Giấc mơ ‘taxi bay’ của Singapore sắp thành hiện thực?
Giấc mơ ‘taxi bay’ của Singapore sắp thành hiện thực?
Seletar, một sân bay nhỏ của Singapore, đang có những kế hoạch lớn cho taxi bay với tham vọng đưa loại phương tiện này cất cánh thương mại sớm nhất vào năm 2024.
Mẫu “taxi bay” Volocopter 2X trong một triển lãm tại Seoul, Hàn Quốc, năm 2021 EPA-EPE |
Chỉ cách sân bay Changi 20 phút chạy xe về phía tây bắc là sân bay Seletar, phi trường thứ hai, ít được biết đến hơn của Singapore. Đó chủ yếu là nơi giới siêu giàu đáp máy bay riêng của họ. Đó cũng là nơi tương lai của ngành hàng không có thể cất cánh.
Khu vực này đang tự định vị mình là nơi dành cho taxi bay (flying taxi), loại phương tiện bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, theo Bloomberg. Singapore đã ký hai thỏa thuận với các công ty khởi nghiệp về di chuyển trên không tiên tiến Skyports và Volocopter để chuyển đổi sân bay cũ thành một cảng hàng không dành cho các phương tiện này (vertiport) .
Đây cũng không phải là một giấc mơ xa vời. Các kế hoạch để taxi bay đi vào hoạt động tại Seletar gần như ngay trước mắt – sớm nhất là vào năm 2024 – và sân bay này có thể đóng vai trò là hình mẫu toàn cầu về hoạt động di chuyển trong tương lai.
Thu hút sự quan tâm
Mối quan tâm gần đây về eVTOL (tức “phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện”) đã trở nên rất lớn. Loại phương tiện này đã thu hút sự chú ý tại Triển lãm Hàng không Singapore hồi tháng 2 năm nay khi doanh nhân người Malaysia Tony Fernandes, CEO của AirAsia, đặt thuê ít nhất 100 chiếc từ công ty Vertical Aerospace. Các hãng hàng không bao gồm American Airlines và Virgin Atlantic Airways cũng đã đặt thuê eVTOL.
“Singapore đang và sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về di chuyển, và taxi bay là một viên gạch khác trong bức tường đó”, Sunny Xi, chuyên gia tại công ty tư vấn vận tải và dịch vụ Oliver Wyman, cho biết.
Song taxi bay – cho đến gần đây vẫn là chuyện khoa học viễn tưởng – đang đứng trước một rào cản lớn và nghiêm trọng. Không có loại phương tiện nào như vậy đã được các cơ quan quản lý cho phép cất cánh chở theo hành khách. Các nhà chức trách có thể mất nhiều năm để phê duyệt công nghệ mới và chỉ gần đây taxi bay mới có bước nhảy vọt từ lý thuyết thành hiện thực. Các cơ quan quản lý đang kiểm tra mức độ an toàn của những phương tiện này trước khi bật đèn xanh cho hoạt động thương mại.
Phương tiện bay Supernal tại triển lãm ở Coventry, Anh, vào tháng 4.2022 BLOOMBERG |
Các công ty như Volocopter nói rằng đó chỉ là vấn đề thời gian và châu Á sẽ đóng vai trò lớn trong việc sử dụng eVTOL. “Châu Á có sự tập trung các siêu đô thị mà bạn không thấy ở bất kỳ khu vực nào khác”, Christian Bauer, giám đốc thương mại của Volocopter, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Volocopter dự đoán ngành taxi bay sẽ mang về thêm 3 tỉ USD cho Singapore và tạo ra khoảng 1.300 việc làm vào năm 2030. Công ty sẽ trưng bày mẫu taxi bay của mình tại đảo quốc vào cuối tháng 7 để tăng cường nhận thức của cộng đồng.
Theo ông Bauer, giá vé cho hành khách dự kiến bắt đầu bằng khoảng 40% chi phí làm ra một chiếc trực thăng và mức giá có thể giảm xuống khoảng bằng giá của một chiếc taxi cao cấp trong vòng 5 đến 6 năm. “Điều này khiến bất kỳ ai có đủ tiền mua taxi đều có thể đi Volocopter để thay thế”, ông nói, và cho hay dịch vụ của công ty sẽ “rất êm so với trực thăng. Bạn sẽ không nghe thấy gì cả”.
Lạc quan về tương lai
Bất chấp những kỳ vọng, mọi thứ ở Seletar vẫn chưa thay đổi rõ rệt. Sân bay gần đây vẫn là nơi cất hạ cánh của các máy bay huấn luyện tư nhân cỡ nhỏ, với một số máy bay lớn hơn đang được sửa chữa. Khách quen tại một quán rượu nhìn ra đường băng chủ yếu là người nước ngoài hoặc người dân địa phương có công việc tại các công ty bảo dưỡng máy bay gần đó. Bên trong nhà ga, các nhân viên đang hướng dẫn một số ít hành khách lên chuyến bay đến Subang Jaya ở Malaysia – một trong hai dịch vụ thương mại duy nhất tại sân bay.
Sân bay Seletar ở Singapore CHỤP MÀN HÌNH SCMP |
Song tập đoàn Jurong Town (JTC), công ty phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, nhấn mạnh tiềm năng của khu vực bao quanh Seletar. Khu vực này, được gọi là Công viên Hàng không Vũ trụ Seletar, là trung tâm của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Singapore với khoảng 60 công ty hoạt động trong các lĩnh vực từ sản xuất động cơ, sửa chữa cho đến nghiên cứu và đào tạo.
“Tương lai của việc di chuyển trên không ở đô thị là rất thú vị và mang đến những cơ hội lớn hơn cho Công viên Hàng không Vũ trụ Seletar”, Lim Ai Ting, giám đốc phụ trách hàng không và hàng hải của JTC, nói. Bà cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với các bên khác nhau để thiết lập quan hệ đối tác mới”.
Theo một nghiên cứu mà Rolls-Royce và công ty tư vấn Roland Berger công bố vào đầu năm nay, với khoảng 82.500 eVTOL chở khách dự kiến sẽ hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2050, khu vực này sẽ chiếm khoảng một nửa thị trường toàn cầu. Nghiên cứu nói rằng thiết bị bay này có thể được sử dụng làm phương tiện đưa đón ở sân bay, cho các chuyến bay du lịch hoặc đi lại liên tỉnh, bay xa tới 250 km trong một lần sạc điện.
“Với số lượng cao ốc dày đặc và hệ thống giao thông nội địa hiệu quả cao, tầm nhìn của Singapore là tập trung vào các chuyến bay du lịch trước và cuối cùng là kết nối khu vực”, Yun Yuan Tay, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Skyports, cho biết.
Nhìn rộng hơn, sự phát triển của eVTOL không chỉ giới hạn ở Singapore hay châu Á.
Cảng hàng không cất hạ cánh thẳng đứng (vertiport) Air-One ở Conventry, Anh BLOOMBERG |
Tháng trước, một công ty của Kenya Airways đã đồng ý mua tới 40 chiếc taxi bay bắt đầu từ năm 2026 từ EVE UAM, một thành viên của tập đoàn Eve có trụ sở tại Mỹ. Và vùng Coventry, nơi từng được gọi là “thành phố động cơ” của Anh, trở thành nơi đặt trung tâm đầy đủ chức năng đầu tiên cho taxi bay vào mùa xuân này. Địa điểm nằm trên một bãi đậu xe gần ngã ba đông đúc đối diện ga đường sắt chính của Coventry, được phát triển bởi Urban-Air Port, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London, cạnh tranh với Skyports.
“Một vài năm trước chúng tôi tiếp cận các thành phố”, ông Bauer của Volocopter nói. “Giờ đây, các thành phố đang tiếp cận Volocopter vì họ nhìn thấy nhu cầu, họ nhìn thấy sự thay đổi mang tính cách mạng này và họ muốn có mặt ở đó. Singapore có vị trí cao trong danh sách”, theo ông.
LAM VŨ
TNO