04/01/2025

Việt Nam cải thiện vị trí nhờ FDI

Việt Nam cải thiện vị trí nhờ FDI

Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ hiệu quả tích cực phát huy từ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

 

 

Việt Nam cải thiện vị trí nhờ FDI - Ảnh 1.

Một nhà máy may mặc xuất khẩu tại tỉnh Hưng Yên, Việt Nam – Ảnh: Reuters

Theo nhận định của giáo sư địa lý kinh tế Riccardo Crescenzi (Trường Kinh tế và khoa học chính trị London, Anh), hiện nay các nước còn nhiều cơ hội để tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

 

Các nước nâng bậc nhờ FDI

Nhận định này được giáo sư Crescenzi đưa ra trong buổi họp báo ngày 14-6 xoay quanh báo cáo mới nhất do nhóm nghiên cứu liên kết với Quỹ Hinrich (Hinrich Foundation) thực hiện.

Ông Crescenzi cho rằng giữa thách thức hiện nay, các quốc gia châu Á có thể phân tích mối liên kết giữa hội nhập kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững, từ đó áp dụng các chính sách khuyến khích việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) để phát triển bền vững.

GVC là dây chuyền sản xuất kinh doanh quốc tế, trong đó có sự tham gia của nhiều nước vào những công đoạn khác nhau từ chế tạo, sản xuất cho đến phân phối và tiếp thị. Nhờ mô hình này, các nước có thể tham gia đóng góp vào hàng hóa và dịch vụ theo từng khâu, giảm bớt gánh nặng đầu tư.

Theo báo cáo của Hinrich Foundation, các nước có thu nhập thấp và trung bình chủ yếu tập trung vào khâu lắp ráp trong chuỗi giá trị. Đây là khâu thường yêu cầu kỹ năng thấp hơn và mang lại ít giá trị gia tăng hơn. Tuy nhiên, một số quốc gia thuộc nhóm này đang nỗ lực nâng mức đóng góp của mình lên những bậc cao hơn của GVC – những mảng có giá trị gia tăng cao hơn.

Tiến sĩ Đông Nam Á học Akhmad Bayhaqi cho biết 68% dòng FDI của thế giới đổ về các nền kinh tế APEC trong năm 2020, tăng so với chưa đầy 50% vào năm 2010. Ông Bayhaqi hiện là chuyên viên phân tích cấp cao tại đơn vị hỗ trợ chính sách của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Theo ông Bayhaqi, khu vực Đông Á và Đông Nam Á (chiếm một nửa trong các nền kinh tế APEC) đóng vai trò trọng yếu trong GVC. Khu vực này thu hút 18,4% dòng FDI toàn cầu và đã đóng vai trò “công xưởng của thế giới” trong hơn 20 năm qua.

“Các nền kinh tế chiếm vị trí trung tâm trong mạng lưới FDI thường cũng là các trung tâm trong mạng lưới thương mại toàn cầu” – ông Bayhaqi nói, lưu ý thêm việc tham gia GVC “có vẻ đang giúp nhiều quốc gia mới nổi thu hút vốn đầu tư”.

Sáng tạo hơn để cạnh tranh

Việt Nam được đánh giá có độ mở ngày càng tăng và điều này góp phần giúp tỉ lệ FDI theo GDP tăng lên. “So với các nước trong khu vực, quốc gia này đã thay đổi từ một trong những nước hạn chế FDI nhất thành một trong những quốc gia cởi mở nhất”, báo cáo của Hinrich Foundation đánh giá.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cho rằng việc sửa đổi Luật chính sách đầu tư, cụ thể việc hạn chế khả năng ban hành các quy định về đầu tư của chính quyền trung ương và địa phương, là một trong những thay đổi quan trọng để khuyến khích FDI. Sự thay đổi này đã loại bỏ sự thiếu chắc chắn, chồng chéo và mâu thuẫn trong quy định của pháp luật đối với đầu tư.

Hinrich Foundation đánh giá mô hình kinh tế của Việt Nam được dẫn dắt bởi FDI nhưng tập trung vào các công việc lắp ráp giai đoạn cuối và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trả lời Tuổi Trẻ tại họp báo, ông Crescenzi cho rằng điều quan trọng là chính quyền và doanh nghiệp cần hiểu hoạt động nhập khẩu của mình, từ hàng hóa đến nguồn đầu tư “để xây dựng năng lực sản xuất nội địa và tạo ra giá trị trong nước”.

“Việc cân nhắc đến GVC trong quá trình thiết kế những chính sách như cơ sở hạ tầng hay nhân lực không nên chỉ hướng vào trong nước, mà còn cần cân nhắc đến vị thế và hướng phát triển của quốc gia trong GVC cũng như tầm nhìn dành cho thị trường nội địa”, ông Crescenzi nói.

Ông Oliver Harman – nhà kinh tế học đô thị của Đại học Oxford (Anh) – lưu ý thêm: “Tôi luôn muốn chứng minh rằng các nước có thể tận dụng FDI để tối ưu hóa tiềm năng của mình ở cấp khu vực. Điều này không chỉ liên quan đến việc đặt ra khung pháp lý, mà còn nằm ở khâu phối hợp cùng các công ty đa quốc gia, hiểu về hoạt động của họ ở khu vực của mình”, ông Harman nói.

Trong khi đó, chuyên viên Bayhaqi của APEC cho biết: “Nếu không có sự sáng tạo, (Việt Nam) sẽ không cải thiện được năng suất và sẽ khó cạnh tranh vì tất cả các quốc gia trong khâu thấp hơn của chuỗi giá trị đang cạnh tranh với nhau. Công thức để chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu là sự sáng tạo”.

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vào tháng 6-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận mảng tiêu dùng trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với mức tăng 10,4%, trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 22,6%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn gia tăng toàn cầu, WB cho biết FDI của Việt Nam cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp. Cụ thể, FDI đăng ký trong tháng 5-2022 đạt 879 triệu USD – mức thấp nhất kể từ tháng 9-2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

NGUYÊN HẠNH
TTO