26/12/2024

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính?

Ngoài một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đa số doanh nghiệp Việt vẫn quanh quẩn giải bài toán khó: vốn, đầu ra, tuân thủ được yêu cầu của chuỗi liên tục cao hơn mà vẫn có lời.

 

 

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 2: Chỉ làm được ốc vít, bao bì… là chính? - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất bao bì tại một công ty (huyện Nhà Bè, TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những chiếc điện thoại di động của Samsung hay tai nghe của Apple được sản xuất tại các nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên… đều ghi nhãn “made in Vietnam”. Nhưng phần tạo nên giá trị cốt lõi nhất là các linh kiện điện tử như camera, ăngten hay bảng mạch in (PCB) nhiều lớp… lại không do doanh nghiệp Việt làm.

 

Không đơn giản

Các nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, doanh nghiệp Việt chủ yếu cung cấp linh kiện nhựa, khuôn mẫu, in ấn, bao bì… có giá trị gia tăng thấp.

Một doanh nghiệp trong ngành điện tử chia sẻ đã làm được PCB 2 lớp, đủ năng lực để trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và đang cung ứng cho ngành hàng điện tử gia dụng như tivi, điều hòa nhiệt độ… Tuy vậy, để cung ứng bảng mạch cho điện thoại di động, doanh nghiệp chưa làm nổi (vì yêu cầu 5-6 lớp).

Đã làm được PCB 2 lớp, sẽ có thể sản xuất bảng mạch 5-6 lớp, nhưng phải bỏ ra số tiền lên tới vài triệu USD cho dây chuyền, tiêu chuẩn và hệ thống quản lý mới. Nên dù Samsung mở ra cơ hội, chủ doanh nghiệp không chấp nhận rủi ro.

“Đang làm bảng mạch PCB 2 lớp không hết việc, giờ phải bỏ ra số tiền quá lớn, thị trường thì bấp bênh, không doanh nghiệp nào dám làm” – lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho rằng nếu có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp thông qua các quỹ đầu tư, và Nhà nước cùng chấp nhận rủi ro với doanh nghiệp, thì sẽ là “cú hích” lớn để quyết tâm đầu tư, nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị.

Nguyên lãnh đạo vụ chức năng của Bộ Công thương chia sẻ với sự chần chừ của doanh nghiệp: không có chuyện tập đoàn quốc tế ký “tôi sẽ mua, anh đầu tư đi”. Mà họ khuyến khích nếu doanh nghiệp Việt đầu tư, đạt chuẩn họ mới mua. Mua rồi liên tục yêu cầu cải tiến hiệu suất, có thể đưa người vào giúp, nhưng có khi bắt mỗi năm giảm giá 5%. “Cực khó, phải làm rất bài bản và trường vốn mới trụ được”- vị này nói.

 

Đến chiếc vòi nước cũng phải… nhập khẩu

Là doanh nghiệp có tuổi đời 30 năm trong ngành sản xuất, Công ty cổ phần đầu tư ROBOT vài năm gần đây phát triển thêm sản phẩm máy lọc nước. Rất nhiều phụ kiện tưởng đơn giản, có thể đặt hàng trong nước nhưng không được.

Đứng bên chiếc máy lọc nước mới toanh vừa đưa ra thị trường, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư ROBOT Nguyễn Phương Nam cầm chiếc vòi inox có chiều dài khoảng 2 gang tay nói “rất ưng ý”. Thế nhưng, “đỏ mắt” tìm hàng trong nước, cuối cùng hãng đành đặt hàng tận… Hàn Quốc.

Theo ông Nam, dù trong nước có nhiều nh

Ông Nam cũng chỉ ra ở Việt Nam hiếm có doanh nghiệp sản xuất những linh kiện điện tử, các loại rơle để lắp trong các bộ vi mạch mà đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Oái oăm thay, các nhà nhập khẩu linh kiện Việt cũng thường không nhập loại tốt. Cùng linh kiện, cùng công năng, họ đi tìm loại rẻ về bán.

“Chỉ cần hư một linh kiện là chiếc máy không dùng được, riêng chi phí đi lại, bảo hành cho khách đã khủng khiếp so với linh kiện tốt”, ông Nam chia sẻ góc nhìn của nhà đặt hàng.

Cho rằng thị trường công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có song ông Nam đánh giá sự đa dạng sản phẩm, giá thành, chất lượng chưa thể cạnh tranh với nước ngoài. “Nhiều sản phẩm Việt Nam làm được nhưng vấp phải điểm yếu về giá do quy mô thị trường nhỏ bé nên cần thêm những sự trợ lực để giúp thị trường này phát triển, kéo theo sự phát triển chung của các ngành công nghiệp khác”, ông Nam đề xuất.

 

Doanh nghiệp nhỏ không đủ sức “chơi lớn”

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Chí Bình – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) – cho hay sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại nhiều cơ hội hơn cho những doanh nghiệp xuất sắc, có năng lực quản trị tốt, đảm bảo chất lượng và chi phí cạnh tranh.

Thực tế, đã có những chủ doanh nghiệp đầu tư mở nhà máy mới (từ Nam ra Bắc) để đảm bảo sản xuất. Song điều đáng suy ngẫm là sản phẩm của doanh nghiệp chế tạo Việt Nam hầu hết chỉ loanh quanh ở phân khúc giữa của chuỗi giá trị, thực hiện đơn hàng theo yêu cầu của khách, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao.

Được xem là “bà mối” giúp doanh nghiệp chế tạo vào chuỗi cung ứng, bà Bình cho hay rất khó để tìm được doanh nghiệp thuần Việt sản xuất linh kiện điện tử cho Samsung. Điều này xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp Việt không sẵn sàng.

Ngay Samsung liên tục mở rộng quy mô nhưng chuỗi cung ứng đã được tập đoàn này hình thành từ nhiều năm nên không dễ thay thế cho những doanh nghiệp hiện có trong chuỗi. “Không đơn giản chỉ là giá rẻ hay tốt hơn, mà chuỗi cung ứng nào cũng mang tính quốc tịch, đó là sự ổn định và cam kết” – bà Bình nói.

 

Còn nhiều hạn chế

Theo đánh giá của Bộ Công thương, khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu.

Với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam chủ yếu mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, tỉ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5-10%.

Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử thì chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp xuất khẩu nên chịu ảnh hưởng lớn từ các thị trường thế giới.

 

Cẩn thận “một quốc gia, hai nền kinh tế”

Theo Bộ Công thương, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỉ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác.

Sự liên kết giữa hai khu vực: doanh nghiệp trong nước và FDI lỏng lẻo khiến sự lan tỏa về công nghệ, kiến thức, kỹ năng sản xuất từ khu vực FDI rất hạn chế.

“Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng một quốc gia, hai nền kinh tế” – Bộ Công thương cảnh báo.

 

Trả giá đắt nếu “buông” thị trường cho doanh nghiệp FDI

TD-190722-Ti-trong-CN-che-bien-GDP-VietNam-TTO
Nguồn: Bộ Công thương – Dữ liệu: N.AN – Đồ họa: Tấn Đạt

 

Không thể tự chủ sản xuất công nghiệp, cuối cùng người dân dễ phải chịu thiệt khi giá cả hàng hóa các sản phẩm công nghiệp sẽ hầu hết do các nhà sản xuất ngoại kiểm soát và thao túng.

Bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), chia sẻ quan điểm như trên và cho rằng nếu bỏ mặc thị trường 100 triệu dân, “buông” toàn bộ cho nước ngoài hoặc phải nhập khẩu toàn bộ từ bên ngoài thì nhiều sản phẩm sẽ dễ dàng trở nên đắt đỏ.

“Chúng ta không thể làm tất cả hay cạnh tranh mọi thứ trong chuỗi cung ứng của Samsung, Toyota, Honda… mà phải chọn một vài thứ để ưu tiên làm. Nếu không hỗ trợ doanh nghiệp nội vươn lên thì không những bỏ phí cơ hội phát triển, mà việc quản lý cạnh tranh ở một thị trường với toàn các công ty FDI cũng khó khăn hơn.

Chúng ta có thể chấp nhận không còn Vinsmart sản xuất điện thoại, nhưng cần phải phát triển mạng lưới nhà cung ứng cấp 1 của người Việt ở những phân khúc có hàm lượng giá trị gia tăng cao, kéo theo mạng lưới doanh nghiệp Việt, thì mới có thể tự chủ công nghiệp và có vị thế trong cuộc chơi toàn cầu” – bà Bình nói.

Lãnh đạo của VASI nhấn mạnh bên cạnh chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp tư nhân lớn có vai trò dẫn dắt ngành, trước hết Chính phủ cần có vai trò đàm phán với các “ông lớn” FDI về việc họ sẽ “nhả” bao nhiêu phần trăm ở khu vực linh kiện nào, với công nghệ nào, cho doanh nghiệp Việt.

Trên cơ sở cam kết đó, các bộ ngành sẽ ngồi với doanh nghiệp để có chương trình phát triển nhà cung cấp trên cơ sở các chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp cạnh tranh được như đất đai, nhà xưởng, vốn vay, lãi suất, các khoản thuế phí, chi phí mua công nghệ mới…

 

N.AN

TTO