24/12/2024

Đau nhói ngực hậu Covid-19 có phải bệnh tim mạch?

Đau nhói ngực hậu Covid-19 có phải bệnh tim mạch?

Tôi 52 tuổi, khỏi Covid-19 gần 1 tháng nhưng hay bị nhói ngực bên trái. Trước đây tôi chưa từng bị như vậy. Hôm qua, tôi đau nhói ngực dữ dội, kéo dài tầm 15 giây, lan xuống bả vai trái khiến tôi vã mồ hôi. Có phải tim tôi bị ảnh hưởng hậu Covid-19 không thưa bác sĩ? (Xuân Nguyên, TP.HCM)

 

 

Nguyên nhân cụ thể dẫn tới những cơn đau ngực hậu Covid-19 có thể bao gồm các biến chứng hô hấp như viêm phổi, xẹp phổi, thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi) cũng như các biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (viêm màng bao xung quanh tim).

Trường hợp anh mắc Covid-19 cách đây 1 tháng, sau đó có triệu chứng nhói ngực mặc dù không nhiều. Gần đây, anh còn bị một cơn đau ngực dữ dội đến mức vã mồ hôi. Tôi nghĩ anh nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Thông thường ở những bệnh nhân hậu Covid-19, ngoài vấn đề viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, có một tỷ lệ nhỏ nhồi máu cơ tim. Anh đã trên 50 tuổi nên cần xét nghiệm máu để xem mình có yếu tố nguy cơ của xơ vữa mạch máu hay không. Xơ vữa mạch máu là căn nguyên chính gây ra bệnh mạch vành, nghiêm trọng có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, anh cũng cần chụp phim phổi xem có bất thường sau khi khỏi Covid-19 không, đo điện tim hoặc siêu âm tim để loại trừ những ảnh hưởng của Covid-19 nếu có trên tim, phổi; đồng thời xem nguyên nhân đau ngực có phải do nguyên nhân tim mạch không. Sau khi có kết quả, bác sĩ mới đánh giá được các triệu chứng anh đang gặp phải là nghiêm trọng hay không, từ đó tư vấn cho anh cách điều trị phù hợp.

Đau nhói ngực hậu Covid-19 có phải bệnh tim mạch? - ảnh 1
Bệnh nhân siêu âm kiểm tra sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh  ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hồi phục sức khỏe hậu Covid-19, người bệnh cần tập thở đúng cách. Điều này rất quan trọng vì Covid-19 gây tổn thương phổi, nếu bệnh nhân tập thở tốt, phổi cải thiện thì triệu chứng tim mạch cũng cải thiện. Anh nên tập thở hằng ngày vào buổi sáng và chiều, mỗi lần 15 phút, chọn nơi thoáng mát. Khi tập, anh cần hít sâu rồi thở ra từ từ để cơ hoành nâng cao tối đa và thành bụng hóp lại. Đồng thời, anh chú ý vận động nhẹ nhàng, tránh gắng sức làm việc nặng, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể hồi phục dần. Nếu triệu chứng đau ngực kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống, anh nên khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ThS-BS Huỳnh Thanh Kiều

Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

 

Nguồn: BVĐK Tâm Anh

TNO