23/01/2025

Khi điểm thi không như kỳ vọng

Khi điểm thi không như kỳ vọng

Hàng triệu học sinh vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT lấy điểm xét tuyển đại học. Cuộc đời học sinh gắn liền với nhiều kỳ thi, điểm số và kỳ vọng của bản thân và gia đình.

 

 

Khi điểm thi không như kỳ vọng - Ảnh 1.

Người mẹ động viên, khích lệ con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nếu chẳng may kết quả không như mong muốn, phải làm sao? TS Ellie PHƯƠNG NGUYỄN – giáo sư bậc 1, khoa sinh hóa và sinh học phân tử ĐH bang Oklahoma, Hoa Kỳ – cho rằng với người đi học thì nhận điểm số cũng quan trọng như người đi làm nhận được lương để đánh giá thành quả học tập, lao động của mình.

Ai cũng mong muốn được điểm cao, lương cao nhưng đó chỉ là phần ngọn, không phải phần gốc, là kết quả chứ không phải nguyên nhân. Học sinh đừng quá quan trọng điểm số, phải có công việc kiếm được nhiều tiền mà đánh cược tất cả niềm vui, nỗi buồn vào đó.

Đừng tự ti khi có lúc rơi vào hoàn cảnh thua kém chúng bạn vì cuộc sống là cả một hành trình, không quan trọng chỗ bạn đang đứng mà ở con đường bạn đang đi để chinh phục thử thách và đạt được mục tiêu của chính mình.
TS Ellie Phương Nguyễn

* Như vậy theo chị, đâu mới là điều quan trọng nhất của một học sinh?

– Vì là phần quả chứ không phải gốc rễ nên có thể thay đổi hay nâng cấp được khi mình cải thiện phần gốc, chính là sự kiên trì phấn đấu và tầm nhìn lâu dài. Như với học sinh thì quan trọng nhất là ý thức tự nỗ lực để cải thiện dần những điểm yếu của mình, và trau dồi rèn luyện thường xuyên để phát huy điểm mạnh.

Đó là tố chất quan trọng và thói quen cần có sẽ theo mình cả cuộc đời, quyết định thành bại lâu dài trong 10 – 20 năm tới, chứ không chỉ là điểm số của một vài kỳ thi. Đừng tự ti khi có lúc rơi vào hoàn cảnh thua kém chúng bạn vì cuộc sống là cả một hành trình, không quan trọng chỗ bạn đang đứng mà ở con đường bạn đang đi để chinh phục thử thách và đạt được mục tiêu của chính mình.

* Con đường của học sinh là học trường tốt, có công việc và thu nhập tốt sau này. Chị cho rằng đừng quá coi trọng việc phải tìm công việc kiếm được nhiều tiền, vậy đâu là điều học sinh nên cân nhắc khi chọn nghề?

– Tôi thấy rất nhiều người sau nhiều năm làm những công việc nhiều người mơ ước với thu nhập cao nhưng họ dường như không hạnh phúc với lựa chọn đó.

Tôi có người bạn bỏ hẳn nghề bác sĩ để chuyển sang làm đồ trang sức đúng với đam mê và sở trường, từ đó kiếm được thu nhập còn tốt hơn, sống vui vẻ hơn hẳn. Vì vậy, tôi nghĩ làm gì cũng cần có say mê hay yêu thích thì mới có thể theo đuổi lâu dài, vượt qua được những khó khăn, thử thách trên con đường đó để ngày càng phát triển. Các bạn trẻ hãy dành thời gian nói chuyện, học hỏi những người đi trước để tìm hiểu người thật, việc thật trong các lĩnh vực mà mình quan tâm, sau đó tự đối chiếu với bản thân xem có phù hợp hay không.

Ví dụ, bạn muốn làm bác sĩ thì ít ra mình cũng giỏi sinh học, không kinh hãi máu hay xác chết. Trong trường hợp không biết bản thân giỏi lĩnh vực nào, các bạn cũng có thể tìm hiểu bằng các bài kiểm tra năng lực từ miễn phí đến chuyên nghiệp như Gallup/Clifton StrengthsFinder… Sau đó, bạn hãy tìm cơ hội để cọ xát phần nào với công việc đó để thấy mặt sáng lẫn mặt tối của công việc đó.

Các bạn đừng vội nhìn vào mặt hào nhoáng mà nghĩ mình chắc chắn sẽ chịu được những mặt trái gai góc của nó, nhưng trên thực tế thì chưa từng trải qua. Như nếu là nhân viên lập trình thì bạn có cảm thấy hạnh phúc, hứng thú với việc ngồi hàng giờ trước máy tính ngày này qua ngày khác và có khi là cả vài chục năm để làm việc với các mã code, dòng lệnh nhảy múa trước mặt không? Nếu là bác sĩ thì bạn có cảm thấy vui vẻ gặp gỡ tư vấn cho bệnh nhân mỗi ngày và nghe những phàn nàn của người bệnh không? Tức là phải thấy cả mặt sáng, mặt tối của ngành nghề đó.

* Đôi khi ở Việt Nam, ba mẹ lại chọn nghề thay cho con dù con không muốn. Học sinh cần làm gì để giải tỏa những khúc mắc với cha mẹ nếu có?

– Tuổi 16, 18 là đã dần bước vào tuổi trưởng thành, có thể tự lập được về nhiều mặt nên nhu cầu được tự do về tư tưởng và muốn tự quyết định cũng nhiều hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường về mặt tâm sinh lý tuổi trưởng thành. Nhưng hãy hiểu và thông cảm hơn chút nữa là với cha mẹ mình thì ở tuổi này sẽ vẫn thấy con còn bé, nhất là nếu ở cùng gia đình và để cha mẹ lo cho từng miếng cơm giấc ngủ, đưa đón đi học khắp nơi.

Nên nếu muốn cha mẹ thay đổi dần cách nhìn về mình thì không thể diễn ra một sớm một chiều mà phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Đó là bản thân mình hãy dần thể hiện sự tự lập từ những việc nhỏ như biết cách chăm sóc bản thân thật tốt, hỏi han quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ mình nhiều hơn. Những hành động này sẽ đánh động rất lớn đến phụ huynh khiến họ không thể phủ nhận sự trưởng thành, biết suy nghĩ chín chắn nhiều hơn của con.

Lúc đó tự nhiên cha mẹ sẽ có cách nhìn khác và tôn trọng những quyết định độc lập của con nhiều hơn, vì lúc này nó dựa trên sự an tâm là con mình đã trưởng thành rất nhiều trong suy nghĩ.

Hạn chế so sánh con với bạn khác

* Sự học của học sinh Việt Nam không chỉ để có tương lai tốt hơn cho bản thân mà đó còn là kỳ vọng của gia đình. Ba mẹ nào cũng kỳ vọng con thành đạt, nhưng liệu rằng sự “kỳ vọng” đó đã tạo áp lực cho học sinh không?

– Đã là cha mẹ thì từ khi con chào đời đều mong muốn và cố gắng tạo dựng những điều tốt đẹp nhất cho con trong khả năng hiểu biết và tài chính của mình, lâu dần nó trở thành kỳ vọng và ít nhiều tạo áp lực cho con.

Làm mẹ nên tôi hiểu những sự so sánh không thể tránh khỏi khi nhìn các bạn đồng trang lứa của con. Như có lần, năm bé nhà mình học lớp 3, tôi hỏi con sao bài tập này con làm sai nhiều vậy, bé trả lời đâu cần phải cái gì cũng đạt điểm tuyệt đối đâu mẹ! Câu nói đó làm tôi suy nghĩ mãi vì cái mình muốn và cái con thật sự cần nhiều khi rất khác nhau.

Nếu không lắng nghe và dung hòa thì dần dần sẽ tạo nên khoảng cách, dẫn đến tạo áp lực tinh thần mà chưa chắc giúp con phát huy hết tố chất của mình.

Để con vẫn có động lực phấn đấu mà ít thấy áp lực hơn từ ba mẹ, tôi rất hạn chế so sánh con với bạn khác, nếu có thể thì tránh luôn càng tốt. Tôi chỉ yêu cầu con không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình, lần sau kết quả tốt hơn lần trước của chính con là được, vì lâu dần sẽ giúp hình thành ý thức tự nâng cấp chính mình và không so sánh hay đố kỵ với người khác.

Và quan trọng là con sẽ dễ giữ được tâm trạng vui vẻ nếu có lỡ điểm thấp thì sẽ tự rút ra kinh nghiệm, biết mình sai ở đâu để lần sau nhất định sẽ không phạm lỗi cũ nữa.

MINH GIẢNG thực hiện
TTO