23/12/2024

Mỹ – Trung cạnh tranh trên… Mặt trăng và cáo buộc lẫn nhau

Mỹ – Trung cạnh tranh trên… Mặt trăng và cáo buộc lẫn nhau

Mới đây, lãnh đạo Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã cảnh báo về một “cuộc chạy đua không gian” mới giữa Mỹ với Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh muốn tuyên bố chủ quyền với Mặt trăng.

 

 

Mỹ - Trung cạnh tranh trên… Mặt trăng và cáo buộc lẫn nhau - Ảnh 1.

Nguồn: CGTN, NASA – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: TUẤN ANH

Cuộc cạnh tranh giữa hai nước lớn trong công cuộc khám phá vũ trụ đã trở nên gay gắt hơn, sau khi giới ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Giám đốc NASA Bill Nelson và kêu gọi các nước khác ủng hộ kế hoạch thám hiểm Mặt trăng của Bắc Kinh.

 

Cáo buộc lẫn nhau

Đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc ông Bill Nelson “nói dối trắng trợn” và bôi nhọ Trung Quốc, sau khi ông Nelson bình luận trên báo Bild (Đức) về cuộc cạnh tranh trong không gian giữa hai nước.

Người đứng đầu NASA cho rằng Trung Quốc có ý định kiểm soát Mặt trăng và ngăn cản các nước khác khám phá nơi này. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ nước khác và đang tìm cách phá hủy vệ tinh do các nước khác phóng lên.

Ông Nelson nói chương trình không gian của Trung Quốc do quân đội nước này điều hành, còn NASA quản lý một chương trình không gian dân sự hòa bình và cởi mở với sự tham gia của quốc tế.

Những tuyên bố của ông Nelson cho thấy giới chức Mỹ ngày càng lo ngại về các bước tiến gần đây của Trung Quốc trong không gian. Năm ngoái, Trung Quốc công bố đang hợp tác với Nga xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng (ILRS). Công trình này sẽ giúp các phi hành gia Trung Quốc và Nga nghiên cứu, khám phá trên bề mặt Mặt trăng cũng như trong không gian.

Mỹ - Trung cạnh tranh trên… Mặt trăng và cáo buộc lẫn nhau - Ảnh 2.

Giám đốc NASA Bill Nelson – Ảnh: NASA

Theo Hãng tin Bloomberg, Bắc Kinh coi ILRS như một dự án thay thế cho “Hiệp định Artemis” – dự án do Washington hậu thuẫn được khởi động năm 2020 nhằm hỗ trợ NASA đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng trong thập niên này. “Hiệp định Artemis” là một tập hợp các nguyên tắc đặt ra để điều chỉnh hoạt động khám phá Mặt trăng một cách có trách nhiệm.

Đối với ILRS, Bắc Kinh và Matxcơva không bắt buộc các nước khác cam kết tham gia dự án của họ. Tuy nhiên, trong một động thái đáng chú ý, tại cuộc gặp đầu tuần này với các quan chức một số nước Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi họ tham gia ILRS.

Nhưng với “Hiệp định Artemis”, theo Bloomberg, Mỹ đang thành công hơn trong việc thuyết phục các quốc gia ký kết. Đến nay, các bên ký kết “Hiệp định Artemis” bao gồm Canada, Ý, Anh, Brazil, Mexico, Ukraine… Tháng trước, Pháp trở thành nước thứ 20 gia nhập Artemis. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ trích “Hiệp định Artemis” là nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một “NATO trong không gian”.

Tham vọng của Bắc Kinh

Ngoài ILRS, Trung Quốc cũng đang thực hiện nhiều sáng kiến khác như xây Trạm vũ trụ Thiên Cung và mở rộng năng lực hoạt động của các vệ tinh. Những dự án này đóng vai trò quan trọng trong cuộc tìm kiếm vị trí dẫn đầu trong không gian của Trung Quốc.

Với việc Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024, Trung Quốc sẽ sớm là quốc gia duy nhất có trạm vũ trụ. Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.

Nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược trong không gian gồm 3 giai đoạn. Chiến lược này bắt đầu vào năm 1992, khi Chương trình Không gian có người lái (CMSP) được triển khai nhằm phát triển và hoàn thiện khả năng bay vào không gian của Trung Quốc.

Giai đoạn đầu tiên bao gồm việc phóng một phi thuyền có người lái vào không gian và đưa phi hành gia trở lại Trái đất an toàn – kỳ tích đã đạt được năm 2003.

Giai đoạn 2 gồm các việc nhằm hướng tới một trạm vũ trụ lâu dài như hoạt động bên ngoài tàu vũ trụ, hoạt động kết nối với trạm vũ trụ, tàu thám hiểm đáp xuống sao Hỏa… Khi Trung Quốc hoàn thành Trạm vũ trụ Thiên Cung vào cuối năm nay, họ sẽ hoàn thành giai đoạn 3, đánh dấu thành tựu của CMSP sau 30 năm triển khai.

Giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi Trạm vũ trụ Thiên Cung đã hoàn tất, dường như Trung Quốc vẫn chưa có ý định dừng lại. Và mục tiêu tiếp theo của họ được nhận định chính là ILRS. Dự án xây dựng trạm nghiên cứu trên Mặt trăng này cũng có ba giai đoạn, gồm thăm dò (từ 2021 – 2025), xây dựng (2026 – 2035) và sử dụng (2036 trở đi).

Trạm vũ trụ Thiên Cung và ILRS sẽ là những lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc để thu hẹp khoảng cách nghiên cứu vũ trụ với Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn đặt mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2033.

 

Cần các quy định để tránh xung đột

Bình luận trên tạp chí National Interest ngày 5-7, nhà nghiên cứu Elle Lu đến từ ĐH Georgetown và chuyên gia Alex Stephenson tại Viện Hòa bình Mỹ cho rằng không gian chính là “ranh giới cuối cùng của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung”.

Họ đề nghị Washington và Bắc Kinh có thể soạn ra các quy định (đồng thuận và cùng có lợi) dành cho “ranh giới cuối cùng” này để khuyến khích những khám phá mang tính bước ngoặt thay vì xung đột.

BẢO ANH
TTO