15/09/2024

Dự kiến nâng mức cho vay lên 1 tỉ đồng cho thương nhân ở vùng khó khăn

Dự kiến nâng mức cho vay lên 1 tỉ đồng cho thương nhân ở vùng khó khăn

Mức cho vay tăng gấp đôi so với quy định hiện nay, tức từ 500 triệu lên 1 tỉ đồng đối với thương nhân là tổ chức kinh tế tại vùng khó khăn. Đó là đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra lấy ý kiến trên cổng thông tin của bộ này hôm 29-6.

Dự kiến nâng mức cho vay lên 1 tỉ đồng cho thương nhân ở vùng khó khăn - Ảnh 1.

Nhờ vay tín dụng chính sách mà chị Nguyễn Thị Niêu (Thanh Bình, Đồng Tháp) mở cơ sở sản xuất thực phẩm chay, tạo việc làm cho 20 lao động – Ảnh: VBPS

Tại dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều quyết định 31 năm 2007 của Thủ tướng về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và quyết định 92 năm 2007 của Thủ tướng về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất mức vay tối đa là 1 tỉ đồng đối với thương nhân.

Cụ thể, thương nhân là tổ chức kinh tế được vay tối đa 1 tỉ đồng.

Trường hợp thương nhân là cá nhân kinh doanh, thực hiện chế độ kế toán và kê khai nộp các loại thuế thì mức vốn được vay tối đa là 200 triệu đồng/cá nhân. Mức vốn giảm còn 100 triệu đồng với thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán, nộp thuế khoán.

Đồng thời, tại dự thảo quyết định, Bộ Tài chính đề nghị hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay tối đa là 100 triệu đồng.

Trong một số trường hợp cụ thể, một hộ có thể vay trên 100 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của khách vay để quy định mức cho vay cụ thể nhưng không quá 200 triệu đồng.

Người vay đến 100 triệu đồng không phải thực hiện đảm bảo tiền vay. Còn mức vay trên 100 triệu đồng phải thực hiện đảm bảo tiền vay theo quy định.

Lãi suất cho vay bằng 0,75%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Thủ tướng quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay trong từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong tờ trình Chính phủ về dự thảo quyết định sửa đổi trên, Bộ Tài chính báo cáo dư nợ bình quân đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn chỉ khoảng 39 triệu đồng/hộ. Còn đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, dư nợ cho vay bình quân là 46 triệu đồng/khách hàng.

Những năm qua, có 3 triệu lượt hộ gia đình, thương nhân vùng khó khăn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân.

L.THANH
TTO