Tuyển sinh đại học: Khi điều không bình thường trở thành bình thường
Tuyển sinh đại học: Khi điều không bình thường trở thành bình thường
Theo xu hướng của thế giới, tuyển sinh đại học ở nước ta ngày càng đa dạng hoá với hàng chục phương thức xét tuyển. Sự đa dạng này mang tính tích cực, tiến bộ, tạo cơ hội cho học sinh (HS) vào ĐH.
Mỗi phương thức có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu không hạn chế tiêu cực sẽ gây nhiều hệ lụy. Có đại biểu Quốc hội nhận định rằng: Nếu giáo dục không trung thực thì mọi cải cách đều vô nghĩa, những điều không bình thường trở nên bình thường.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị bước vào giai đoạn xét tuyển đại học N.D |
Chẳng hạn, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99%, trên thế giới cũng như Việt Nam trước đây không có, nhưng đến nay trở thành bình thường. Việc nâng điểm, cho điểm, xin điểm, thậm chí là mua điểm là không bình thường, bất công, nhưng nay đã trở thành phổ biến. Việc học quá chú trọng điểm số gây áp lực, nhưng với 9,9 điểm/môn vẫn trượt ĐH nên phụ huynh, HS phải chấp nhận chạy theo.
Tư duy sợ HS hỏng tốt nghiệp mặc dù không nói ra, nhưng luôn canh cánh trong lòng lãnh đạo các cấp quản lý giáo dục. Bằng chứng là trước đây: thi 6 môn, trong đó 3 môn biết trước, 3 môn do Bộ GD-ĐT chọn, không có điểm học bạ tham gia xét tốt nghiệp, điểm liệt là 2 điểm, tỷ lệ tốt nghiệp dưới 90%. Còn hiện nay: 3 môn bắt buộc, HS được quyền lựa chọn tổ hợp để thi, có điểm học bạ tham gia tốt nghiệp, điểm liệt 1 điểm, tỷ lệ tốt nghiệp trên 90% nhưng vẫn không yên tâm (tỷ lệ tốt nghiệp năm 2019: 94%, đến năm 2021: 98,6%).
Để xây dựng một nền giáo dục trung thực, học thật, thi thật, nhân tài thật, trước hết, Bộ GD-ĐT nâng chuẩn tốt nghiệp THPT bằng cách bỏ điểm học bạ tham gia xét tốt nghiệp, nâng điểm liệt lên 2 điểm. Tiếp tục thực hiện đối sánh, và qua đối sánh, Bộ GD-ĐT cần đánh giá, nhắc nhở những địa phương, trường học có chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi từ 1,5 điểm trở lên. Các địa phương như Long An, Phú Yên, Hà Nội, Hải Phòng cần lý giải vì sao năm 2020 và 2021 có chênh lệch học bạ và điểm thi cao so với cả nước. Đổi mới cần có phản biện độc lập đánh giá hiệu quả để tránh bất cập, tiêu cực nảy sinh.
Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cần có đủ thông tin điểm học bạ, điểm thi, độ lệch của từng môn thi, để nhằm giúp HS, phụ huynh biết được năng lực thực sự, từ đó xác định hướng đi tiếp là học ĐH hay học nghề cho phù hợp.
Các trường ĐH tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau, có thể duy trì phương thức xét tuyển bằng học bạ, giảm áp lực thi cử, nhưng phải kết hợp thêm nhiều yếu tố, nhất là các hoạt động thực tiễn của HS, tiến tới HS xây dựng bộ hồ sơ ứng viên như các nước.
Các trường phổ thông tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho HS, kiên trì kiểm tra, đánh giá HS thực chất, bởi vì khi đánh giá thực chất, công bằng HS sẽ nỗ lực nhiều hơn sẽ có thành công lâu dài hơn.
HỒ SỸ ANH
TNO