24/12/2024

Khen thưởng sao cho đúng?: Vì sự phát triển của mỗi học sinh

Khen thưởng sao cho đúng?: Vì sự phát triển của mỗi học sinh

Khen thưởng là cần thiết nhưng nếu không làm một cách thực chất, chính xác thì sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ mà không ít tác giả đã chỉ ra trong diễn đàn “Khen thưởng sao cho đúng?” trên báo Tuổi Trẻ suốt một tuần qua.

 

 

Khen thưởng sao cho đúng?: Vì sự phát triển của mỗi học sinh - Ảnh 1.

Câu chuyện về khen thưởng học sinh ở Thụy Điển thu hút sự quan tâm của bạn đọc, trở thành đề tài của diễn đàn “Khen thưởng sao cho đúng?” diễn ra trên báo Tuổi Trẻ suốt tuần qua

Đổi mới giáo dục phổ thông chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực với phương châm “không một học sinh bị bỏ rơi” đang mang đến luồng gió mới cho công tác khen thưởng học sinh, đòi hỏi lãnh đạo ngành giáo dục, các nhà trường và phụ huynh chung tay.

Trước hết, Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục mạnh dạn đột phá đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, không dùng điểm số để xếp loại học lực, mà thay vào đó, hướng dẫn giáo viên nhận xét và hỗ trợ học sinh, giúp các em tiến bộ (phù hợp với năng lực, tâm tính cá nhân, hoàn cảnh gia đình); đối với cấp trung học phổ thông dùng kết quả điểm số (đánh giá) để phân loại, trợ giúp các em đạt nguyện vọng và ước mơ khởi nghiệp.

Chỉ khen thưởng những học sinh có kết quả học tập hoặc hoạt động nổi trội trong khối, trong trường; học sinh hiếu học có tiến bộ nhiều. Lấy “vắc xin” học thật, thi thật, nhân tài thật điều trị bệnh thành tích, lấy hạnh phúc học sinh làm tiêu chí khen thưởng, lấy yêu thương làm giá trị, lấy chân – thiện – mỹ làm mục tiêu và động lực khen thưởng.

Hai là cán bộ quản lý cùng giáo viên của trường trau dồi năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh; sâu sát từng học sinh, đánh giá công bằng, chính xác để học sinh tiến bộ. Khen thưởng học sinh là việc làm mỗi lúc đến trường, lên lớp và thông qua hoạt động trải nghiệm nhằm khuyến khích các em rèn kỹ năng.

Kiểm tra vừa sức, có sai sót lúc làm bài thì hướng dẫn bổ sung, tạo cơ hội cho các em kiểm tra lại một cách công tâm, phù hợp, công khai. Tuyệt đối không so sánh học sinh với nhau, không mang điểm số ra khen – chê cứng nhắc. Trao đổi việc học với phụ huynh cần thận trọng, lắng nghe tâm tư của họ và cùng họ tiếp sức để có con hiền – mạnh mẽ, trò nhanh – sáng tạo.

Ba là phụ huynh hãy thay đổi đi, con ngoan là con khỏe, sống ngay ngắn, siêng thể thao, chăm đọc sách, học hiểu bài. Giấy khen đưa lên “phây”, dán khắp nhà rốt cuộc chẳng đi đến đâu! Sự hợp tác của phụ huynh tựa “dòng tiền” chống lạm phát khen thưởng!

Khen đúng, tinh, gọn, chất, vì sự phát triển của mỗi học sinh chính là biện pháp quan trọng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Và đó cũng là cách thức tốt nhất xây nên trường học hạnh phúc.

Bài viết của TS Nguyễn Hoàng Chương tạm khép lại diễn đàn “Khen thưởng sao cho đúng?”. Trong suốt một tuần qua, tòa soạn đã nhận được hàng chục bài viết của các thầy cô, chuyên gia, phụ huynh trong cả nước cùng hàng trăm lượt bình luận (comment) trên báo Tuổi Trẻ điện tử. Những chia sẻ, góp ý, gợi ý của bạn đọc sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho ngành giáo dục và mỗi gia đình hướng tới thực chất của việc khen thưởng, để khen thưởng thực sự tạo động lực cho sự vươn lên và phát triển lành mạnh của học sinh.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TTO