25/12/2024

Đề xuất nhân thêm hệ số K vì lương tối thiểu giờ quá thấp

Đề xuất nhân thêm hệ số K vì lương tối thiểu giờ quá thấp

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức lương tối thiểu giờ theo dự thảo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội quá thấp. Cơ quan này đề xuất nhân thêm hệ số K để tránh thiệt thòi cho người lao động làm việc theo giờ.

 

Đề xuất nhân thêm hệ số K vì lương tối thiểu giờ quá thấp - Ảnh 1.

Dự kiến mức lương tối thiểu giờ chia theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ – Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết theo như dự thảo mức lương tối thiểu giờ cho người lao động làm việc theo hợp đồng là quá thấp.

Dự kiến mức lương tối thiểu giờ chia theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Trong thực tế, tiền lương theo giờ rất cao.

Khảo sát tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết mức lương mỗi giờ các công ty trả cho nhân viên bán hàng, nhập liệu, thủ công mỹ nghệ, đưa đón khách hàng bằng xe máy là 20.000 – 30.000 đồng (làm việc 4 – 6 tiếng/ngày) nhưng không có thêm phụ cấp.

Giáo viên tổ chức hoạt động kỹ năng, dạy kỹ năng nhận lương 350.000 đồng/giờ. Nhân viên giúp việc theo giờ lương từ 50.000 – 70.000 đồng/giờ nhưng được thưởng thêm tiền chuyên cần.

Do đó, Công đoàn Việt Nam kiến nghị nhân thêm hệ số K ở mức 1,3 – 1,5 vào mức lương tối thiểu giờ theo đề xuất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, chẳng hạn 22.500 x 1,5 = 33.750 đồng/giờ. “Tính toán dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là mức lương bình quân trên thị trường. Nếu đề xuất hệ số K quá cao thì cũng phi thực tế”, ông Hiểu chia sẻ.

Theo ông Hiểu, việc nhân thêm hệ số K còn đảm bảo quyền lợi giữa người làm việc hưởng lương theo giờ so với người hưởng lương theo tháng vì người làm theo giờ không được hưởng một số hỗ trợ như bữa ăn ca, thưởng Tết và nhiều chế độ khác. Thêm nữa, thông lệ quốc tế chỉ ra lương theo giờ bao giờ cũng cao hơn lương theo tháng.

Theo lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, mức tiền lương tối thiểu giờ quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định.

“Đây cũng là cách xác định mức lương tối thiểu giờ phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam áp dụng”, vị này cho hay.

Theo vị lãnh đạo này, công thức tính lương tối thiểu giờ được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất nhằm tránh xáo trộn trong việc trả lương cho người lao động khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng ban chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay lương tối thiểu giờ thường được tính theo 2 cách.

Cách thứ nhất là lấy tiền lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc bình quân tiêu chuẩn (8 tiếng/ngày và 26 ngày/tháng). Cách này có ưu điểm là đảm bảo sự ổn định, không tạo sự thay đổi lớn cho những người lao động làm việc theo giờ và theo tháng, cách tính đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp trong chi trả tiền lương…

Cách thứ hai là nhân thêm hệ số K so với mức tiền lương tối thiểu giờ mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang đề xuất. Việc tính thêm hệ số này nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động làm theo giờ vì đa phần họ làm việc bấp bênh, đối mặt rủi ro mất việc làm, thu nhập không cố định…

Ông Quảng nói thêm dự kiến có khoảng 10 triệu người thuộc đối tượng áp dụng lương tối thiểu giờ bao gồm người chăm sóc trẻ, phục vụ tại quán cà phê… “Nếu áp dụng mức lương tối thiểu giờ cao quá thì người lao động làm trọn tháng có thể bỏ việc chuyển sang làm việc không trọn này”, ông Quảng cảnh báo.

HÀ QUÂN
TTO