27/12/2024

Mỹ đối phó áp lực từ Nga – Trung – Triều

Mỹ đối phó áp lực từ Nga – Trung – Triều

Ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Joe Biden, tuần này nhiều quan chức cấp cao của Mỹ thực hiện một chuỗi chuyến thăm sôi động để đánh dấu bước kết nối quan trọng từ các trung tâm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Bắc Á sang Đông Nam Á.

 

 

Mỹ đối phó áp lực từ Nga - Trung - Triều - Ảnh 1.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ – Hàn – Nhật bắt tay sau cuộc họp báo chung vào ngày 8-6 – Ảnh: AFP

Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thăm Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và Lào. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Todd Robinson thăm Thái Lan, Lào và Việt Nam. Cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet đến Thái Lan, Singapore và Brunei. Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cuối tuần này sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore và sau đó thăm Thái Lan.

 

“Tam giác áp lực”

Tuy nhiên, các bước triển khai tuần tự và đồng bộ của phía Mỹ dường như đang gặp nhiều áp lực. Thế khó cho Mỹ lúc này nằm ở sự xác định mối đe dọa không chỉ từ Triều Tiên và trục Nga – Trung ngày càng có nhiều động thái phối hợp hành động hiệu quả, mà còn phải kể đến những tính toán khó lường từ cả hai đồng minh hiệp ước của Mỹ là Nhật – Hàn.

Mặc dù không thể hiện rõ các chỉ dấu phối hợp đồng bộ để định hình một tam giác chiến lược nhưng thực tế cả ba nước Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đều đang triển khai nhiều động thái gây áp lực lên các chỉ dấu tập hợp lực lượng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á.

Chỉ dấu thể hiện sự định hình “tam giác áp lực” này là khoảng cách về thời gian giữa các sự kiện gây sức ép mà trục Nga – Trung thực hiện so với sự kiện mà Triều Tiên thực hiện lên các khu vực thuộc phạm vi cảnh báo an ninh cho Nhật – Hàn ngày càng được thu hẹp.

Sự kiện Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa vào cuối tháng 5 gần như ngay sau thời điểm trục Nga – Trung thực hiện cuộc tuần tra chung trên không phận quốc tế của vùng biển Nhật Bản và Hoa Đông. Đây cũng là các chỉ dấu cho thấy thái độ cùng phản đối của cả ba nước này trước các động thái tập hợp lực lượng sau hội nghị thượng đỉnh khối “Bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc nói chung và chuyến thăm Đông Bắc Á của Tổng thống Biden nói riêng.

Không chỉ vậy, vụ phóng 8 tên lửa tầm ngắn (SRBM) mới đây của Triều Tiên lại được thực hiện ngay sau cuộc tập trận ngắn giữa Mỹ – Hàn không chỉ mang đến thông điệp răn đe truyền thống mà còn dễ liên hệ đến sự phối hợp công nghệ giữa trục Nga – Triều.

Kết hợp với các áp lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm phản đối sự leo thang căng thẳng của cả Triều Tiên và khối Mỹ – Nhật – Hàn, cùng với việc đồng phủ quyết các động thái trừng phạt Triều Tiên (gần đây nhất là ngày 27-5), chúng ta dễ dàng nhận thấy sự gắn kết không chính thức giữa Nga – Trung – Triều ở Đông Bắc Á.

 

Những toan tính riêng của Nhật – Hàn

Mặc dù sự định hình của “tam giác áp lực” Nga – Trung – Triều có tác động theo xu hướng tích cực giúp cho tam giác Mỹ – Nhật – Hàn tăng cường gắn kết, tuy nhiên trên thực tế trục Nhật – Hàn và các tính toán đơn lẻ của hai đồng minh này đã khiến cho phía Mỹ càng gặp nhiều khó khăn trong việc củng cố lại tập hợp lực lượng ở khu vực.

Cụ thể, dù đã rất nỗ lực nhưng Tổng thống Biden đã không thành công trong việc hòa giải các bất đồng song phương của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời không kiến tạo được hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn trong chuyến thăm cuối tháng 5 vừa qua.

Không chỉ vậy, các kết nối quân sự giữa ba bên lúc này vẫn chỉ được duy trì bằng những cuộc tập trận song phương đơn lẻ từng cạnh với tính toán riêng về lợi ích của mỗi đồng minh có phần vượt trên kiến trúc mà Mỹ mong muốn.

Trong đó, phía Nhật Bản dường như có xu hướng muốn kéo Mỹ tăng cường tập trận không quân và hải quân ở khu vực phía bắc (quần đảo Hokkaido) giáp với Nga – một phạm vi mà phía Nhật đang muốn tăng cường ảnh hưởng quân sự, trong khi Mỹ luôn hạn chế tối thiểu hiện diện nhằm tránh các động thái leo thang căng thẳng với Nga.

Còn phía Hàn Quốc trong các cuộc phóng tên lửa đối trọng cùng với Mỹ đã lựa chọn sử dụng tên lửa Hyunmoo II, sản phẩm nội địa của phía Hàn, bên cạnh hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) của Mỹ vốn đã cũ kỹ. Điều này cho thấy Seoul khẳng định tự chủ công nghệ cũng như tham vọng xuất khẩu vũ khí trong tương lai.

Tựu trung lại, mặc dù chính quyền ông Biden đang rất nỗ lực để tập hợp lực lượng ở cả hai vành đai Đông Bắc Á và Đông Nam Á, nhưng trong bối cảnh các xu hướng tiếp cận về an ninh phi truyền thống với trục Nhật – Hàn (qua việc công bố sáng kiến kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương IPEF) và khối ASEAN chưa có nhiều kết quả, thì ảnh hưởng của “vành đai quân sự” mà Mỹ đang xây dựng ở Đông Bắc Á đang gặp nhiều thử thách lớn.

Đây có thể là thời điểm quan trọng để các nước nhỏ như khối ASEAN sớm tận dụng và khai thác được lợi thế trung lập nhằm tăng cường đối thoại giữa các cực đang đối trọng với nhau ở Đông Á, tạo một nền tảng nghị sự quan trọng trong Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sắp tới.

 

Mỹ, Nhật, Hàn kêu gọi Triều Tiên đàm phán

Trong tuyên bố chung công bố ngày 8-6, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun Dong, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mori Takeo cho biết các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên là hành động khiêu khích “nghiêm trọng, trái pháp luật”.

Đồng thời, quan chức ba nước này thúc giục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán và chấp nhận các đề nghị hỗ trợ COVID-19 trong bối cảnh nước này đang đối phó với đợt bùng dịch đầu tiên.

Thạc sĩ LỤC MINH TUẤN (nhóm nghiên cứu quốc tế Trường ĐH HUFLIT)
TTO