Khi chất lượng của học sinh lệ thuộc vào ‘bí kíp’ của thầy cô
Khi chất lượng của học sinh lệ thuộc vào ‘bí kíp’ của thầy cô
Xung quanh câu chuyện điểm thi vào lớp 10 thấp, nhiều ý kiến giải thích do ‘bệnh thành tích’, chậm đổi mới phương pháp dạy học, dạy học trực tuyến… Tuy nhiên, thực tế cho thấy học sinh còn phụ thuộc quá nhiều vào bài giảng của thầy cô.
Đổi mới dạy học phần lớn ở… chủ trương
Mấy năm qua, Bộ GD-ĐT ban hành nhiều hướng dẫn để các Sở GD-ĐT, trường học làm căn cứ chỉ đạo, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Có thể dẫn ra, Hướng dẫn 791/HD-BGDĐT ngày 26.6.2013 về việc thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông; Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 8.10.2014 về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng; Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3.10.2017 về việc hướng dẫn chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018… Khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá được đặc biệt coi trọng.
Thế nhưng, bức tranh dạy học vẫn là dạy – ghi nhớ, bài mẫu, dạng – ghi nhớ. Thầy cô truyền thụ bao nhiêu thì trò cố mà gói ghém làm hành trang lúc kiểm tra, thi. Chất lượng của trò phụ thuộc (thậm chí là lệ thuộc) vào những bài giảng, chiêu thức, bí kíp, điểm nhấn của thầy cô, vô hình trung làm yếu tính chủ động, sáng tạo, phán đoán nhanh và kỹ năng làm bài của học sinh. Ở lớp, tại trường, thầy cô dạy – thầy cô kiểm tra – thầy cô chấm, mọi ngóc ngách trong đề kiểm tra, thi học kỳ thường được khai thông trước nên “cả nhà cùng vui”.
Đề thi đổi mới một chút, học sinh đã “ngẩn ngơ”
Tôi nhớ, khi luyện thi cho học sinh lớp 12, để tiết kiệm thời gian nên đề ôn thường tóm tắt theo ký hiệu đại lượng vật lý. Lúc thi, có năm đề lại gọi tên (mà không dùng ký hiệu), chỉ đổi chút xíu mà có em ngẩn ngơ!
Chương trình dài và nặng, học sinh học nhiều môn, hầu hết yêu cầu ghi nhớ để đáp ứng kiểm tra “tái hiện kiến thức cũ”. Xong học chính khóa là “hành khúc” ngày và đêm… học thêm nên thời gian dành cho các em tự học ít ỏi. Hệ lụy là khi câu hỏi đúng dạng, mẫu (đã học) thì học sinh làm nhanh nhưng nếu đề thi đổi cách hỏi, yêu cầu vận dụng kiến thức cao hơn, đôi khi chỉ trên mức nhận biết, có em “cắn bút”, cả với học sinh học lực khá, giỏi.
Bậc học phổ thông cần kiến thức căn bản làm nền tảng. Điều này giúp thầy trò thuận tiện dạy, học hướng đến dạy cách tự học. NHẬT THỊNH |
Đổi mới phương pháp giảng dạy là học sinh tự học
Trong trường phổ thông hiện nay việc tự học ít được thầy cô đặt nặng. Và dù muốn cũng không có điều kiện thực hiện căn bản, lâu dài để học sinh làm chủ quá trình tự học.
Bậc học phổ thông cần kiến thức căn bản làm nền tảng. Điều này giúp thầy trò thuận tiện dạy, học hướng đến dạy cách tự học. Các sở GD-ĐT có hướng dẫn để trường học đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Tuy nhiên việc thực hiện không đều giữa các nhà trường, trường hiểu thế nào thì làm thế ấy, còn theo kiểu hình thức, đối phó, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh.
Thiết kế chương trình nhà trường được gợi mở nhưng bối cảnh hiện nay rất ít các trường phổ thông công lập làm được. Lấy kiểm tra, thi tác động trở lại việc dạy và học cũng chỉ đạt kết quả chừng mực, trong một số trường hợp là mong muốn…duy ý chí nên gây hiệu ứng ngược.
Chỉ khi chương trình, phương pháp, kiểm tra và đánh giá nằm ở 3 đỉnh của một tam giác đều mà trọng tâm của tam giác này là học sinh tự học thì đổi mới dạy học và giáo dục mới đạt kết quả.
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TNO