26/12/2024

Xăng ‘mỏi mòn’ chờ giảm thuế

Xăng ‘mỏi mòn’ chờ giảm thuế

Cho rằng xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng, vừa là hàng thiết yếu, có tác động mạnh, trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng Bộ Tài chính vẫn đề nghị không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.

 

 

Xăng tăng 9.000 đồng/lít trong nửa năm qua

Bộ Tài chính mới đây đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, bộ này đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng dầu từ 550-1.100 đồng/lít (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) và nghị quyết nếu được ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8 tới, sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,16%. Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu dùng của người dân. Trong nước, hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng liên tục 7 lần, mỗi lít xăng RON 95 từ ngày 21.4 – 21.6 đã cao hơn 5.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trong 19 lần điều chỉnh giá xăng dầu thì 13 lần tăng, 6 lần giảm và giá xăng vừa lập đỉnh lịch sử vào ngày 21.6 vừa qua, lên 33.520 đồng/lít xăng RON 95-III và 34.150 đồng/lít xăng RON 95-V tại các tỉnh thành không có cảng biển và thuộc vùng xa. Trong đó, riêng xăng RON 95-III đến nay đã tăng gần 9.000 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11.1.2022. Nhìn cục diện này có thể thấy đề xuất giảm thuế BVMT với mặt hàng xăng thêm 1.000 đồng/lít của Bộ Tài chính chẳng thấm vào đâu so với tốc độ tăng giá của mặt hàng này.

Xăng 'mỏi mòn' chờ giảm thuế - ảnh 1

Nhiều kiến nghị cho rằng cần giảm gấp các loại thuế đánh vào giá xăng  ĐỘC LẬP

Thực tế, để đối phó với giá xăng dầu tăng phi mã, hiện nhiều quốc gia đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế nhập khẩu, thuế xăng dầu… Tổng thống Mỹ mới đây cũng đã đề xuất quốc hội nước này thông qua luật tạm ngừng thu thuế xăng dầu liên bang trong 3 tháng để kiềm chế lạm phát đang ở đỉnh 40 năm. Theo AP, ông Joe Biden nhấn mạnh việc tạm ngưng thu thuế xăng dầu là “tuy không giảm hết nỗi đau, nhưng đó sẽ là sự giúp đỡ lớn”. Ước tính, dự luật mới này sẽ khiến nước Mỹ giảm thu 10 tỉ USD trong vòng 3 tháng. Với VN, nếu giảm thuế BVMT theo dự thảo nghị quyết nói trên, Bộ Tài chính tính toán ngân sách thất thu hơn 20.000 tỉ đồng trong năm nay.

Tuy khẳng định xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm chưa nên giảm thuế TTĐB vào lúc này đối với xăng. Bên cạnh đó, Bộ hứa sẽ phối hợp theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.

 

Chính sách quá chậm

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bức xúc: “Giá xăng lập đỉnh liên tục, người dân và doanh nghiệp “chới với”, tài xế taxi giải nghệ vì không “gồng” nổi. Vật giá leo thang từng ngày mà lúc này Bộ Tài chính vẫn còn hứa nghiên cứu, theo dõi, rồi báo cáo, đề xuất, trình phương án… Sau gần 3 năm đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân giảm, giá cả leo thang… Gần đây nhất, nước “nhà giàu” Mỹ đã đề xuất Quốc hội cho giảm thuế với mặt hàng xăng dầu. Việc chúng ta giảm tiếp 1.000 đồng thuế BVMT với xăng chẳng bõ bèn gì, nhưng cũng phải chờ đến tháng 8 là quá chậm. Trong trường hợp cấp bách bất khả kháng, Quốc hội nên trao quyền cho Chính phủ để quyết định sớm việc giảm thuế phí xăng dầu càng sớm càng tốt”.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng với độ nóng của giá xăng dầu hiện nay mà giảm thuế BVMT theo đề xuất chỉ như muối bỏ bể. Có nhiều loại thuế trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, nếu chỉ giảm tiếp 50% thuế BVMT như hiện nay thì không có nhiều tác dụng. Đáng nói, nếu phải chờ hơn 1 tháng nữa mới giảm là quá chậm chạp trong khi thị trường nhiên liệu thế giới biến động liên tục. Quan trọng hơn, việc đánh thuế TTĐB vào mặt hàng xăng không nhận được sự ủng hộ của người dân vì xăng tuy không khuyến khích sử dụng, nhưng đó là mặt hàng thiết yếu, không thể bàn cãi được. “Có nhiều thời điểm chúng ta chấp nhận “đánh đổi” giảm thu ngân sách để bình ổn giá”, ông Long nói.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc cắt giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít xăng là hợp lý, có thể thực hiện ngay trong tháng 7 bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một sắc thuế lớn khác là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể “làm ngay” trong tháng 7, không chờ Quốc hội.

Ngoài ra, VCCI cũng đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. “Nếu lựa chọn cắt giảm thuế TTĐB hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay”, theo VCCI.

GUYÊN NGA

TNO