23/01/2025

Phát triển vùng Nhà Bè không tách rời với quận 7

Phát triển vùng Nhà Bè không tách rời với quận 7

“Từ 30 năm trước, khi lãnh đạo huyện Nhà Bè xây dựng định hướng phát triển kinh tế và những công trình điểm nhấn luôn gắn liền Nhà Bè và quận 7. Quận 7 bây giờ cũng chính là Nhà Bè”.

 

 

Phát triển vùng Nhà Bè không tách rời với quận 7 - Ảnh 1.

Nhà Bè và quận 7 (TP.HCM) vốn là một không gian phát triển liền lạc – Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 30-6, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và huyện Nhà Bè tổ chức hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM”. Tại đây, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nhấn mạnh:

“Từ 30 năm trước, khi lãnh đạo huyện Nhà Bè xây dựng định hướng phát triển kinh tế và những công trình điểm nhấn luôn gắn liền Nhà Bè và quận 7. Quận 7 bây giờ cũng chính là Nhà Bè, không thể tách rời địa lý hay ranh giới hành chính giữa hai đơn vị cấp huyện này được”.

 

Vùng đất nằm trên 5 nhánh sông

Ông Phan Chánh Dưỡng chỉ ra rằng tương lai và sức mạnh của vùng đất Nhà Bè được quyết định bởi 5 nhánh sông là sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai, Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Khi xây dựng các định chế kinh tế đều xây dựng chung cho khu Nhà Bè.

Phát triển vùng Nhà Bè không tách rời với quận 7 - Ảnh 2.

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng tại hội thảo – Ảnh: THẢO LÊ

Nếu lấy khu nội thành làm trung tâm thì TP.HCM hiện đang phát triển theo hai hướng. Một là hướng đông của TP Thủ Đức hiện nay, hai là hướng xuôi dòng sông Sài Gòn ra biển theo hướng đông nam. Khu vực Nhà Bè chính là hướng phát triển đông nam.

Hiện khu vực Nhà Bè đã có các dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đô thị vệ tinh. Đó là các dự án Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Nam TP, Khu công nghiệp Hiệp Phước, dự án nạo vét sông Soài Rạp, dự án xây dựng trục đường Bắc – Nam, cảng nước sâu Hiệp Phước, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Đây là các dự án tạo nền tảng định hướng cho TP.HCM phát triển về hướng đông nam, tiến thẳng ra Biển Đông.

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng còn đề nghị phát triển đô thị vệ tinh Nhà Bè thành TP Nhà Bè trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 7 hiện nay.

“Đô thị vệ tinh Nhà Bè sẽ là một động cơ để vùng kinh tế ven sông Sài Gòn cất cánh bên cạnh động cơ TP Thủ Đức đã được hình thành”, ông Phan Chánh Dưỡng đề xuất.

 

Mua sắm ở quận 7, nghỉ dưỡng ở Nhà Bè

Ủng hộ đề xuất trên, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng việc phân chia địa giới hành chính làm cản trở sự phát triển của không gian kinh tế.

Phát triển vùng Nhà Bè không tách rời với quận 7 - Ảnh 3.

TS Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: THẢO LÊ

“Huyện Nhà Bè phải gắn liền với quận 7, nên chăng chúng ta thành lập thành phố phía nam tương tự như TP Thủ Đức, đặt tên là TP Nhà Bè trên cơ sở địa giới hành chính và không gian quận 7 và huyện Nhà Bè”, ông Châu nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng phân tích rằng không gian phát triển không thể giới hạn ở không gian hành chính mà phải dựa trên nhiều yếu tố như cụm ngành, đô thị đa chức năng… Nhà Bè và quận 7 là tương tác với nhau. Về không gian lịch sử thì Nhà Bè là sự tương tác giữa các cộng đồng từ xa xưa đến nay.

Nếu đặt lên quận hoặc thành phố thì phải đặt vấn đề không gian phát triển của Nhà Bè và quận 7, không nên chỉ là ở Nhà Bè.

Bên cạnh đó, không gian kinh tế số cũng là một thế mạnh của vùng Nhà Bè. Những “kỳ lân công nghệ” và các công ty công nghệ có thể đặt trụ sở ở quận 7 và các vùng lân cận như Nhà Bè, sử dụng các dịch vụ tại quận 7 và nghỉ dưỡng tại khu sinh thái ở Nhà Bè.

TS Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kết luận rằng Nhà Bè phải phát triển trên cơ sở liên kết vùng, không có lý do gì phải chia cắt địa giới hành chính. “Có thể tổ chức du lịch, mua sắm ở quận 7 nhưng nghỉ dưỡng, ăn uống thì tại Nhà Bè, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ với nhau”.

D.N.HÀ – THẢO LÊ
TTO