24/11/2024

Khi công nhân xài app ‘vèo vèo’

Khi công nhân xài app ‘vèo vèo’

Phần lớn công nhân tại nhà máy thuộc các khu công nghiệp được chi trả thu nhập qua tài khoản ngân hàng, trong đó nhiều người dùng thành thạo các app ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các chi tiêu hằng ngày.

Khi công nhân xài app vèo vèo - Ảnh 1.

Chị Mai Thị Huỳnh Trân, công nhân trong Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức (TP.HCM), dùng MoMo thanh toán tiền mua cà phê chiều 11-6 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với công nhân hiện nay, thanh toán không tiền mặt ngày càng trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống vì tính tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.

 

Vừa tiện lợi, vừa an toàn

Nữ nhân viên văn phòng Nguyễn Thanh Loan (28 tuổi, quê Quảng Trị), đang làm việc cho một doanh nghiệp công nghệ Việt tại Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết chị đã “quên” luôn việc cầm tiền mặt mỗi khi đi siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Từng có thời gian sinh sống tại Nhật Bản, chị Loan cho biết đã quen với thanh toán online khi đi du học nên khi trở về Việt Nam cũng rất “ưng bụng” khi có nhiều ứng dụng thanh toán online.

Nhiều năm qua, chị đều thanh toán các dịch vụ từ mua vé máy bay, vé tàu xe đi chơi hoặc mua sắm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi qua các dịch vụ như cổng thanh toán NAPAS, ví MoMo, Zalo Pay và app của Sacombank.

Theo chị Loan, các dịch vụ thanh toán này quá thuận tiện lại thường xuyên có khuyến mãi nên chị tận dụng tối đa việc thanh toán online để vừa đỡ phải rút tiền lại có thể quản lý chi tiêu của mình một cách khoa học.

“Một tháng tiêu bao nhiêu, mua cái gì, tiết kiệm được bao nhiêu là mình tính được ngay, đỡ phải rườm rà cộng trừ khi dùng tiền mặt. Giờ trong túi của mình đôi khi cao nhất chỉ có vài trăm ngàn đồng thôi, chủ yếu là để giữ xe hay trả những khoản lặt vặt vỉa hè”, chị Loan cho biết.

Trong khi đó, anh Dương Văn Lến (29 tuổi) – công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM – cho biết anh quyết định cài app MoMo sau một lần chờ gần 1 tiếng ở ngân hàng để chuyển tiền mua hàng mà không được.

“Tôi cũng buôn bán thêm ở ngoài nên hay phải chuyển tiền hàng. Dùng app chuyển tiền, nạp card điện thoại rất tiện lợi. Chuyển tiền về quê cho người thân cũng rất nhanh. Hồi xưa ra ngân hàng chuyển tiền, có khi phải chờ vài ngày người ở nhà mới nhận được tiền, giờ thì vài phút là nhận được rồi”, anh chia sẻ.

Chị Trần Thị Hạnh – công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 – cho biết những gia đình công nhân trẻ như chị đã bắt đầu quen với việc trả tiền hàng quán bằng các mã QR.

Thỉnh thoảng chị cũng rủ nhiều bạn bè cùng xưởng đặt đồ ăn trên các app như Shopee, Grab Food, Baemin… hay “săn” các món đang có giảm giá để ăn cùng với nhau.

“Lâu lâu thấy app đang có voucher khuyến mãi cũng đi ra quán. Voucher giảm 15 – 20% hóa đơn thanh toán gì đó. Chỉ cần quét mã QR là trả được rồi, không phải tốn chi phí gì”, chị Hạnh cho biết.

Khi công nhân xài app vèo vèo - Ảnh 2.

Khách hàng sử dụng app HDBank để mua hàng, thanh toán hóa đơn điện nước… – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dùng ứng dụng báo hiếu ông bà, cha mẹ ở quê

Những ngày cuối tuần, nữ công nhân Nguyễn Thị Diễm Châu (33 tuổi, quê Kiên Giang) đi mua sắm nhưng trong túi chỉ có ít tiền lẻ.

Sau khi chọn được các món đồ từ shop thời trang hay siêu thị, chị Châu đến quầy tính tiền và đưa chiếc smartphone ra quét QR. Chỉ trong tích tắc, chị Châu đã xách giỏ hàng rời siêu thị mà tiền bạc cũng đã thanh toán xong xuôi nhờ những chiếc ví điện tử.

“Tôi bây giờ toàn xài app (ứng dụng) để trả tiền trong các shop và siêu thị, tiền lẻ chỉ để trả tiền giữ xe thôi, qua rồi cái thời mỗi lần đi mua sắm thứ gì cũng phải ra cây ATM xếp hàng rút tiền mặt”, chị Châu cho biết.

Trong chiếc smartphone của mình, chị Châu cài ví điện tử của MoMo và Zalo Pay để luân phiên sử dụng, cứ app nào khuyến mãi sâu là chị Châu lại chọn dùng ví đó. Theo chị Châu, nhiều năm nay các dịch vụ hằng ngày như mua thẻ cào điện thoại, mua hàng online… chị đều trả tiền qua ví.

Đặc biệt, tiền điện cho gia đình bà nội ở Kiên Giang cũng được nữ công nhân này thanh toán online qua ví điện tử hằng tháng, giúp bà nội ở quê nhà bớt đi gánh nặng cũng như không cần phải đi đóng tiền điện.

“Giờ tiện lợi lắm, bấm bấm vài cái trên app là đã trả tiền đủ thứ dịch vụ, chỉ lo không có đủ tiền để trả, để mua sắm thả ga thôi”, chị Châu dí dỏm.

Chị Nguyễn Thị Út Lẹ (26 tuổi, quê Trà Vinh) – công nhân Công ty Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức) – cho biết 2 năm nay chị đã dùng ví điện tử MoMo để thanh toán rất nhiều loại hóa đơn và trả tiền điện nước.

“Tôi ở trọ, chủ trọ sát bên nên tiền nhà, tiền điện nước vẫn trả tiền mặt. Nhưng tôi dùng ví Momo trên app Grab Food, Shopee… để đặt thức ăn mang về, mua quần áo online, nạp card điện thoại tiện lợi lắm.

Mấy năm nay ở dưới quê tiền điện nước phải ra bưu điện đóng, không còn thu tận nhà, ba mẹ tôi đã 70 tuổi vẫn phải mò mẫm đi đóng hằng tháng. Giờ dùng ví, tôi chỉ cần nhập mã khách hàng là trả tiền thay cha mẹ được rồi”, chị kể.

Theo chị Lẹ, thanh toán qua app tiện lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần nhập mã khách hàng của hóa đơn điện, nước một lần rồi lưu lại là tháng sau cứ tới kề ngày đóng tiền là app gửi thông báo nhắc nên không sợ thanh toán trễ hạn.

Con nhỏ của chị đang gửi ở dưới quê với ông bà nội, hằng tháng chị gửi tiền về để ông bà chăm cháu. Trước đây, muốn chuyển tiền cho cha mẹ, anh chị em là tốn vài tiếng đồng hồ, “có khi mất cả ngày” nếu đến vào giờ ngân hàng đang đông người.

“Tôi cũng làm tài khoản ngân hàng cho ông bà. Giờ thì chuyển rẹt rẹt. Tết không còn phải rút tiền lận trong người mang về quê nữa. Chỉ cần chuyển tiền để người ở quê rút thôi”, chị nói.

Khi công nhân xài app vèo vèo - Ảnh 3.

Thanh toán không tiền mặt bằng thẻ tín dụng Vietcombank cho các dịch vụ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khuyến khích tiêu dùng không tiền mặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Châu, trưởng phòng hành chính – nhân sự Công ty TNHH VEXOS Việt Nam, cho biết toàn bộ người lao động của doanh nghiệp này đã nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, phần lớn công nhân đều sử dụng dịch vụ Internet banking của các ngân hàng và các ví điện tử để chi tiêu.

Theo bà Châu, mọi người cứ nghĩ công nhân sẽ ít tiếp cận các dịch vụ thanh toán online, nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với công nhân, bản thân bà Châu rất bất ngờ bởi những công nhân trẻ ai cũng xài đến vài ví điện tử và thanh toán online “vèo vèo” rất chuyên nghiệp.

“App nào tiện lợi, app nào khuyến mãi sâu, hôm nào đang có chiết khấu mạnh là công nhân đều biết hết, nhiều lúc có khuyến mãi nạp thẻ, khuyến mãi chiết khấu khi mua sắm online là công nhân đều kháo nhau vào thanh toán, mua hàng online giao về công ty ào ào sau mỗi đợt khuyến mãi”, bà Châu kể.

Theo ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may – thêu đan TP.HCM, là một trong những ngành nghề có số lượng công nhân đông đảo, từ nhiều năm qua các công nhân của ngành dệt may đã nhận tiền qua tài khoản và sau này là qua các dịch vụ Internet banking.

Hiện nay, công nhân trẻ đang rất linh hoạt khi sử dụng các dịch vụ thanh toán online, từ các app của các ngân hàng, các ví điện tử và các app mua sắm trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử…

Nhiều công nhân trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, Internet tự động qua các ngân hàng rất thuận tiện, thậm chí mua vé máy bay cũng tự trả tiền qua app. Điều này giúp công nhân mua sắm thuận tiện hơn, an toàn hơn và giảm các rủi ro khi dùng tiền mặt.

Đặc biệt, nhiều công nhân đã sử dụng các dịch vụ gửi tiết kiệm online qua các ngân hàng, linh hoạt và đơn giản hơn thay vì phải đi gửi trực tiếp, nhận về sổ tiết kiệm giấy.

“Do đó, khi báo Tuổi Trẻ mang chương trình Ngày không tiền mặt về với công nhân, chúng tôi thấy đây là một chương trình hay, tạo thêm một không gian mua sắm mới cho công nhân.

Đồng thời, giúp cho công nhân có thêm nhiều trải nghiệm với các dịch vụ thanh toán tiện lợi và cũng có nhiều ưu đãi cho công nhân khi thanh toán online”, ông Việt nói.

* Ông Phạm Văn Hiền (phó chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM):

Khuyến khích công nhân tham gia Chợ phiên không tiền mặt

Công đoàn khu đã gửi thông tin rộng rãi đến các công đoàn công ty để người lao động biết thông tin và tham dự Chợ phiên không tiền mặt vào ngày 12-6 do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Nhân sự kiện này, công nhân và người lao động trong khu có thể tìm hiểu thêm về sự tiện lợi cũng như mức độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến chính thống và sử dụng nhiều hơn.

Qua đó cũng sẽ có cơ hội để mua hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng với giá cả hợp lý từ các đơn vị có liên kết với các app thanh toán trực tuyến, từ đó tránh được nguy cơ sử dụng các dịch vụ không chính thống, nguy cơ bị lừa đảo.

VŨ THỦY

* Ông Trần Việt Anh (chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức):

Một chương trình ý nghĩa cho công nhân

Hơn 10 năm nay, các doanh nghiệp đã chuyển đổi từ hình thức trả tiền mặt qua thanh toán qua thẻ ATM của các ngân hàng, các đối tác tín dụng của doanh nghiệp. Sau đó, công nhân sẽ ra rút tiền ở các cây ATM.

Tuy nhiên, rút tiền ở cây ATM có nhiều bất tiện như phải xếp hàng chen chúc, nhất là các dịp lễ Tết, xảy ra tình trạng móc túi, trộm cướp… Thậm chí có những trường hợp rút xong được tiền thì đi ra đã mất xe máy. Chưa kể trường hợp rút tiền mặt về nhiều không an toàn, để trong phòng trọ đôi khi bị kẻ gian để ý, trộm cắp.

Do đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán qua các dịch vụ Internet banking, người lao động cũng dần chuyển sang và sử dụng dịch vụ này.

Hiện nay, người lao động chỉ rút một lượng tiền mặt vừa đủ để mua sắm, đi chợ truyền thống, còn với nhiều khoản mua sắm giá trị cao họ đã chuyển sang thanh toán online, thậm chí những chi tiêu thường ngày như mua áo quần, mua trà sữa, mua hàng trên mạng… cũng đều đã trả tiền qua app, qua ví điện tử.

Tôi đánh giá cao khi báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua đã tổ chức chương trình Ngày không tiền mặt và năm nay đem Chợ phiên không tiền mặt cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Với số lượng công nhân lên đến hàng trăm ngàn người, đặc biệt chiếm đa số là người trẻ, thì việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt sẽ giúp công nhân tiếp cận sâu hơn các hình thức thanh toán hiện đại, giảm rủi ro, chi tiêu một cách tiết kiệm, bản thân các doanh nghiệp cũng được lợi và rất ủng hộ chương trình.

NGỌC HIỂN – VŨ THUỶ
TTO