22/12/2024

Chuyện buồn sau mùa thi

Chuyện buồn sau mùa thi

Đến bao giờ điểm số sẽ phản ánh trung thực trình độ – năng lực học sinh?

 

 

Chuyện buồn sau mùa thi - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 ở TP.HCM vừa tham gia kỳ thi học sinh giỏi do Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM tổ chức cuối tháng 3-2022 – Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

1. Cuối năm học 2020 – 2021, vì dịch COVID-19 quá căng thẳng nên TP.HCM không tổ chức thi để tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ngày Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM công bố điểm chuẩn xét tuyển lớp 10 dựa trên căn cứ điểm học bạ năm lớp 9, nhiều học sinh giỏi đã ôm mặt khóc vì rớt cả 3 nguyện vọng.

Nguyên nhân là vì trường THCS của các em đã ra đề kiểm tra và chấm điểm “chặt” hơn, khó hơn nhiều trường THCS khác. Do đó, điểm học bạ của những em này không cao bằng học sinh ở trường THCS ra đề “lỏng” hơn, dễ hơn.

2. Bước sang năm học 2021 – 2022, rút kinh nghiệm từ năm trước, nhiều giáo viên dặn dò nhau hãy nương tay, đừng để các em thua kém học sinh trường bạn khi xét tuyển vào lớp 10. Và thế là tỉ lệ học sinh khá, giỏi lớp 9 ở TP.HCM năm nay tăng đột biến. Sở Giáo dục và đào tạo TP còn cho biết: có trường THCS ở vùng ven nhưng tỉ lệ học sinh khá, giỏi lớp 9 đạt 80%.

Nhưng oái oăm thay, cuối năm học 2021 – 2022 khi dịch bệnh trong tầm kiểm soát, TP.HCM quyết định tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập. Ngày công bố điểm thi, nhiều học sinh đã sốc khi nhận kết quả chỉ 4 – 5 điểm/môn thi, trong khi điểm kiểm tra trên lớp của các em toàn 9 và 10.

Có phụ huynh tâm sự: “Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc vì điểm thi tuyển sinh lớp 10 của con thấp đến không thể tin nổi. Đến ngày Sở Giáo dục và đào tạo TP công bố điểm chuẩn vào lớp 10, con tôi lại ôm mẹ khóc lần nữa vì rớt hết các nguyện vọng…”.

3. Tình trạng trên cũng rất dễ nhận thấy đối với học sinh lớp 12 khi các em nộp hồ sơ dự tuyển vào đại học theo hình thức xét điểm học bạ. Việc đánh giá học sinh chưa “đều tay” giữa các trường THPT: có nơi ra đề kiểm tra quá dễ và ngược lại khiến nhiều học sinh rớt oan uổng vì không có học bạ “đẹp” như học sinh trường bạn.

Và… không phải ngẫu nhiên mà các phụ huynh rỉ tai nhau: nên cho con vào trường THPT X, trường THPT Y vì giáo viên ở đó rất “thương” học sinh, nội dung đề kiểm tra đã được báo trước và khoanh vùng trong một số bài nhất định để học sinh chuẩn bị… Thế nên, học sinh ở những trường này không sợ bị điểm thấp và cũng không sợ rớt đại học.

Nhưng… học sinh đi học không chỉ để thi. Nhiều năm gần đây, ngành Giáo dục và đào tạo đã và đang tích cực đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, học sinh đi học với mục đích như UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Song song đó chính là việc dạy học như lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo đã khẳng định rằng: dạy học phải thực hiện theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Nhưng thực tế thì sao? Liệu học sinh có phát triển được năng lực của bản thân hay không khi phương pháp kiểm tra – đánh giá đang “có vấn đề”, không đánh giá chính xác trình độ học sinh?

Việc ra đề kiểm tra quá khó, ra theo kiểu đánh đố chắc chắn sẽ làm cho học sinh lo lắng, mất tự tin và bắt buộc các em phải chọn giải pháp… đi học thêm. Ngược lại, việc ra đề kiểm tra theo kiểu “nới tay” sẽ khiến cho học sinh ảo tưởng về bản thân, rằng mình đã giỏi rồi, cần gì cố gắng nữa…

Đến bao giờ các em học sinh lớp 9, lớp 12 không vướng phải những cú sốc đầu đời do chính người lớn tạo ra? Bao giờ có sự đồng bộ, “đều tay” trong việc đánh giá học sinh giữa các trường phổ thông? Để các bậc cha mẹ học sinh – khi nhận sổ liên lạc và xem điểm của con mình sẽ không còn sự nghi hoặc, tâm tư…

Đến bao giờ điểm số sẽ phản ánh trung thực trình độ – năng lực học sinh?

Vẫn là câu hỏi “bao giờ”…

HOÀNG HƯƠNG
TTO