Phải giãn tăng học phí để kìm lạm phát
Phải giãn tăng học phí để kìm lạm phát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), đưa ra kiến nghị trên.
Theo bà Oanh, giá xăng dầu hiện nay ở mức cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới các ngành vận tải và chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới. Về tiêu dùng, khoảng 1,52% tiêu dùng của người dân là chi tiêu cho xăng dầu, đây là chi phí bắt buộc mà người dân phải chi trả hằng ngày.
Rà soát giảm thêm thuế
Vì vậy, ngoài thuế bảo vệ môi trường đang đề xuất giảm, các bộ nên rà soát lại các loại thuế, phí khác với xăng dầu. Chính sách thuế có những ràng buộc vì vậy cần rà soát xem có thể giảm thêm được loại thuế nào nữa, bà Oanh cho biết thêm.
Theo bà Oanh, để giảm áp lực lạm phát trong bối cảnh xăng dầu tăng cao, Tổng cục Thống kê đang kiến nghị Chính phủ nên giãn việc tăng học phí giữa các địa phương. Nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy chi phí dịch vụ giáo dục – đào tạo gồm học phí, chi mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, các loại thiết bị giáo dục… chiếm khoảng 6,17% tổng chi tiêu của người dân, nếu chỉ số giá nhóm giáo dục tăng giá từ 10 – 15% thì CPI của nền kinh tế tăng thêm 0,56 – 0,84%.
Vì vậy, để đạt được cả hai mục tiêu giữ CPI bình quân khoảng 4% và điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm nay là điều không hề đơn giản, bà Oanh nhấn mạnh.
Việt Nam có nhiều thế mạnh
Về việc có nên điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết không chỉ Việt Nam mà các nước cũng đang bị vượt tầm trong kiểm soát giá xăng dầu. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ là duy trì tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân nên cần có chính sách hỗ trợ người dân cho phù hợp.
“Chúng ta có lợi thế là vừa xuất dầu thô và cũng vừa nhập dầu. Giá dầu thô cao thì chúng ta xuất được cao nên có thể cân đối được. Đây là thế mạnh của chúng ta…”.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Việt Nam cũng có lợi thế vì là nước xuất khẩu lương thực. Vì thế, đến thời điểm hiện tại vẫn có thể kiểm soát lạm phát ở mức trên dưới 4%. Vấn đề cần xem xét là tác động của xăng dầu đến đời sống dân cư để đưa ra các hỗ trợ trực tiếp vào giá các mặt hàng khác cho người tiêu dùng để giảm áp lực giá cả. Còn kéo giảm giá xăng dầu là rất khó, ngay cả Mỹ họ cũng chưa làm được.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức hơn 2% một chút, không quá cao. Bởi vì xăng dầu chỉ chiếm khoảng 3,6% trong rổ hàng hóa tính CPI. Giá cả lương thực, thực phẩm, đồ uống vẫn chiếm tỉ trọng cao trong giỏ hàng hóa tính CPI hiện nay. Trong khi tại Mỹ thì xăng dầu chiếm 8 – 10% mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, còn các nước châu Âu tỉ trọng giá xăng dầu chiếm khoảng 7 – 8% mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.