25/12/2024

Học đã khổ rồi, thi còn khổ hơn!

Học đã khổ rồi, thi còn khổ hơn!

Sáng 25-6, hơn 3.500 học sinh lớp 5 ở TP.HCM đã cùng tranh tài để giành suất học lớp 6 ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

 

 

Học đã khổ rồi, thi còn khổ hơn! - Ảnh 1.

Cảnh chen chúc trước cổng Trường THCS Colette, quận 3 trưa 25-6 – Ảnh: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Theo quy định, 7h sáng thí sinh có mặt tại điểm thi và 10h30 ra về. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh đã quyết định đứng ngoài điểm thi để chờ con chứ không về nhà.

Tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3), chị H. – phụ huynh nhà ở TP Thủ Đức – cho biết: “Từ nhà tôi đến đây hơn 15km, không chỉ xa xôi mà còn khói, bụi, kẹt xe… cực khổ lắm. Thôi ở lại chờ con thi xong rồi về luôn, tôi đã xin nghỉ phép hôm nay rồi”.

Và câu chuyện nhóm phụ huynh không ngoài nội dung luyện thi. Chị M. – phụ huynh ở quận 12 – kể: “Hơn một tháng nay, con tôi học ba ca/ngày với ba giáo viên của ba môn khác nhau như toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Sở GD-ĐT TP.HCM chuyển hướng, đưa thêm phần nghe – hiểu, đọc – hiểu môn tiếng Anh và phần tiếng Việt vào đề thi là đúng hướng nhưng công bố thông tin trễ quá làm tôi lo lắng, ép con đi học thêm sáng – chiều – tối”.

Các bà mẹ khác cũng thế: “Con tôi cũng y chang chứ có sướng hơn đâu”, “Cháu nhà tôi không chỉ học suốt ngày mà còn ngủ tại nhà thầy để ôn tập cho kịp”…

Rồi cả nhóm quay ra hỏi nhau sao lại phải khổ thế? Ừ thì muốn vào học trường công lập tốt nhất thành phố bắt buộc phải khổ luyện rồi. Đến khi nào Sở GD-ĐT ra đề thi làm cho những học sinh không luyện thi vẫn đậu được thì các thí sinh mới bớt khổ…

Lúc này trong trường thi một hồi chuông dài vang lên báo hiệu đã hết giờ làm bài. Các bà mẹ vội vàng đứng lên và ngóng. Cổng Trường Colette buổi trưa nắng chang chang nhưng các phụ huynh vẫn đứng vây kín, chịu trận để ngóng vào trong…

Và sự hỗn loạn xảy ra khi cổng trường thi mở ra. Phụ huynh chen nhau, cố nhoài người để nhìn vào xem con mình ở đâu. Các học sinh được cho ra lần lượt nhưng cũng không biết kiếm bố mẹ ở đâu trong biển người đông nghịt ấy. Thế rồi, một tiếng la thất thanh vang lên: “Ai đã giật điện thoại của tôi? Ai?”. Lại thêm tiếng la thất thanh của một bà mẹ khác: “Ơ, điện thoại của tôi mất rồi!”…

Đám đông giãn ra được tí xíu rồi lại trở về như cũ. Các ông bố bà mẹ lo lắng khi đứa con của mình mới 11 tuổi, ra khỏi trường thi mà đi lang thang tìm bố mẹ, lỡ bị bắt cóc thì khổ.

Anh An – một phụ huynh – đứng chen chúc mãi vẫn không tìm ra con mình bực mình gắt gỏng: “Trường thi làm việc không bài bản gì cả. Tại sao không gọi tên từng bé để phụ huynh đến cổng trường đón về, vừa an toàn vừa không lộn xộn, chen chúc nhau khổ sở thế này. Tôi đứng đây nãy giờ không tìm ra con mình, còn đằng kia kìa, mấy bé đi lang thang không tìm ra bố mẹ kìa, nguy hiểm chưa?”.

Một ông bố khác đứng kế bên vừa lau mồ hôi vừa phân tích: “Thôi ông ơi, đó là mấy kỳ thi do tư nhân người ta tổ chức, mỗi đợt thi thu lệ phí gần triệu bạc người ta mới làm được như thế. Đây là do Nhà nước tổ chức, không thu đồng nào thì lấy đâu ra người mà đọc loa, kêu phụ huynh tới đón như anh muốn?”.

Anh An càng tăng thêm phần bức xúc: “Ủa, vậy sao Nhà nước không thu tiền lệ phí thi để làm cho tốt đi, hôm nay mà con tôi đi lạc hay có vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm đây?”. Đúng là… học và thi thời nay.

NGUYỄN VĂN MƯỜI (TP.HCM)
TTO