26/12/2024

‘Bão giá’ tàn phá giấc mơ người xây nhà

‘Bão giá’ tàn phá giấc mơ người xây nhà

Trong cơn “bão giá” vật liệu xây dựng hiện nay, không chỉ những dự án, công trình lớn rơi vào cảnh mất kiểm soát chi phí mà ngay cả những chủ thầu xây dựng nhỏ, chuyên thi công nhà dân sinh cũng lao đao, tìm mọi cách để xoay xở.

 

 

Bão giá tàn phá giấc mơ người xây nhà - Ảnh 1.

Giá các loại vật liệu xây dựng như ximăng, cát tăng mạnh khiến nhiều công trình xây dựng phải giãn, hoãn tiến độ – Ảnh: B.NGỌC

Ximăng, cát, đá xây dựng, gạch ốp lát… đồng loạt tăng giá từ đầu năm 2022 khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch xây nhà. Kéo dài thời gian hoàn thiện, chi phí xây dựng vượt ngưỡng không chỉ là nỗi lo của chủ nhà, mà chuyện lời lãi, thậm chí phá sản cũng gây áp lực lớn đối với nhà thầu xây dựng hiện nay.

 

“Xanh mặt” vì xây nhà

Đang xây căn nhà 120m2 với 1 trệt 1 lầu, anh Nguyễn Văn Đông (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) đã bàn với vợ quyết định tạm dừng sau khi hoàn tất phần thô để chờ giá cả vật liệu hạ nhiệt.

“Nhà tôi xây 2 tháng nay nhưng giá các loại vật liệu tăng quá cao nên tôi tạm ngưng, chờ đến cuối năm mới hoàn thiện. May chủ thầu là bà con phía vợ nên anh em trong nhà tính toán với nhau rất dễ. Nếu tiếp tục làm, nhà sẽ đội lên 500 – 600 triệu đồng nhưng tôi không xoay xở được”, anh Đông nói.

Tương tự, có mảnh đất 50m2 ở quận Gò Vấp, anh Vũ Thanh Tuấn tính xây nhà và được chủ thầu báo dịch vụ trọn gói, kiểu xây “chìa khóa trao tay” với giá 5,2 triệu đồng/m2 vào thời điểm năm 2021 nhưng phải tạm hoãn do dịch.

“Bây giờ xây nhà trọn gói lên đến 7 triệu đồng/m2 do giá vật liệu xây dựng tăng cao quá, thế là giấc mơ nhà mới… của tôi vẫn dang dở. Đến cuối năm vật liệu, nhân công tăng thì tôi bán mảnh đất này để tìm chung cư vừa tiền, mua để ở”, anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Huynh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đã gần 6 tháng nay mà căn nhà phố 1 trệt 1 lầu, diện tích gần 180m2 của gia đình bà vẫn chưa hoàn thiện dù theo hợp đồng đã ký với chủ thầu xây dựng từ tháng 12 năm ngoái là hoàn thiện trong tháng 6-2022.

Ngoài lý do nhà thầu nhận nhiều công trình, việc đại lý liên tục báo đứt hàng ximăng, cát… trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng cao nên công trình không thể hoàn thành như tiến độ, bởi vừa xây dựng vừa phải chờ vật liệu.

Dù đã đặt trước tiền mua vật liệu, đã tính toán phát sinh “như thường lệ” khi xây nhà, nhưng bà Huynh cũng không ngờ phát sinh… vượt xa mức đã phòng tính. “Tổng tất cả các chi tiết, các công đoạn từ công thợ đến vật liệu xây dựng, nội thất… tôi chuẩn bị cho phát sinh là 1,2 tỉ đồng. Nhưng với tình hình cái gì cũng tăng, chắc phải khoảng 1,5 tỉ đồng mới hoàn thiện căn nhà”, bà Huynh thở dài nói.

Giữa “cơn lên đồng” của vật liệu xây dựng, nên trên những group ở mạng xã hội như “Yêu nhà đẹp”, “Mê nhà đẹp” hay “Happynest (cộng đồng yêu nhà đẹp)… thay vì có nhiều hình ảnh ngôi nhà đẹp, thì những ngày qua luôn kèm lời than thở như: “Đẹp nhưng xây xong chắc cũng “méo mặt” vì đội giá vật liệu”, hay “Nhà xây xong móng chắc “ngốn” hết 1/2 số tiền chuẩn bị trước; rồi tiền công cho nhà thầu và những thứ phát sinh… Nghĩ đến thôi là xanh mặt”…

Lo “gọt chân cho vừa giày”

Ông Nguyễn Hoàng Phong, chủ một công ty kiến trúc xây dựng ở quận 12, cho biết công ty này nhận nhà theo kiểu hoàn thiện trọn gói, nhân công tính tùy theo vật liệu. Nếu vật liệu dạng trung bình, giá khoảng 7 triệu đồng/m2. Với loại cao cấp, phí hoàn thiện dao động 10 – 15 triệu đồng/m2.

“Giới xây dựng ai cũng la làng vì giá vật liệu tăng, hợp đồng ký từ đầu năm nhưng biên độ tăng quá lớn, nhà thầu không kịp trở tay. Nhà thầu kê ra danh sách với đơn giá cụ thể, trừ chi phí giảm trừ, hợp đồng ràng buộc cọc phần trăm, đặt cho nhà cung cấp. Nếu đặt sớm thì đỡ nhưng lỡ không đặt mà giá cả tăng thì chủ thầu phải bù vào, coi như lỗ nặng”, ông Phong nói.

Cũng là nhà thầu ở quận Tân Phú, ông Phan Ngọc chia sẻ những khó khăn khi nhận xây nhà đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Theo ông Ngọc, chiếm đến gần 80% tổng dự toán là chi phí nguyên vật liệu, bao gồm 5 loại vật liệu chủ yếu là ximăng, thép xây dựng, đá, cát và gạch.

“Khi giá vật liệu tăng mạnh, chi phí xây dựng bị đội lên, một số nhà thầu điêu đứng vì bị lỗ nặng. Có một số nhà thầu không thể tiếp tục thi công, chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nếu thương lượng được với chủ nhà và được chia sẻ, thiệt hại phía chủ thầu ít đi. Nhưng rất khó gặp chủ để dễ dàng thương lượng”, ông Ngọc nói.

Theo một số đơn vị xây dựng, do vật liệu xây dựng tăng giá quá nhanh trong thời gian ngắn, nhiều chủ thầu nhận nhà nhưng vẫn không ký hợp đồng, khiến gói thầu sẽ ngưng trệ hoặc tìm cách đánh nhanh rút gọn để đi làm dự án khác theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Cách làm này sẽ làm giảm chất lượng công trình.

“Để tránh lỗ nặng, nhà thầu thường dùng chiêu trò báo giá một nơi, làm vật liệu “đểu”. Các nhà thầu cũng tính tới đường giảm chi phí xây dựng trong tình hình đà tăng giá liên tục như bớt xén vật liệu xây dựng, chậm thi công, sử dụng vật liệu chất lượng kém để thay thế… Tất cả đều có thể xảy ra, dẫn đến chất lượng nhà ở, công trình xây dựng không hiệu quả, giảm sút”, ông Ngọc phân tích.

Bão giá tàn phá giấc mơ người xây nhà - Ảnh 2.

Giá vật liệu tăng cao, nhiều công trình xây dựng nhà ở bị ảnh hưởng – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Chủ nhà “chia khó” với chủ thầu

Ông Hồ Việt Phương, chủ căn nhà đang xây dở dang trên phố Định Công, TP Hà Nội, cho hay công trình nhà ông đã dừng thi công hơn 3 tháng nhưng chủ thầu xây dựng người Nam Định vẫn chưa quay lại.

Theo hợp đồng xây dựng đã ký kết, nhà thầu phải hoàn thiện nhà cho gia đình tôi trong tháng 7 này, nhưng mấy tháng qua giá cả vật liệu leo thang, chủ thầu càng làm càng lỗ nên ông Phương đã đồng ý cho chủ thầu kéo dài thời gian thi công, chờ tới khi nào giá vật liệu giảm xuống sẽ thi công tiếp.

B.NGỌC

 

Chủ thầu xây dựng dân dụng lao đao

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy tình trạng các loại vật liệu xây dựng chính như thép, ximăng, gạch, cát, đá xây dựng… đồng loạt tăng giá mạnh trong 6 tháng đầu năm đã đẩy nhiều chủ thầu nhỏ, chuyên thi công nhà dân sinh tại Hà Nội rơi vào cảnh lao đao.

Ông Trần Công Thành, một chủ thầu đang xây dựng nhà dân tại quận Hoàng Mai, cho biết hầu hết công trình nhà dân có quy mô nhỏ, chủ hộ và nhà thầu thường ký hợp đồng nhận trọn gói theo đơn giá cố định.

Khi giá vật liệu tăng cao cũng không thể tăng đơn giá xây dựng. Nhiều chủ thầu rơi vào cảnh càng làm nhiều càng lỗ lớn, nếu trót nhận công trình rồi, buộc phải chọn giải pháp thi công cầm chừng, kéo dài thời gian thi công để chờ vật liệu xây dựng giảm giá.

“Hồi đầu năm nay tôi nhận xây mới hơn chục căn nhà riêng lẻ nhưng đến nay mới hoàn thiện phần thô được ba căn để bàn giao cho chủ nhà”, ông Thành nói và cho biết đơn giá xây dựng hiện nay khoảng 6 triệu đồng/m2 xây dựng thô, tăng khoảng 2 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2021.

Theo ông Trần Xuân Tuyên – chủ thầu xây dựng công trình nhà dân trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), từ đầu năm đến nay không chỉ có vật liệu tăng, giá nhân công xây dựng cũng tăng rất cao. Những năm trước khi nhận thầu xây dựng nhà dân, ông Tuyên thường khoán lại cho các đội thợ với giá khoảng 1,3 triệu đồng/m2 xây thô.

“Nhưng hiện nay phải 1,5 triệu đồng/m2 xây thô mới thuê được thợ. Tính ra, riêng chi phí nhân công xây dựng hiện tăng khoảng 200.000 đồng/m2 so với trước đây”, ông Tuyên nói và cho rằng nếu không tăng tiền công sẽ không thuê được thợ vì giá cả mọi thứ đều tăng, người lao động làm thuê cũng phải tăng chi tiêu vì cơm bụi ngoài phố cũng tăng giá.

Nhiều chủ thầu xây dựng nhỏ tại Hà Nội thừa nhận nếu làm theo đơn giá nhà nước, hầu hết chủ thầu khoán đều lỗ. Để xoay xở, một số chủ thầu buộc phải tính tăng thêm khối lượng vật liệu xây dựng trong dự toán công trình trước khi ký hợp đồng nhận thầu khoán để bù trượt giá.

Bên cạnh đó, không ít chủ thầu đã chọn giải pháp thi công cầm chừng để giữ công trình, chờ vật liệu giảm giá thi công tiếp. Và cũng có những nhà thầu phải ngồi lại với chủ nhà để xin tạm dừng thi công công trình một thời gian vì vật liệu xây dựng tăng quá cao.

B.NGỌC

THẢO THƯƠNG