26/12/2024

Tuyển sinh cần công bố lộ trình thay đổi, tránh gây xáo trộn

Tuyển sinh cần công bố lộ trình thay đổi, tránh gây xáo trộn

Những quy định về tuyển sinh đại học cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn, ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

 

 

Tuyển sinh cần công bố lộ trình thay đổi, tránh gây xáo trộn - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trường đầu tiên công bố bỏ xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) vừa công bố đề án tuyển sinh 2022, trong đó có một số thay đổi so với dự kiến trước đây. Theo đó, trường sẽ tuyển theo 4 phương thức, trong đó xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 trường dành 35% chỉ tiêu (trước đó trường dự kiến chỉ dành 10 – 15% chỉ tiêu cho phương thức này).

Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ và “hơi sốc” là trong đề án trên trường lưu ý từ năm 2023 dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác, chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo quy chế.

Như vậy, từ năm tới dự kiến trường này sẽ không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nữa và đây là trường đầu tiên công bố bỏ xét tuyển theo phương thức “truyền thống” này.

Về việc này, đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng đây là xu thế chung, bởi các trường đại học đang giảm dần chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT. Mấy năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường cần có những căn cứ khác trong tuyển sinh nhằm tuyển chọn người học phù hợp.

Thực tế, so với năm 2021, đề án của trường năm 2022 cũng giảm từ 50-70% các năm trước xuống còn 35% cho chỉ tiêu từ phương thức này. Như vậy, việc trường này công bố dự kiến không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm tới là không quá bất ngờ!

 

Cần công bố sớm lộ trình

Nhìn lại lịch sử tuyển sinh có thể thấy, năm 2015 lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi này thay thế cho kỳ thi đại học “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả). Từ lúc đó, các trường đại học đã bắt đầu mở rộng tuyển sinh với nhiều phương thức.

Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, nên đề thi có phần nhẹ nhàng hơn, tính phân loại không cao. Vì thế các trường đại học, đặc biệt là nhóm trường tốp trên đã áp dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển và bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh.

Với việc tuyển sinh đa dạng phương thức, chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây ở các trường đều đã giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, từ khi kỳ thi THPT quốc gia 2020 được chuyển đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ hội để các trường đại học đẩy mạnh tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, theo luật. Do đó, việc tuyển sinh không phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí không còn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ là xu hướng và dần trở nên phổ biến ở nhiều trường trong những năm tới.

Tuy nhiên, trên thực tế học sinh thường đã chọn học môn gì, khối gì ngay từ khi vào lớp 10 để chuẩn bị ôn thi đại học, nên bất kỳ sự thay đổi đột ngột trong tuyển sinh từ Bộ GD-ĐT hay các trường cũng khiến học sinh sẽ phải chuyển hướng, khá vất vả.

Do đó, điều quan trọng là Bộ GD-ĐT cần giữ ổn định quy chế tuyển sinh qua các năm và phải công bố sớm lộ trình nếu điều chỉnh để các trường và thí sinh chủ động. Các trường cần công bố trong thực hiện tự chủ tuyển sinh, khi đưa ra những phương thức, việc điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu từng phương thức cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn, ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

TRẦN HUỲNH
TTO