Lịch sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Đề xuất hai hướng thiết kế chương trình

Lịch sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Đề xuất hai hướng thiết kế chương trình

Một trong những nội dung của Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là nghiên cứu thiết kế môn lịch sử trong cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.

 

 

Nghị quyết yêu cầu thiết kế chương trình môn lịch sử một cách hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh…

Lịch sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Đề xuất hai hướng thiết kế chương trình - ảnh 1
Môn lịch sử bắt buộc hay tự chọn không quan trọng bằng việc thầy cô dạy như thế nào để học sinh thấm được cái hồn núi sông ngàn năm ông cha ta đã dựng xây và bảo vệ để có Việt Nam ngày nay, giáo dục truyền thống yêu nước, nhân cách… cho học sinh  NHẬT THỊNH

Vậy chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phải có sự điều chỉnh cần thiết và điều chỉnh như thế nào cho hợp lý để không làm ảnh hưởng đến chương trình tổng thể của môn lịch sử trong khi năm học mới 2022-2023 chỉ còn hai tháng nữa là bắt đầu?

 

Điều chỉnh về mặt kỹ thuật

Theo nhiều giáo viên, việc điều chỉnh chương trình môn lịch sử lớp 10 năm học 2022-2023 từ môn học tự chọn chuyển sang có phần lựa chọn và phần bắt buộc thật sự không phải là không thực hiện được. Đây cũng chỉ là sự điều chỉnh về mặt “kỹ thuật” là chính.

Đối với phần lựa chọn, cơ bản không có sự thay đổi theo như thiết kế chương trình ban đầu vì nội dung, cấu trúc, sách giáo khoa lịch sử đã được thống nhất thông qua. Riêng phần bắt buộc thì dựa trên cơ sở chương trình, chỉ cần xác định nội dung kiến thức lịch sử cơ bản nhất yêu cầu tất cả học sinh đều phải học. Hay nói cách khác chương trình lịch sử của lớp 10 chia ra làm hai phần: phần bắt buộc là tất cả học sinh đều phải học; phần lựa chọn dành cho học sinh chọn môn học này.

Lịch sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Đề xuất hai hướng thiết kế chương trình - ảnh 2
Học sinh học sử bằng những tiết học ngoại khóa như tham quan Bảo tàng lịch sử NGỌC THẮNG

Ví dụ: Phần bắt buộc tất cả học sinh phải học gồm: Lịch sử Việt Nam (Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam trước năm 1858); Cộng đồng các dân tộc Việt Nam và lịch sử Đông Nam Á (Văn minh Đông Nam Á). Phần lựa chọn thì ngoài phần lịch sử Việt Nam, lịch sử Đông Nam Á, học sinh còn phải học phần lịch sử thế giới thời kỳ cổ – trung đại và các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới.

Như vậy chương trình không xáo trộn hay phải xây dựng lại mà chỉ cần xác định nội dung nào là phần bắt buộc, nội dung nào tự chọn mà học sinh phải học để phù hợp với định hướng nghề nghiệp mai sau của các em. Việc điều chỉnh kỹ thuật này cũng không cần phải thiết kế biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử lớp 10 đang triển khai tập huấn để chuẩn bị cho năm học mới.

 

Điều chỉnh kế hoạch dạy học

Hướng thứ hai có thể thực hiện đó là vẫn giữ nguyên chương trình môn lịch sử lớp 10 như đã ban hành, chỉ cần điều chỉnh kế hoạch dạy học (phân phối chương trình).

Theo đó, cần quy định số tiết cụ thể cho phần học bắt buộc và lựa chọn. Vì có định lượng thời gian hợp lý thầy cô mới đào sâu, mở rộng kiến thức phù hợp với mục tiêu yêu cầu cần đạt đối với mỗi bài giảng lịch sử, đối tượng học sinh và mục đích học tập của học sinh.

Lịch sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Đề xuất hai hướng thiết kế chương trình - ảnh 3
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa lồng ghép dạy cho học sinh kiến thức về lịch sử dân tộc Đ.N.T

Môn lịch sử suy cho cùng bắt buộc hay tự chọn không quan trọng bằng việc thầy cô dạy như thế nào để học sinh thấm được cái hồn núi sông ngàn năm ông cha ta đã dựng xây và bảo vệ để có Việt Nam ngày nay, giáo dục truyền thống yêu nước, nhân cách… Điều này cũng đồng nghĩa thầy cô phải quyết tâm thay đổi cách dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử hiện nay theo hướng dạy học phát huy năng lực, phẩm chất học sinh một cách đồng bộ với việc đổi mới chương trình 2018. Điều này mới hy vọng môn lịch sử được học sinh yêu thích tự nhiên nhất mà không cần phải bắt buộc hay lựa chọn vì “lịch sử vẫn là lịch sử”.

Và nên chăng cũng ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cần xây dựng, bổ sung điều chỉnh chương trình môn lịch sử cho các năm thay sách tiếp theo với lớp 4, 5, 11 và 12 để tránh bị động, bất ngờ.

Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn

Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 20.6 để báo cáo kết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) cũng cho biết, Bộ GD-ĐT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nghị quyết của Quốc hội, cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, bố trí phần giáo dục lịch sử bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn. Ông Sơn cũng cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn để các nhà trường có thể thực hiện thuận tiện.

Chính vì vậy, những ý kiến góp ý của người dân trong thời gian này cũng sẽ phần nào giúp Bộ GD-ĐT có thêm thông tin hướng dẫn các trường thực hiện phù hợp.

Nguyễn Văn Lực

(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO