Sóng ngầm cuộc đua lãi suất ngân hàng
Sóng ngầm cuộc đua lãi suất ngân hàng
Với một nền kinh tế mà 70% nguồn vốn phụ thuộc vào tín dụng, việc các ngân hàng lao vào cuộc đua tăng lãi suất ồ ạt, thỏa thuận ngầm… sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Lãi suất huy động cao nhất lên tới 7,55%/năm
Cuối tuần qua, có gần 20 ngân hàng (NH) công bố tăng lãi suất tiền gửi, mức tăng trải dài cho tất cả kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 – 3 tháng, hầu hết các nhà băng đều đẩy lên mức gần kịch trần 4%/năm (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước – NHNN). Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất lên tới 6,8%/năm.
Tại những kỳ hạn gửi dài, lãi suất tăng 0,3%/năm trở lên. Lãi suất 9 – 12 tháng hiện cao nhất là 7,3%/năm. Với các kỳ hạn trên 12 tháng, các NH mạnh tay áp mức 7,55%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận vào đầu tháng 7.
Các ngân hàng bắt đầu cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi với mức trung bình trên 7%/năm NGỌC THẮNG |
Có 2 điểm rất đáng chú ý trong “cuộc đua” lãi suất lần này. Thứ nhất là sự vào cuộc của nhóm Big 4 (4 NH thương mại nhà nước). Cụ thể, Agribank đã tăng lãi suất kỳ hạn 12 – 24 tháng thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm. Trước đó, BIDV cũng đã tăng lãi suất huy động cá nhân từ ngày 1.6 với các kỳ hạn dài. Đáng chú ý, đây là lần cập nhật biểu lãi suất đầu tiên của NH này kể từ tháng 8.2021 và cũng là lần tăng đầu tiên sau giai đoạn giảm liên tục từ tháng 7.2019.
Điểm đáng chú ý thứ hai là sự tăng tốc rất nhanh của các NH cổ phần, đặc biệt là top cuối của hệ thống. Đơn cử như NH TMCP Sài Gòn (SCB), nhà băng này giữ ngôi quán quân cho gần như tất cả kỳ hạn (12 tháng là 7,3%/năm và trên 12 tháng là 7,55%/năm). Tiếp theo là NamABank là 7,2%/năm, CBBank là 7,15%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, một số NH khác cũng có mức lãi suất khá cao như BacABank, BaoVietBank, VietABank, VietCapital Bank…
“NHNN cũng điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả các công cụ, giải pháp điều hành khác để làm sao vẫn phải kiên định được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Còn đối với lãi suất, nếu như có điều kiện thì NHNN luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động để cố gắng giảm lãi suất và hỗ trợ DN, người dân”.
Nguyên nhân chính các NH tăng lãi suất là do lạm phát. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Trước áp lực này, thời gian qua NHNN đã phải hút bớt tiền về, khiến nhiều NH gặp áp lực thanh khoản. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng theo báo cáo đến thời điểm hiện tại tăng hơn 8%, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) phục hồi sau dịch tăng cao càng khiến nhà băng “khát vốn” hơn.
Tuy nhiên, với việc các nhà băng cổ phần quy mô nhỏ tăng lãi suất tiền gửi khá mạnh, cùng với một số NH nhà nước nhập cuộc, cho thấy thị trường lãi suất đang rất nóng. Đặc biệt, phản ánh tới Thanh Niên, một số khách hàng cho biết với các khoản tiền gửi lớn trên 10 tỉ đồng, NH sẵn sàng trả thêm lãi suất cao hơn mức niêm yết.
Áp lực lãi vay đè nặng doanh nghiệp
Với đặc thù hoạt động trung gian tài chính huy động để cho vay, các NH tăng lãi suất huy động sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo. Mức lãi suất cho vay bình quân hiện nay tại hơn 20 NH cổ phần đang niêm yết trên sàn dao động bình quân khoảng 8 – 10%/năm. Theo đà tăng lãi suất huy động từ 1 – 2%/năm tại nhiều kỳ hạn từ đầu năm đến nay, tương ứng lãi suất cho vay tăng theo.
Nếu lãi suất cho vay tăng 10 – 12%/năm hoặc cao hơn thì sẽ khó có DN nào đủ sức cạnh tranh, đặc biệt khi chi phí đầu vào tăng như vũ bão theo giá xăng dầu vừa qua. “Nếu lãi suất cho vay tăng mạnh không chỉ tạo gánh nặng cho DN mà chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm của Quốc hội, Chính phủ cũng trở nên vô nghĩa”, một chuyên gia chia sẻ lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho biết lãi suất cho vay đối với các DN hiện nay vẫn còn quá cao, đặc biệt là các DN nhỏ. Nếu lãi suất tăng tiếp thì sẽ rất khó khăn đối với họ. Về phía NHNN, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định trong khi các nước tăng mạnh lãi suất thì NHNN vẫn cố gắng giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng 6 tháng năm 2022 NHNN chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài. Lạm phát tăng kỷ lục, hơn 135 lượt tăng lãi suất từ NH trung ương các nước. Thế nên, giữ được lãi suất hay không thì mấu chốt vẫn nằm ở việc kiểm soát lạm phát. Nếu giữ được mục tiêu Quốc hội giao lạm phát không vượt quá 4% trong năm 2022 thì hoàn toàn có thể giữ ổn định được mặt bằng lãi suất. Song có một yếu tố đáng lo ngại, từ đầu năm đến nay CPI tăng khá nhanh do “nhập khẩu” lạm phát từ bên ngoài (hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao), đặc biệt bão giá xăng dầu. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu hiện nay là yếu tố tiên quyết, sẽ hạ nhiệt được giá tất cả hàng hóa khác, hạ nhiệt lạm phát và ghìm được lãi suất.
Trong quá khứ, chúng ta đã có bài học đắt giá từ hành vi vượt rào lãi suất, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất ồ ạt trên toàn hệ thống. Thị trường tiền tệ có thời điểm rơi vào mất thanh khoản, nguy cơ đổ vỡ, nền kinh tế hứng chịu lạm phát cao, DN cũng đua nhau giải thể, đóng cửa.
Nhìn lại có thể thấy, cuộc đua nào cũng bắt đầu từ những con ngựa “bất kham”. Những đợt tăng lãi suất nóng, nhanh trên thị trường luôn là tín hiệu rõ nhất. NH thị phần nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thanh khoản kém luôn có xu hướng nhô lên, tăng lãi suất trước và thậm chí có thể chấp nhận thỏa thuận, “đi đêm” trả lãi cao hơn. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát trên hệ thống, thanh kiểm tra, chấn chỉnh trực tiếp, kịp thời của NHNN sẽ sớm ngăn chặn được cơn sóng ngầm biến thành bão lớn.
ANH VŨ
TNO