Hâm hải sản sẽ sinh ra độc tố không tốt cho sức khoẻ?

Hâm hải sản sẽ sinh ra độc tố không tốt cho sức khoẻ?

Tôi nghe nói không nên hâm hải sản vì sẽ sinh ra độc tố không tốt cho sức khoẻ, điều này có đúng không bác sĩ? Nhân đây cho tôi hỏi, ngoài hải sản thì còn những thức ăn nào không nên hâm lại không?(C.Tài, ở TP.HCM).

 

 

Th.S-BS Nguyễn Thái LinhBệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, trả lời:

Với mật độ công việc bận rộn như hiện nay, nhiều người chọn cách mua nhiều thực phẩm về chế biến và bảo quản lạnh, sau đó hâm nóng lại để sử dụng bằng nồi hâm dưới lửa hoặc bằng lò vi sóng. Nhưng về mặt dinh dưỡng, việc hâm thức ăn lại nhiều lần sẽ làm mất các chất dinh dưỡng vốn có và biến đổi chất dinh dưỡng thành các chất có thể gây độc cho cơ thể từ thực phẩm.

Hâm hải sản sẽ sinh ra độc tố không tốt cho sức khỏe? - ảnh 1
Chế biến hải sản không tốt và hâm nóng nhiều lần sẽ gây phá hủy các cấu trúc protein, tích lũy và sản xuất các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe

SHUTTERSTOCK

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các loại thực phẩm, chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng qua việc hâm nóng:

 Hải sản là thực phẩm giàu canxi, phospho, protein, các khoáng chất và vitamin, đồng thời hải sản là thực phẩm dễ ươn hỏng và dễ nhiễm vi khuẩn gây bệnh khi chưa nấu chín. Vì vậy, lựa chọn, chế biến hải sản không tốt và hâm nóng nhiều lần sẽ gây phá hủy các cấu trúc protein, tích lũy và sản xuất các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.

– Cơm trắng bảo quản nguội và không nên để vượt quá 24 giờ vì sau khi hâm nóng lại các bào tử gạo sản sinh vi khuẩn, biến đổi thành chất độc hại có thể gây hại dạ dày với buồn nôn, mắc các bệnh đường tiêu hóa.

– Thịt là thực phẩm giàu protein, việc chế biến sẵn thịt mất chất dinh dưỡng có giá trị ra theo nước và hâm nóng thịt nguội đã qua chế biến nhiệt độ cao sẽ khiến cho cấu trúc protein bị biến đổi gây hại cho dạ dày ruột.

– Trứng là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có đủ protein, glucid, lipid, khoáng chất, vitamin, các loại men và hormon. Nếu dùng trứng sống có thể gây đầy bụng khó tiêu, lâu ngày có thể xuất hiện dấu hiệu thiếu biotin. Khi hâm nóng nhiệt độ cao, lòng đỏ trong trứng sẽ biến thành chất độc gây hại cho cơ thể.

– Sữa là môi trường tốt để vi khuẩn gây bệnh phát triển vì vậy nếu không đảm bảo vệ sinh trong khâu vắt sữa, chế biến, bảo quản, có thể dẫn đến mắc bệnh truyền nhiễm và ngộ độc. Việc hâm nóng sữa góp phần giúp vi khuẩn E-Coli sản sinh nhiều ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.

– Rau củ: một số rau bó xôi, củ dền, củ cải trắng, cần tây,… chứa thành phần nitrat, chuyển thành nitrit khi có sự tác động nhiệt độ, ảnh hưởng đến mức độ oxy hóa trong máu, gây hại cho cơ thể.

Tóm lại, ta thấy thực phẩm vẫn có thể hâm nóng nhưng cần phải biết cách sử dụng và hâm nóng đúng cách như sau:

– Làm nguội thực phẩm kỹ và nhanh chóng, lựa chọn hộp đựng phù hợp và đậy kín trước khi cho vào tủ lạnh và cấp đông.

– Nên ăn thức ăn hâm nóng trong vòng 24-48 giờ, hạn chế cất lạnh và hâm đi hâm lại nhiều lần để sử dụng.

– Hâm nóng cho đến khi thức ăn nhiệt độ phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn ẩn nấp.

– Cẩn thận và kiểm tra kỹ lưỡng các loại thực phẩm có nguy cơ cao như hải sản, sữa, thịt,… trước khi hâm nóng và sử dụng.

 

M.PHÚC

TNO