25/12/2024

Sửa quy định tiêm vắc xin; môn lịch sử có thể vừa bắt buộc, vừa lựa chọn

Sửa quy định tiêm vắc xin; môn lịch sử có thể vừa bắt buộc, vừa lựa chọn

Về môn học lịch sử, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý.

 

 

Sửa quy định tiêm vắc xin; môn lịch sử có thể vừa bắt buộc, vừa lựa chọn - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu lắng nghe ý kiến nhân dân về môn học lịch sử – Ảnh: VGP

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo: đối với môn lịch sử, cần tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn. Thủ tướng gợi ý có thể quy định theo hướng lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa – lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc xin cho trẻ em.

Ông yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc xin cho phù hợp, thực tiễn đã cho thấy vắc xin là yếu tố quyết định để phòng, chống dịch COVID-19, mở cửa trở lại; căn cứ tình hình thực tế để sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí dành cho nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Thủ tướng lưu ý tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên, do đó, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vắc xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh, ai làm sai phải xử lý, ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng.

Gắn với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vấn đề liên quan tới vật liệu xây dựng, đất rừng, đất lúa…

Thủ tướng yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng cho rằng chương trình phục hồi và phát triển là chương trình lớn, chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi vướng mắc, nhưng phải nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Thủ tướng yêu cầu tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng; tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

N.AN
TTO