Chiến sự Ukraine tái định hình kho vũ khí hạt nhân của thế giới

Chiến sự Ukraine tái định hình kho vũ khí hạt nhân của thế giới

Con số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở số 9, khi nhiều nước đang muốn sở hữu “vũ khí hủy diệt” do lo ngại an ninh.

Chiến sự Ukraine tái định hình kho vũ khí hạt nhân của thế giới - Ảnh 1.

Đám đông ở Hiroshima, Nhật Bản tuần hành phản đối cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 4-2022, với các biểu ngữ kêu gọi đừng có thêm các thảm họa hạt nhân như ở Hiroshima và Nagasaki – Ảnh: MAINICHI

9 quốc gia này là Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel, và Triều Tiên. Các nước này đang nắm giữ khoảng 13.000 vũ khí hạt nhân, theo Hãng tin AP.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, thực sự chỉ có 5 quốc gia bảo lưu quyền có vũ khí hạt nhân đã được quy định trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Đó là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Những nước này được phép sở hữu vũ khí hạt nhân bất kể vì lý do gì, theo dữ liệu của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), tính đến tháng 8-2021.

NPT được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3-1970. Đại đa số các quốc gia có chủ quyền – 187 nước – đều tham gia NPT.

Việt Nam tham gia NPT vào ngày 14-6-1981 và ký hiệp định thanh sát đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào năm 1990.

Mặc dù đã giảm đáng kể kho dự trữ kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, hiện Nga và Mỹ vẫn sở hữu khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân thế giới. Xếp sau họ là Trung Quốc và Pháp.

Theo Hãng tin AP, toàn cầu nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, vấn đề vũ khí hạt nhân đã trở nên nóng hơn sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ cuối tháng 2.

Trên khắp thế giới, quân đội Mỹ đang trấn an các đối tác chiến lược đang phải đối mặt với các đối thủ có vũ khí hạt nhân hỗ trợ. Tổng thống Biden và các tướng hàng đầu của ông cam kết Mỹ ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân từ Iran, Triều Tiên và những nước khác.

Các chuyên gia hạt nhân đề cập đến Hàn Quốc và Saudi Arabia là một trong những quốc gia có khả năng đang cân nhắc sản xuất vũ khí hạt nhân. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vào năm 2018 cam kết mua ngay bom hạt nhân nếu Iran thực hiện.

“Tôi không nghĩ cả Nhật Bản hay Hàn Quốc đều mong muốn trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân. Nó sẽ vô cùng đau đớn. Nhưng các lựa chọn thay thế là gì?” – cựu ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng hồi tháng 3 năm nay.

Sự sụp đổ của Liên Xô để lại cho Ukraine kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới.

Tuy nhiên, kho vũ khí hạt nhân đặt trên đất Ukraine, lại do Nga quản lý theo Bản ghi nhớ Budapest ngày 5-12-1994.

Mặt khác, thời hạn tồn tại về mặt kỹ thuật của các đầu đạn hạt nhân tại kho vũ khí này đã kết thúc vào năm 1997. Lúc đó, cố tổng thống Yeltsin bắn tin Nga sẽ không nhận về lãnh thổ của mình các đầu đạn hạt nhân hết hạn sử dụng và đầy nguy hiểm.

GIA MINH
TTO