EU nói Nga cắt giảm công suất khí đốt Nord Stream 1 là vì ‘động cơ chính trị’
EU nói Nga cắt giảm công suất khí đốt Nord Stream 1 là vì ‘động cơ chính trị’
‘Chúng tôi biết rằng không có lý do kỹ thuật nào. Đây là động thái có động cơ chính trị’, bà Kadri Simson, ủy viên năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), nói hôm 26-7.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo kể từ ngày 27-7 sẽ cắt giảm lượng khí đốt cung cấp hằng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu mét khối, tương đương 20% công suất đường ống.
Công suất vận chuyển khí đốt tối đa của Nord Stream 1 là hơn 160 triệu mét khối mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ khi mở lại đường ống ngày 21-7 sau thời gian bảo trì, Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở mức 40% công suất.
Giải thích cho việc cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống còn 20%, Gazprom cho biết họ đang tạm dừng hoạt động một trong hai turbine do yếu tố kỹ thuật.
Tuy nhiên, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson không đồng tình với lý do này. “Chúng tôi biết rằng không có lý do kỹ thuật nào. Đây là động thái có động cơ chính trị và vì lý do này, việc cắt giảm nhu cầu khí đốt của chúng tôi là một chiến lược khôn ngoan”, bà Simson nói.
Phát biểu trong buổi thảo luận về kế hoạch chung của các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels (Bỉ) ngày 26-7, Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela tố Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau kế hoạch cắt giảm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Czech hiện là quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU.
Theo kế hoạch đề xuất mới nhất của EU, tất cả các nước thành viên nên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% tới cuối tháng 3 năm sau để bù đắp cho nguồn cung giảm từ Nga.
Các bộ trưởng sẽ họp tại Brussels trong hôm nay 26-7 để thống nhất kế hoạch. Một số quốc gia thành viên trước đó đã từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao cho Brussels quyền cắt giảm sử dụng khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.
Đặc biệt, quyền cắt giảm bắt buộc được cho là được thiết kế để bảo vệ Đức, nước phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuần trước nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ muốn “gây sức ép lên chúng ta trước mùa đông này”, khi bà đề xuất các nước thành viên EU lập tức cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.
Các nước EU lúc này đang cố gắng lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông và chuẩn bị cho kịch bản Nga hạn chế hơn nữa nguồn cung, nhất là khi khả năng Nga cắt toàn bộ khí đốt có thể xảy ra.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo việc cắt giảm khí đốt của Nga có thể đẩy các nền kinh tế châu Âu vào suy thoái, làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt khiến giá cả tiêu dùng tăng vọt.