25/12/2024

Cơ hội mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cơ hội mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đông Nam bộ và Tây Nam bộ là vùng động lực kinh tế của cả nước. Song, những đòn giáng quá mạnh từ Covid-19 cùng với cơ chế, chính sách tụt hậu đang khiến động lực giảm dần. 

 

 

 

Trao đổi với Báo Thanh Niên, GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam kỳ vọng những chủ trương cùng quyết sách kịp thời của Đảng và Nhà nước sẽ tạo ra cơ hội mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam sớm phục hồi và bứt phá sau đại dịch.

 Cơ hội mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ảnh 1
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam  NVCC

* Ông đánh giá tốc độ phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam thời gian qua như thế nào?

– GS Nguyễn Quang Thái: Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam được Chính phủ quyết định thành lập năm 1997, gồm 4 tỉnh, thành phố, đến nay đã mở rộng không gian lên 8 tỉnh, thành phố, chiếm 28.300 km2, dân số 21,8 triệu người. Đây là vùng có kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng của đất nước, dẫn đầu trong 4 vùng KTTĐ cả nước.

Trong những năm 1990 – 2000, vùng KTTĐ phía nam đã phát huy mạnh mẽ các lợi thế so sánh về kinh tế thị trường, tận dụng các cơ chế thông thoáng của đổi mới, dù sự “chi viện” của ngân sách Trung ương về kết cấu hạ tầng còn rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đang bị chậm lại, một phần do sự nối kết trong và ngoài vùng chưa tốt, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hơn nữa, từ năm 2020 và nhất là 2021, vùng KTTĐ phía nam bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nên các yếu kém càng bộc lộ rõ hơn.

* Đâu là những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của vùng KTTĐ phía nam hiện nay?

– Đối với vùng KTTĐ phía nam xét trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia hiện nay có 2 rào cản lớn. Đó là nguồn lực bổ sung giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch cần lớn hơn và thể chế cần thông thoáng hơn.

Trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch 2022 – 2025, cả nước không thể dàn hàng ngang mà phải tập trung nguồn lực cho các địa bàn có điều kiện phát triển vượt lên. Vì vậy, việc sử dụng thêm vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng và phát triển, Quốc hội cần nâng cao tỷ lệ điều tiết để lại cho địa phương, nhất là cho TP.HCM. Đồng thời, cũng có những cơ chế thông thoáng như thành lập quy chế quản lý đô thị, liên kết vùng, thành lập các khu kinh tế… tăng quyền tự chủ cho vùng.

* Nhắc đến hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng giao thông ở phía Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng cũng như vị trí vai trò của khu vực này, quan điểm của ông thì sao ?

– Thực ra, đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng, phát triển đô thị ở phía nam đã và đang được chú ý. Nói riêng hạ tầng giao thông không chỉ là về đường bộ, đường cao tốc, mà là toàn bộ quy hoạch giao thông vận tải thống nhất, kết nối trong không gian phát triển thống nhất các phương thức vận tải và hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy, ven biển, hải đảo, đại dương…

Đây là vấn đề liên quan đến thực hiện luật Quy hoạch mà Quốc hội đang rà soát, thực hiện giám sát tối cao rất kịp thời. Cuộc họp liên tịch giữa Quốc hội và Chính phủ vừa qua cho thấy sự phối hợp ngày càng chặt chẽ. Chắc chắn bài toán “lệch pha” sẽ sớm được cải thiện mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

 Cơ hội mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - ảnh 2
“Cần dồn lực đầu tư để TP.HCM và vùng KTTĐ phía nam đột phá phát triển, lấy lại vị trí “đầu tàu” của cả nước”   ĐỘC LẬP

* Ông đánh giá thế nào về khả năng bứt phá của ĐBSCL, vùng KTTĐ phía nam trong thời gian tới ?

– TP.HCM vừa thành lập TP.Thủ Đức với kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ của toàn vùng; Hệ thống đường vành đai của TP.HCM đã có những bước tiến tốt về tiến độ; Sân bay Long Thành vừa chính thức khởi công; Nhiều tuyến cao tốc bắc – nam đang được thúc đẩy… Những công trình này sẽ tạo cơ hội để TP.HCM cũng như vùng KTTĐ phía nam đột phá trong thời gian tới.

Tuy vậy, như trên đã nói, bên cạnh việc tập trung thêm nguồn lực cho TP.HCM trong giai đoạn khôi phục kinh tế hiện nay, cũng rất cần có thể chế kinh tế tốt để kết nối, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế quản lý đô thị. Cả hai nhân tố nguồn lực và thể chế quản trị đô thị sẽ là điều kiện để TP.HCM và vùng KTTĐ phía nam đột phá phát triển, lấy lại vị trí “đầu tàu” của cả nước, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc.

Cùng với vùng KTTĐ phía nam, vùng ĐBSCL đang có cơ hội và tiềm năng lớn để phát triển vượt lên. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL trước biến đổi khí hậu đã mang lại cách nhìn mới và các giải pháp rất đúng đắn.

Hơn thế, ngày 22.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là cửa ngõ phía tây nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn.

Cần khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển vùng ĐBSCL, phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra. Quan điểm chung là phát triển bền vững toàn diện, thông minh và thích ứng linh hoạt, đòi hỏi không “quy hoạch cứng” vào một vài ngành cụ thể nào, mà cần phát triển các ngành đa dạng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Hy vọng, ĐBSCL sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.

HÀ MAI

TNO