôi tận tay để anh xuống biển. Giây phút ấy, nhìn anh hai nằm lửng lơ trên biển, rồi xa dần, mắt tôi lòe đi’, anh Nguyễn Thành Luyến kể lại giây phút xé lòng khi lần lượt thả những người tử vong trên thuyền thúng về biển.
Những người sống sót kể lại câu chuyện đau thương trong vụ tàu cá BTh-97478 TS do ông Bùi Văn Toàn (P.Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị nạn trên biển ngày 10.7, khiến 6 ngư dân tử vong, còn 9 người trở về.
“Tự tay tiễn anh về biển”
Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với anh Nguyễn Thành Luyến, một trong 4 thuyền viên trên thuyền thúng chở 7 người nhưng có 3 người tử vong. Trong số nạn nhân có chú ruột anh Luyến là Nguyễn Thành Lương và anh trai Nguyễn Thành Lãng.
Anh Luyến kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau thương của một ngư phủ: “Tàu lật nhanh lắm. Sóng thì to, gió lớn. Trên tàu lại chở tới 10 tấn hải sản. Mọi người không kịp lấy gì, anh Toàn chủ tàu la lên, rồi mạnh ai nhảy xuống 2 thúng chai, thúng 8 người, còn lại thúng của tôi 7 người. Hai thúng bơi sát nhau suốt 5 – 6 ngày trên biển rồi mới bị lạc nhau”.
Hai cha con ông Nguyễn Thanh Là và Nguyễn Thành Luyến, người trực tiếp ôm thi thể anh hai mình thả xuống biển Q.H. |
“Khi phát hiện có tàu cá Trung Quốc, anh em chúng tôi mừng lắm. Cào chiếc thúng chai lại gần tàu họ, tôi và anh Tấn (Hà Văn Tấn – PV) trèo lên tàu của họ để xin cứu nạn và giúp đỡ. Bất ngờ, một thuyền viên của họ nói gì đó, chỉ tay vào chân tôi, cầm con dao giơ lên. Ý họ là không cho lên tàu, bắt nhảy xuống, nếu không xuống sẽ chặt chân mình. Chúng tôi lao xuống biển với 1 thùng nước và gói bánh họ quăng theo. Lúc này thuyền thúng có anh Toàn (chủ tàu, 8 người – PV) và anh La (Nguyễn Thành La, anh ba của Luyến – PV) đã trôi rất xa rồi. Chúng tôi động viên nhau, phải cố gắng bình tĩnh để cùng sống, tìm cơ hội có tàu khác đến cứu. Thế nhưng khát nước, đói, ngày thì nắng cháy, đêm thì lạnh. Lấy áo rách hứng nước mưa rồi nhỏ vào miệng nhau cho bớt khô họng, thậm chí uống cả nước biển. Nhưng rồi mọi người đều kiệt sức”, Luyến nhớ lại.
Anh kể tiếp: “Đến ngày 16.7 thì chú Lương suy kiệt và mất lúc 4 giờ sáng. Đến 6 giờ sáng, khi đã hừng đông, chính anh hai tôi (Nguyễn Thành Lãng – PV) đã tự tay đưa chú xuống biển trước mắt tôi và mọi người. Tôi nhìn anh hai và chỉ khóc, không nói được gì”.
“Đến sáng hôm sau (17.7), cũng khoảng 7 giờ sáng thì anh Hạ (Nguyễn Văn Hạ – PV) cũng mất vì kiệt sức và cũng được thả xuống biển như chú tôi. Rồi đến ngày 18.7 anh hai tôi (Lãng – PV) không chịu nổi, cũng kiệt sức và ra đi ngay trên tay tôi. Chính tôi tận tay để anh xuống biển. Giây phút ấy, nhìn anh hai nằm lửng lơ trên biển, rồi xa dần, mắt tôi lòe đi. Tôi nghĩ trước sau gì mình cũng theo anh hai, không nay thì mai… nhưng thật không ngờ lại được về đây ngồi bên ba tôi như vầy…”, Luyến nghẹn lời.
Theo tường trình của Luyến, chỉ sau vài tiếng khi anh Nguyễn Thành Lãng mất thì chiếc tàu cá của Bình Định gặp được thuyền thúng nhưng khi đó chỉ còn lại 4 người và đã được đưa về bờ.
Chết sống gì vẫn đi biển !
Khi chúng tôi hỏi ông có sợ biển cả không, có còn dám đi biển nữa không khi mà một lúc mất người con trai và đứa em ruột, ông Nguyễn Thanh Là (cha của Nguyễn Thành Luyến) nói: “Đi chứ”! Ông lại nhắc vụ chìm tàu cá vào năm 2014, cũng chính là tàu cá của ông chủ Bùi Văn Toàn, bị nạn ở vùng biển Kê Gà. Năm ấy, có 2 con ông là Nguyễn Thành Lãng, Nguyễn Thành Luyến và em ruột ông là Nguyễn Thành Lương trên ghe.
“Lần bị nạn đó chính thằng Lãng cứu được 4 người đó”, ông Là vừa ngậm ngùi vừa tự hào kể về con mình. Thế rồi ông lại nhìn lên bàn thờ anh Lãng, rồi dừng hồi lâu mới kể tiếp. Anh Lãng chưa vợ con, ở với cha cùng các em, “nó ở bờ lâu là nhớ biển”. Cuộc sống khó khăn, nhưng đầm ấm, cha con thương yêu nhau. “Tối nào nó cũng gọi về, cha con bàn tán về biển tới khuya mới ngủ, giờ thì nó ở lại ngoài biển mãi rồi…”.
“Sau lần bị chìm ghe ở Kê Gà, thằng Lãng nghỉ biển, làm thợ hồ trên bờ tới gần 2 năm. Nhưng rồi nhớ biển, cũng theo tàu ra khơi. Gia đình tôi bám biển bao đời nay, không đi biển nhớ lắm. Dù rằng, giờ đây, biển giã lúc có lúc không, ngày càng khó khăn. Tôi già rồi, không đi biển xa như các con mình, nhưng vẫn ra biển câu mực, chiều đi sáng về”, ông kể.
Khi được hỏi việc các con ông “vào sinh ra tử” bao lần như vậy, giờ ông có còn để cho con đi biển nữa không, hay tìm nghề khác? Ông Là bỗng lần đầu tiên hé nụ cười sau hàng giờ trầm ngâm trò chuyện: “Con cái lớn rồi, quyền tụi nó, đi hay không tự nó quyết, tôi không can thiệp”. Ngồi bên cạnh cha mình, anh Nguyễn Thành Luyến tiếp lời: “Giờ này chưa nói được gì anh ạ. Phía trước còn dài quá, nhưng với em và các anh em trong gia đình, biển vẫn là nhà, là cuộc sống không bao giờ bỏ được”.
Có mặt tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), chiều tối 25.7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm và tặng quà, chia sẻ những mất mát, đau thương của ngư dân, đặc biệt là những gia đình có người tử nạn ở P.Phú Tài, TP.Phan Thiết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thắp nhang cho các ngư dân tử nạn H.L |
Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thắp hương cho 6 ngư dân gặp nạn và tử vong trên biển. Ông Lê Minh Hoan gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân từng gia đình; thăm hỏi, chia sẻ động viên các gia đình cố gắng vượt qua đau thương, mất mát để ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự cảm phục trước sức sống mãnh liệt và niềm tin vào cuộc sống của từng ngư dân khi bị nạn trên biển đã tự động viên nhau, không bi quan, buông xuôi trong tình cảnh ngặt nghèo nhất để có thể trở về với gia đình và người thân. Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng các ngư dân mau chóng hồi phục sức khỏe, không bi quan sợ hãi để có thể trở lại với biển cả thân yêu.
QUẾ HÀ
TNO