24/12/2024

Dễ cáu gắt khi đói, vì sao?

Dễ cáu gắt khi đói, vì sao?

Cho đến nay mới có nghiên cứu đầu tiên lý giải cái cảm giác vừa cồn cào, vừa nôn nao, vừa bứt rứt, vừa khó chịu mỗi khi bạn đói bụng.

 

 

 

Dễ cáu gắt khi đói, vì sao? - Ảnh 1.

Đói bụng khiến người ta dễ cáu gắt – Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Khoa học sức khỏe Karl Landsteiner (Áo) và Trường Tâm lý và khoa học thể thao thuộc Đại học Anglia Ruskin (Vương quốc Anh) và đăng trên tạp chí khoa học uy tín PLOS One.

Giáo sư Viren Swami – chuyên ngành tâm lý xã hội tại Đại học Anglia Ruskin, tác giả chính của nghiên cứu – cho biết nhiều người nhận thức được rằng đói có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, nhưng chưa có một nghiên cứu khoa học nêu rõ sợi dây liên hệ này.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm của giáo sư Swami đã tuyển chọn 121 người trưởng thành từ Trung Âu. 64 người tham gia, từ 18 đến 60 tuổi, đã hoàn thành nghiên cứu. Khoảng 81% trong số đó là phụ nữ.

Nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp đánh giá được gọi là “lấy mẫu trải nghiệm” để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của cơn đói đến các kết quả cảm xúc trong cuộc sống.

Những tình nguyện viên sẽ thông báo từng cảm giác và mức độ đói của họ bằng cách trả lời các câu hỏi trên ứng dụng điện thoại được thiết kế riêng cho các cuộc khảo sát ngắn gọn. Nghiên cứu đã gửi câu hỏi 5 lần một ngày một cách ngẫu nhiên trong khoảng thời gian 3 tuần.

Tổng cộng nhóm đã thu thập hơn 9.000 điểm dữ liệu phân loại mức độ đói cùng với các trạng thái cảm xúc khác nhau bao gồm tức giận, cáu kỉnh, vui vẻ và kích thích

Sau khi phân tích, kết quả cho thấy cơn đói có liên quan đến 37% thay đổi về tính cáu kỉnh, 34% thay đổi về tức giận và 38% về các kích thích khác. Hơn phân nửa cảm giác tiêu cực xảy ra với các tình nguyện viên khi họ đói.

Dễ cáu gắt khi đói, vì sao? - Ảnh 2.

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên tắc cơ bản để sống vui khỏe là: Đừng để đói

Một số nhà khoa học lý giải cảm giác khó chịu buồn bực khi đói là vì sự gia tăng kích thích tố gây căng thẳng như adrenaline và cortisol. Số khác cho rằng lượng đường trong máu thấp làm tăng tính bốc đồng, tức giận và hung hăng.

Giáo sư Swami tin rằng nghiên cứu của mình nêu lên một vấn đề đáng chú ý: Trẻ em ôm bụng đói đến trường sẽ học tập không hiệu quả và dễ gặp các vấn đề về hành vi hơn. Vì vậy việc đảm bảo học sinh ăn uống đầy đủ phải được ưu tiên.

Tương tự với những người trưởng thành, khi đói, cảm xúc, tâm trạng và các kỹ năng xã hội lao dốc, vì vậy lời khuyên rất đơn giản: “Đừng để đói”.

HOÀNG THI
TTO