23/01/2025

Sầu riêng xuất khẩu: Cờ đến tay, phất như thế nào?

Sầu riêng xuất khẩu: Cờ đến tay, phất như thế nào?

Mặt hàng sầu riêng là loại nông sản có giá trị cao, đang đứng trước thời cơ mở rộng thị trường tiêu thụ.  Thế nhưng cơ hội này cũng có thể bị đóng lại nếu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm. 

 

 

Sầu riêng xuất khẩu: Cờ đến tay, phất như thế nào? - ảnh 1
Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu  QUANG THUẦN

Tại hội thảo xúc tiến xuất khẩu sầu riêng tổ chức vào ngày 22.7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết loại nông sản này hiện đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt mới đây Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường tỉ dân.

 

Tiêu thụ tốt, giá trị cao

Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây nguyên – nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Không chỉ xuất khẩu, ngay trong thị trường nội địa, sầu riêng vẫn được tiêu thụ tốt và giá trị cao.

Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết: Diện tích trồng sầu riêng của Đăk Lăk tăng nhanh chóng, đạt trên 15.000 ha, riêng huyện Krong Pắc chiếm 4.000 ha với sản lượng 45.000 – 50.000 tấn/năm. Đầu tháng 7, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, huyện Krong Pắc đã có những bước chuẩn bị chu đáo và có 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 1.200 ha diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục đề xuất cấp mã vùng trồng cho thêm trên 1.000 ha nhằm chuẩn bị tốt nhất cho xuất khẩu chính ngạch.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Kể từ ngày 11.7.2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Nói về điều này, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu 4 tỉ USD, trong đó 90% là nhập khẩu chính ngạch từ Thái lan. Việt Nam hiện xuất khẩu sầu riêng chưa nhiều. Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có thể xuất khẩu đi các nước với hình thức cấp đông nguyên trái, tách múi tới các nước có cộng đồng người châu Á sinh sống.

Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 16%/năm, đứng thứ ba trên thế giới. Đáng nói, sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu, năm 2021 lên tới 821.500 tấn.

 

Tránh vết xe đổ

Dù cơ hội thị trường đã được nhận rõ, tuy nhiên đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đều chung khuyến cáo: Doanh nghiệp cung ứng sầu riêng trong nước buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, cạnh tranh bằng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: Tiêu dùng sầu riêng đang dần phổ biến tại Nhật Bản. Trong số 4 quốc gia xuất khẩu sầu riêng vào Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan lần lượt đứng đầu. Từ năm 2017 tới năm 2020 tỷ trọng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản đã tăng nhanh chóng, từ 2% lên 49%, với sản lượng 300 tấn. Sản lượng sầu riêng đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản gấp 10 lần so với sầu riêng tươi.

Cũng chính bởi số lượng sầu riêng nhập khẩu vào Nhật Bản tăng nhanh chóng dẫn tới tâm lý chủ quan của nhà cung ứng. Năm 2021 tại thị trường Nhật Bản đã có 5 vụ sầu riêng Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó 3 vụ liên quan đến sầu riêng tươi, 2 vụ sầu riêng đông lạnh. Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm dịch lên 100% với tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, dẫn tới thời gian lưu kho kéo dài gây tổn thất chi phí cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Quan trọng hơn, dẫn đến rủi ro về chất lượng sản phẩm và khách hàng không còn ưa chuộng.

Tại Úc, sầu riêng đông lạnh Việt Nam đã bắt đầu có thương hiệu và được ưa chuộng trên thị trường. Thế nhưng, ngay khi có thương hiệu, nhà cung ứng sầu riêng tại Việt Nam lại có hành động cạnh tranh không lành mạnh. Ông Nguyễn Phú Hòa – Phó tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc chỉ ra: Doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm không có chất lượng tốt nhất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, Úc là thị trường cao cấp và khó tính có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt, doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, không nên chỉ cạnh tranh về giá, như vậy mới có thể xuất khẩu bền vững.

Với kinh nghiệm thực tế đưa sầu riêng nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung xuất khẩu đi khắp thế giới, bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu bày tỏ: Đối với thị trường Trung Quốc, đây không còn là thị trường dễ tính, thậm chí đứng trong top đầu những thị trường khó tính. Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu, việc đáp ứng là bắt buộc. Điều này cần sự chung tay của nhiều bên trong đó quan trọng nhất là nhà trồng trọt và thương lái để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu.

QUANG THUẦN

TNO