23/01/2025

Sinh viên xài thẻ tín dụng chống vay ‘cắt cổ’

Sinh viên xài thẻ tín dụng chống vay ‘cắt cổ’

Lãi suất “cắt cổ”, bị quấy rối khủng bố tinh thần, bị đe doạ tính mạng của bản thân và gia đình, thậm chí bỏ học dang dở… là mẫu số chung của không ít sinh viên khi tìm đến các app vay tiền để rồi vướng vào bẫy của tín dụng “đen”.

Sinh viên xài thẻ tín dụng chống vay cắt cổ - Ảnh 1.

Sinh viên tìm hiểu về thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán không tiền mặt – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thẻ tín dụng cho sinh viên được xem như là một trong những giải pháp xóa tín dụng “đen” nấp bóng công ty tài chính, hướng đến môi trường học tập ổn định.

 

Đỡ phải xin tiền để cha mẹ đỡ khổ

Hiện nay một số ngân hàng đã liên kết với nhiều trường đại học lớn trên cả nước để hỗ trợ sinh viên mở thẻ tín dụng, góp phần chia sẻ gánh nặng học phí, tiền trọ, khám chữa bệnh, chi tiêu cá nhân…

Đang là sinh viên năm tư tại một trường đại học lớn ở TP.HCM, bạn Lê Thanh Vy (quê Bến Tre) cho biết nhờ tiền tích góp từ việc làm thêm, cộng thêm thẻ tín dụng, đã giúp bạn nhanh chóng mua được chiếc laptop có giá hơn 16 triệu đồng.

“Trong lớp mình có ít bạn làm thẻ tín dụng, do ít tiếp xúc mấy thông tin này. Ban đầu cũng đắn đo, nhưng lúc đi dạy thêm mình được một chị phụ huynh chỉ cho nên đã làm. Có thẻ cà tiện lắm, để khi mua đồ ăn, nộp học phí tiếng Anh gấp… cũng cần dùng. Như cái laptop mua trả góp qua thẻ trong 12 tháng, mình ráng làm rồi trả lại sau, không xin tiền để cha mẹ đỡ khổ”, Vy chia sẻ.

Thường xuyên hỗ trợ sinh viên mở thẻ tín dụng Sacombank, anh Khánh Huy cho biết trong thời gian qua đã hỗ trợ được cho rất nhiều bạn sinh viên mở thẻ tín dụng.

“Gần đây nhất mình vừa hỗ trợ cho một bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bạn ấy phải bươn chải bán trái cây. Mình dành vài ngày tới xem công việc buôn bán ra sao, thấy bạn làm việc rất siêng năng nên mình hỗ trợ làm hồ sơ mở thẻ tín dụng cho bạn yên tâm học tập hơn. Lúc mở thẻ xong bạn mừng lắm, cảm ơn rối rít, còn giới thiệu sinh viên khác nữa. Nhiều khi truyền thông cỡ nào cũng không bằng truyền miệng”, anh Huy vui vẻ chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài các chương trình cấp học bổng cho sinh viên nghèo, hỗ trợ sinh viên vay vốn có lãi suất (khoảng 6 – 9,5%/năm)… thì nhiều trường như Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Trà Vinh… cũng có ký kết với các ngân hàng để triển khai chương trình trả góp học phí qua thẻ tín dụng của ngân hàng đối tác với lãi suất trả góp 0%.

Nhiều ngân hàng cũng triển khai thẻ tín dụng để sinh viên thuận tiện chi tiêu, mua sắm với thủ tục làm thẻ khá đơn giản. Tùy vào từng ngân hàng mà hạn mức thẻ khác nhau. Chẳng hạn, thẻ tín dụng HDBank BFF dành cho học sinh – sinh viên có hạn mức lên đến 10 triệu đồng. Hay thẻ tín dụng quốc tế MB Modern Youth của MBBank cũng hỗ trợ sinh viên thanh toán học phí, chi phí sinh hoạt, mua sắm dụng cụ học tập… với hạn mức giao dịch lên tới 15 triệu đồng.

Sinh viên xài thẻ tín dụng chống vay cắt cổ - Ảnh 2.

Sử dụng thẻ tín dụng hợp lý giúp sinh viên nhận được nhiều ưu đãi, đồng thời có thể trả góp học phí – Ảnh: BÔNG MAI

Chủ trương mang tính nhân văn

Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh, phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (LHU), cho rằng tín dụng “đen” là một trong những biến tướng của cho vay nặng lãi qua app.

“Chỉ cần CMND, CCCD không cần chứng minh tài chính cũng có thể vay liền. Tuy nhiên, người vay (sinh viên) sẽ gặp rủi ro như lãi suất vay tính theo ngày rất cao, vay 1 nhưng lãi phải trả là 2, 3. Các thông tin trong danh bạ sinh viên đều bị app lấy. Sinh viên vay không trả được kịp thời sẽ bị khủng bố, gây hoảng loạn về tinh thần. Trường đã chủ động thông tin về các app vay tiền của các tổ chức tín dụng “đen” này để sinh viên nắm, cảnh giác khi có ý định vay”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo thầy Quỳnh, để hạn chế sinh viên tiếp cận tín dụng “đen”, với những sinh viên khó khăn thì phòng công tác sinh viên xác nhận cho vay vốn tín dụng theo quy định đến 48 triệu đồng/năm để trang trải học phí, sinh hoạt. Nhà trường cũng dành quỹ học bổng lên đến 22 tỉ đồng/năm; phối hợp với ngân hàng hỗ trợ sinh viên vay tín dụng để đóng học với lãi suất ưu đãi; hay giới thiệu công việc bán thời gian cho sinh viên…

Thầy Quỳnh cho rằng các trường đại học nên chủ động làm việc với ngân hàng để có những chính sách ưu đãi dành cho sinh viên. Chẳng hạn, Ngân hàng Quân đội (MB) đã ký kết với LHU cho sinh viên vay tối đa 10 triệu đồng trong vòng 45 ngày với lãi suất 0 đồng. Ngoài ra còn cấp thêm hạn mức tín chấp trên app khi sinh viên mở tài khoản và giao dịch tài khoản sau 3 tháng đầu tiên. “Nhà trường cũng đang xây dựng hệ thống thanh toán học phí, tiền ký túc xá, các dịch vụ sinh viên qua tài khoản để mọi giao dịch đều thông qua tài khoản ngân hàng. Phụ huynh cũng có thể dễ dàng theo dõi biến động số dư tài khoản. Đây cũng là một cách tiêu dùng thông minh, xu thế của xã hội hiện đại, hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt”, thầy Quỳnh nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho rằng sinh viên “vướng” tín dụng “đen” là chuyện phức tạp và bản thân thầy đã chứng kiến phụ huynh phải bán ruộng, vườn để xử lý nợ cho sinh viên.

“Hơn 70% tân sinh viên ở tỉnh là những sinh viên dễ bị tác động nhất. Ví dụ cha mẹ gửi tiền trễ, các bạn có thể cầm bằng lái, CMND, CCCD… để vay 2 – 3 triệu đồng. Sau đó, phía tín dụng “đen” gọi tới trường, tới khoa khủng bố để trường tác động sinh viên trả nợ”, thầy Quốc Anh chia sẻ.

Tương tự, thầy Võ Văn Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang, cho rằng tín dụng “đen” là điều không chấp nhận được. Hiện nay ngân hàng có chính sách cho vay, nhà trường cũng có hỗ trợ sinh viên để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn này. “Có thẻ tín dụng là một giải pháp quá tốt để hỗ trợ sinh viên những lúc khó khăn. Nhà trường cũng đang làm việc với các ngân hàng để tạo điều kiện cho các em. Tôi ủng hộ chủ trương mang tính nhân vân này để không em nào vì vấn đề học phí hay tín dụng “đen” mà ảnh hưởng học tập hay nghỉ học”, thầy Tuấn chia sẻ.

 

Bình dân hóa thẻ tín dụng

Nếu trước đây thẻ tín dụng được xem như thẻ của người giàu thì hiện nay xu hướng đang ngược lại khi các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa cho các đối tượng là sinh viên, công nhân hay ở khu vục nông thôn với điều kiện dễ dàng.

Theo các ngân hàng, việc khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Phượng, phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), cho hay hiện nay điều kiện mở thẻ tại ngân hàng rất “mở” với những đối tượng đủ điều kiện cấp tín dụng. Khách hàng có thu nhập ổn định, trả lương qua tài khoản hay ở nông thôn, những người có hợp đồng trả tiền điện là đã đủ điều kiện cấp tín dụng cho thẻ tín dụng nội địa.

Mỗi thẻ tín dụng nội địa được Agribank cấp hạn mức 30 triệu đồng nhằm đáp ứng cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, nộp học phí cho con, trả tiền mua vật tư nông nghiệp như phân bón, cây con giống…

Theo lãnh đạo Agribank, đầu năm 2022, ngân hàng này chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt – là loại thẻ vừa dùng làm phương tiện thanh toán vừa có thể xài trước trả sau, thời gian ân hạn lên đến 55 ngày. Ngoài việc được miễn phí phát hành thẻ, khách hàng phải trả phí ứng/rút tiền mặt, lãi suất rất thấp.

Đối tượng thụ hưởng thẻ tín dụng Lộc Việt rất phong phú. Ngoài bà con nông dân còn có sinh viên các trường đại học, cao đẳng, khách hàng sử dụng điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam, khách hàng sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản tại Agribank.

“Agribank đang có tệp khách hàng với gần 27 triệu hộ gia đình, trong đó có 5 triệu hộ đang có quan hệ vay vốn và khoảng 2,5 triệu sinh viên toàn quốc. Đây được coi là nền tảng vững chắc và lợi thế riêng để Agribank đẩy mạnh phát hành thẻ Lộc Việt, nhằm đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế tín dụng “đen” tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu của ngân hàng trong năm 2022 là phát hành tối thiểu mỗi hộ gia đình một thẻ Lộc Việt cho số hộ đang có quan hệ tín dụng với Agribank và hàng triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước”, bà Phượng nhấn mạnh.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG

THẢO THƯƠNG – BÔNG MAI

TTO