Vì sao Trung Quốc tăng cường điều động chiến đấu cơ bay quanh Đài Loan?
Vì sao Trung Quốc tăng cường điều động chiến đấu cơ bay quanh Đài Loan?
Trung Quốc đã tăng dần số lượng máy bay chiến đấu bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và xa hơn đến eo biển Ba Sĩ, một phần trong nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi hoạt động xung quanh hòn đảo này.
Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tiến hành 555 lần xuất kích trong 6 tháng đầu năm, trong đó 398 lần có sự tham gia của máy bay chiến đấu, nhiều hơn gấp đôi so với con số 187 cùng kỳ năm ngoái, South China Morning Post cho hay.
Các máy bay chiến đấu này bao gồm tiêm kích, oanh tạc cơ và trực thăng tấn công.
Thay đổi đáng chú ý
Chính quyền Bắc Kinh vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và chưa bao giờ từ bỏ “tái thống nhất” hòn đảo, không loại trừ khả năng dùng vũ lực. PLA đã cho máy bay đi vào ADIZ của hòn đảo gần như hàng ngày kể từ cuối năm 2020, gia tăng áp lực lên chính quyền ở Đài Bắc.
Máy bay ném bom H-6K and tiêm kích Su-30 của Trung Quốc bay trên eo biển Đài Loan PLA |
Theo giới quan sát, dù các chuyến bay như vậy thường được coi là một trong những chiến thuật của Bắc Kinh nhằm hăm dọa hòn đảo, việc tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu là điểm đáng chú ý.
“Trước đây, hoạt động huấn luyện trên không và các nhiệm vụ khác của PLA tại khu vực chủ yếu sử dụng các máy bay hỗ trợ bay chậm, bao gồm máy bay trinh sát và cảnh báo sớm”, Wang Kung-yi, giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, nói với SCMP.
Song trong những tháng gần đây, PLA đã tăng cường tập luyện với sự tham gia của các máy bay chiến đấu trong vùng trời gần Đài Loan và xa hơn về phía nam tới eo biển Ba Sĩ, một cửa ngõ quan trọng để đi tới phía tây Thái Bình Dương, ông Wang nói.
Vào ngày 23.1, 35 máy bay chiến đấu, bao gồm J-16 và một máy bay ném bom H-6, cùng với 4 máy bay hỗ trợ khác, đã đi vào khu vực tây nam ADIZ của Đài Loan, trong đó một số phi cơ bay gần quần đảo Pratas (Đông Sa) do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông.
Vào cuối tháng 5, 22 máy bay chiến đấu đã cùng với 8 máy bay hỗ trợ khác tiến vào ADIZ của Đài Loan tại cùng khu vực.
Các máy bay chiến đấu, cùng với các máy bay hỗ trợ khác, sẽ cho phép PLA thành lập một nhóm tấn công hiệu quả để tấn công kẻ địch và củng cố các hoạt động hải quân của họ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo chuyên gia Wang.
Xây dựng ưu thế trên không
Chieh Chung, nhà nghiên cứu tại Đài Bắc, cho rằng sự phát triển của các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho phép PLA điều động nhiều máy bay chiến đấu hơn tham gia huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ khác tại khu vực.
“Đó là vì PLA hiện có thể tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ trên không thông qua các máy bay chở dầu. Sự phát triển của các máy bay tiếp nhiên liệu trên không như Y-20 sẽ cho phép chiến đấu cơ của PLA cùng với các máy bay hỗ trợ khác mở rộng phạm vi hoạt động và triển khai sức mạnh tấn công tầm xa”, ông Chieh nói với SCMP.
Một máy bay Y-20 của Trung Quốc CHINA DAILY |
Vào ngày 21.6, lần đầu tiên trong năm nay, PLA đã cử một chiếc Y-20 đi theo 17 máy bay chiến đấu trong các nhiệm vụ gần quần đảo Đông Sa.
Chuyên gia Chieh nhận định sự phát triển của các máy bay chở dầu và các phương tiện tinh vi như hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu đã khiến PLA tự tin hơn về khả năng hoạt động ở các khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc đại lục.
Ông cho rằng mục đích chính của PLA là xây dựng ưu thế trên không, có thể mở rộng từ eo biển Đài Loan đến “Chuỗi đảo thứ nhất” – bao gồm quần đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, Okinawa, phần phía bắc của quần đảo Philippines, bán đảo Mã Lai và Đài Loan – và thậm chí xa hơn nữa.
“Y-20 có thể giúp PLA đạt được mục đích này vì việc tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp các máy bay chiến đấu của họ bay xa hơn Chuỗi đảo thứ nhất”, ông Chieh nói.
Song ông cũng lưu ý Bắc Kinh có thể mất 2-3 năm để thực sự sản xuất hàng loạt các máy bay chở dầu cần thiết để giúp mở rộng tầm hoạt động của chiến đấu cơ PLA.
Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Tân Đài Bắc, cho biết việc Trung Quốc tăng cường cho máy bay đi vào ADIZ Đài Loan có những tác động quân sự không nên bỏ qua.
“[Bất kể] các hoạt động này là yêu cầu ‘huấn luyện thực chiến’ tăng cường của PLA hay là phản ứng đối với các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh trong khu vực, rõ ràng là Bắc Kinh đang dần chuyển từ biểu dương lực lượng sang chuẩn bị cho xung đột – tấn công Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài”, ông Huang nói với SCMP.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, gần đây nói với BBC rằng PLA rõ ràng đang phát triển khả năng tấn công Đài Loan vào một thời điểm nào đó, nhưng cho biết bất kỳ quyết định nào về việc có làm như vậy hay không sẽ là lựa chọn mang tính chính trị.
LAM VŨ
TNO