23/01/2025

Ukraine mất Lugansk, cục diện ra sao?

Ukraine mất Lugansk, cục diện ra sao?

Việc kiểm soát khu vực Lugansk trở thành cột mốc quan trọng đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, vì nếu lấy thêm được Donetsk, coi như Nga đã kiểm soát toàn bộ vùng Donbass.

Ukraine mất Lugansk, cục diện ra sao? - Ảnh 1.

Tình hình vùng Donbass ở miền đông Ukraine Nguồn: BBC, Viện Nghiên cứu chiến tranh – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ngày 4-7, ông Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng Lugansk, cho biết Nga sẽ chuyển trọng tâm của cuộc chiến ở Ukraine sang cố gắng chiếm khu vực Donetsk.

Ukraine chủ ý rút quân

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân Nga và phe ly khai Ukraine đã kiểm soát được thành phố chiến lược Lysychansk, đồng nghĩa kiểm soát toàn bộ khu vực Lugansk. Quân đội Ukraine cũng đã rút khỏi Lysychansk vào cuối tuần qua, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.

Diễn biến này đánh dấu bước đột phá đối với lực lượng Nga sau hơn 4 tháng chiến sự. Nó cũng giúp Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng lần đầu tiên kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà phe ly khai này vạch ra kể từ lúc tuyên bố tách khỏi Ukraine năm 2014.

Ukraine mất Lugansk, cục diện ra sao? - Ảnh 2.

Dân địa phương đạp xe ngang qua một tòa nhà bị hư hại ở thành phố Lysychansk thuộc khu vực Lugansk, miền đông Ukraine hôm 4-7 – Ảnh: REUTERS

 

Là điểm nóng chính trong cuộc xung đột, Lysychansk đóng vai trò chốt giữ cuối cùng của Ukraine ở khu vực Lugansk. Việc kiểm soát được Lysychansk giúp lực lượng Nga tiến công vào Kramatorsk và Sloviansk thuộc khu vực Donetsk.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Anh cho rằng lực lượng Ukraine có thể đã cố tình rút khỏi Lysychansk để tránh bị bao vây.

Chính quân đội Ukraine cũng thừa nhận việc tiếp tục phòng thủ tại Lysychansk sẽ “dẫn đến những hậu quả chết chóc” khi đối mặt với sự vượt trội về quân số và trang thiết bị của Nga. Do đó để bảo toàn mạng sống cho các binh sĩ còn lại, họ buộc phải rút khỏi thành phố này.

Lực lượng Nga kiểm soát Lysychansk chưa đầy một tuần sau khi họ chiếm giữ thành phố “sinh đôi” của Lysychansk là Severodonetsk sau các cuộc giao tranh dữ dội. Hai thành phố này nằm cách nhau một con sông.

Việc mất đi khu vực Lugansk thật đau đớn vì đó là lãnh thổ của Ukraine. Đối với cá nhân tôi, điều này còn đặc biệt vì đây là quê hương nơi tôi chào đời và tôi cũng là người đứng đầu khu vực này.

Ông Serhiy Gaidai, tỉnh trưởng Lugansk

 

Nga làm gì tiếp theo?

Câu hỏi đặt ra là sau khi kiểm soát Lugansk, khi nào Nga sẽ có thể “giải phóng” toàn bộ vùng Donbass – nơi có nhiều mỏ khoáng sản và đất canh tác rộng lớn hay không?

Lugansk và Donetsk nằm sát nhau, tạo nên khu vực Donbass ở miền đông Ukraine, nơi bạo lực đã diễn ra từ lâu trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Lực lượng Ukraine và phe ly khai đã giao tranh tại vùng này từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Đài NPR cho rằng sau khi Lugansk rơi vào tay Nga, khu vực Donetsk có thể sẽ “sớm” bị Nga kiểm soát. Hai thành phố lớn cuối cùng do Ukraine kiểm soát ở Donetsk – Kramatorsk và Sloviansk – chỉ cách Lysychansk khoảng 80km.

Cùng với Mariupol, các thành phố lớn khác ở Donetsk đã bị lực lượng Nga hoặc các lực lượng thân Nga kiểm soát trong một thời gian.

Thành phố Kramatorsk và Sloviansk đều đã trải qua các cuộc pháo kích và tấn công tên lửa của Nga trong nhiều tháng. Theo Đài NPR, nếu hai thành phố này thất thủ thì toàn bộ khu vực Donbass sẽ bị Nga kiểm soát và đây là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau khi đã kiểm soát thành phố Lysychansk nói riêng và khu vực Lugansk nói chung, có thể Nga sẽ không chuyển toàn bộ quân tới các mặt trận khác mặc dù họ muốn chuyển trọng tâm tấn công sang khu vực Donetsk.

Điều này nhằm bảo vệ chiến thắng tại Lugansk. “Họ (lực lượng Nga) sẽ không chuyển 100% quân số đến mặt trận nào đó vì họ cần giữ vững phòng tuyến. Nếu họ rời khỏi vị trí của mình, phía Ukraine có thể thực hiện một cuộc phản công nào đó”, ông Gaidai dự đoán.

Lysychansk thất thủ sẽ cho phép Nga củng cố lực lượng tại Lugansk để tiến sang Donetsk, khiến toàn bộ vùng Donbass có nguy cơ rơi vào tay Nga. Ông Gaidai cho rằng quân Nga vẫn coi khu vực Donetsk là “mục tiêu số 1” tiếp theo. Ông dự đoán thành phố Sloviansk và thị trấn Bakhmut sẽ bị tấn công nặng nề.

Ông Rohit Kachroo, biên tập viên về an ninh toàn cầu của kênh ITV News, bình luận việc kiểm soát Lysychansk đã cho thấy Nga đang phát huy ưu thế về pháo binh ở miền đông Ukraine.

 

Ukraine sẽ “không từ bỏ”

Trận chiến kéo dài nhiều tuần qua ở Lysychansk thuộc Lugansk đã buộc Nga huy động lực lượng lớn và do đó cũng cho lực lượng Ukraine thời gian để xây dựng các công sự ở khu vực Donetsk – điều mà ông Gaidai cho rằng sẽ khiến quân Nga gặp khó khăn nhiều hơn.

Phát biểu đêm 3-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội nước này đã rút khỏi Lysychansk nhưng khẳng định Ukraine “sẽ không từ bỏ bất kỳ thứ gì”. “Chúng tôi sẽ quay trở lại đây nhờ vào các chiến thuật của mình và nguồn cung khí tài hiện đại ngày càng tăng lên”, ông Zelensky nói.

Nếu quả thật quân Ukraine sẽ quay lại Lysychansk và tiến hành một cuộc phản công trong lúc quân Nga tập trung lực lượng ở vùng Donetsk, điều đó sẽ khiến quân Nga mất sự tập trung. Nga sẽ buộc phải huy động lực lượng đủ mạnh tới Lugansk để không đánh mất chiến thắng quan trọng tại đây.

Trong lúc đó, Ukraine vẫn đang thúc giục các nước hỗ trợ vũ khí hiện đại cho Kiev để tiếp tục cuộc đối đầu. Quốc gia mới nhất cam kết hỗ trợ quân sự cho Kiev là Úc. Trong cuộc gặp với ông Zelensky ở Kiev cuối tuần trước, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết sẽ hỗ trợ quân sự thêm cho Ukraine, trong đó có xe bọc thép và máy bay không người lái.

 

Kế hoạch tái thiết Ukraine

Theo Hãng tin AFP, ngày 4-7 các nhà lãnh đạo từ hàng chục quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân đã tập trung tại thành phố Lugano của Thụy Sĩ để thảo luận về kế hoạch tái thiết Ukraine ngay cả khi chiến sự vẫn tiếp diễn.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng Ukraine cần một “Kế hoạch Marshall” tương tự thời kỳ hậu Thế chiến 2. Trong khi đó Tổng thống Zelensky nói rằng công việc tái thiết các khu vực đã được giải phóng hoặc bị tàn phá bởi chiến tranh là “thực sự khổng lồ”.

BẢO ANH
TTO