Thi tốt nghiệp THPT: Những đề xuất để chấm thi chính xác môn văn
Thi tốt nghiệp THPT: Những đề xuất để chấm thi chính xác môn văn
Dù có những cải tiến, đổi mới trong công tác tổ chức và kỹ thuật ra đề thi tốt nghiệp THPT nhưng yếu tố con người trong chấm thi (đặc biệt là tự luận môn văn) do các sở GD-ĐT chủ trì vẫn là yếu tố đáng quan ngại.
Sỡ dĩ có sự lo ngại trong việc chấm thi tự luận môn văn vì trong những năm qua đã xảy ra những trường hợp sau:
Có giám khảo cho rằng việc đãi ngộ người chấm thi không xứng đáng “tiền chấm thi thấp” mà công việc giám khảo lại “nặng nề”, phải chấp hành những quy định ràng buộc trong và ngoài phòng chấm thi; nặng trách nhiệm, đặc biệt khi phải ráp điểm (thống nhất điểm số giữa 2 giám khảo) dễ dẫn đến những tranh cãi… nên họ chấm một hai xấp bài thi lấy lệ trong từng buổi chấm thi.
Có giám khảo này chấm thật chặt (chấm khó, cho ít điểm), giám khảo nọ chấm lỏng (chấm dễ, cho nhiều điểm) hoặc cả hai giám khảo cùng chấm quá chặt nên việc thống nhất điểm số gặp nhiều khó khăn, có trường hợp gây thiệt thòi cho thí sinh.
Lại có trường hợp giám khảo 1 chấm bài thật nhanh, thật ẩu. Đến khi thống nhất điểm số thì chọn điểm của giám khảo 2. Do đó, điểm bài thi của thí sinh chỉ là điểm chủ quan của một người chấm chứ không phải là điểm khách quan từ sự đánh giá của 2 người.
Cũng có trường hợp: cả hai giám khảo (1 và 2) cùng là những người chấm ẩu, chấm thật nhanh. Điểm số “thống nhất” không chính xác, không phản ánh đúng thực tế làm bài của thí sinh trong hoàn cảnh thanh tra không thể chấm kiểm tra toàn bộ các xấp bài thi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng tiếc hằng năm: trong các đợt chấm phúc khảo, đều có hiện tượng phải điều chỉnh điểm thi môn gây mất niềm tin ở học sinh và phụ huynh.
Từ những trường hợp tiêu cực, thực trạng đáng ngại kể trên, xin đề xuất những kiến nghị sau:
Thứ nhất, chỉ đề cử những giảng viên, giáo viên có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm làm công tác giám khảo.
Thứ hai, trong buổi họp đầu tiên của hội đồng chấm thi tự luận môn văn để thống nhất đáp án, biểu điểm, cách chấm thi, chấm thử, chấm chung một số bài thi, giáo viên nào không có mặt, không tham dự thì hôm sau, chủ tịch hội đồng chấm thi không nên cho những giáo viên này được làm nhiệm vụ giám khảo. Đó là cách hạn chế những sai sót trong quá trình chấm thi, hạn chế hiện tượng chấm quá chặt hoặc quá lỏng…
Thứ ba, tổ trưởng tổ chấm thi tự luận không nên vì nể nang, vì chạy theo tiến độ chấm thi cho kịp với thời gian quy định mà phân phát cho giám khảo chấm quá nhanh nhiều xấp bài thi. Nên báo cho lực lượng thanh tra lưu ý chấm lại các xấp bài thi của giám khảo chấm quá nhanh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Thứ tư, nhà nước nên tăng số tiền bồi dưỡng chấm thi để góp phần vào việc làm giảm bớt những hiện tượng tiêu cực kể trên.
NGUYỂN TẤN THƯ
TNO