Sửa quy định của luật để kinh tế đêm phát triển
Sửa quy định của luật để kinh tế đêm phát triển
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn (ảnh), Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội, cần sửa những quy định chưa tương thích với thực tế để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển.
* Theo Nghị định 38 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, các rạp chiếu phim hiện không được mở sau 24 giờ. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đêm. Ông nghĩ sao về điều đó?
– PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Kinh tế đêm là một lĩnh vực mới ở VN. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi chúng ta hướng đến việc xem du lịch là một lĩnh vực quan trọng để lan tỏa ra các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế – xã hội, từ đó thúc đẩy phát triển đất nước, thì ta thấy cần phải đặt kinh tế đêm ở vị trí cao hơn. Kinh tế đêm cũng cần được xem xét hết sức nghiêm túc, cẩn thận để có thể tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Khi xem xét kinh tế đêm như thế, chúng ta thấy kinh tế đêm của chúng ta gặp khá nhiều cản trở. Đặc biệt sự cản trở đó đến từ quy định của luật pháp chưa tương thích, chưa tạo điều kiện cho kinh tế đêm phát triển. Rõ ràng chúng ta cần phải sửa các quy định pháp luật để kinh tế đêm phát triển.
Quy định đóng cửa rạp chiếu trước 22 giờ hay 24 giờ, ở đây gián tiếp cản trở phát triển kinh tế – xã hội. Những quy định như thế cần thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên, thay đổi thế nào, áp dụng ở đâu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều đó không có nghĩa là phát triển kinh tế đêm thì sẽ mở hết, tháo hết vì chuyện này còn liên quan đến các yếu tố khác như lợi ích trẻ em, sức khỏe trẻ em…
Ví dụ, chúng ta phát triển kinh tế đêm ở khu du lịch thì khu du lịch có đặc điểm khác. Với khu du lịch, việc phát triển kinh tế đêm được mở rộng hơn, thông thoáng hơn so với các khu vực khác của đất nước. Nên điều quan trọng ở đây là phải coi trọng phát triển lĩnh vực kinh tế đêm này – một lĩnh vực tiềm năng nhưng chưa được chú ý đầy đủ. Thứ hai, để phát triển kinh tế đêm, cần sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp. Thứ ba, để làm được điều như thế cũng cần áp dụng linh hoạt theo hướng có đối tượng phù hợp, ở đâu, khi nào, với ai…
* Cũng sẽ có ý kiến cho rằng điện ảnh, sân khấu nếu có số lượng suất chiếu, suất diễn sau 24 giờ cũng ít người xem. Vì thế, không cần thay đổi. Thực ra, theo ông thay đổi theo hướng mở khung giờ có nên không?
– Ở đây, tôi cũng nghĩ nên có một khung linh hoạt để tạo điều kiện cho kinh tế đêm phát triển dựa trên nhu cầu của thị trường. Điều này rất quan trọng vì có thời điểm đúng là không có nhu cầu cho câu chuyện chiếu muộn. Chưa có thể vì phim chưa đủ hay, vì vở kịch không đủ hấp dẫn. Nhưng chúng ta cũng phải tưởng tượng rằng có lúc sẽ có những tác phẩm thực sự thu hút thì chúng ta phải có cơ chế pháp luật đủ thông thoáng cho kinh tế đêm phát triển.
Cũng phải nhấn mạnh bối cảnh chúng ta đề cao pháp quyền trong xây dựng nhà nước và nhà nước kiến tạo thì mọi việc xây dựng văn bản luật đều hướng đến chuyện không chỉ làm cho quản lý nhà nước tốt hơn mà còn phải tạo điều kiện cho lĩnh vực đó phát triển. Đó là mục đích kép trong xây dựng pháp luật.
Người ta nói một nền kinh tế đêm mang đến hàng trăm tỉ USD. Chúng ta có thể áp dụng cho thành phố đặc thù trước. Ở Đà Nẵng, rồi Phú Quốc thì làm thoải mái có gì đâu. Kinh tế đêm không chỉ liên quan đến sự kiện văn hóa nghệ thuật mà còn lan tỏa các lĩnh vực khác. Ví dụ, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng lưu niệm, vận tải… Ta phải đồng bộ hóa điều đó nữa. Nên nó phải thành hệ sinh thái hỗ trợ kinh tế đêm.
NGỮ YÊN
TNO