24/12/2024

‘Khen thưởng sao cho đúng?’: Tác dụng ngược

‘Khen thưởng sao cho đúng?’: Tác dụng ngược

Trong học tập hay bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cần công tác khen thưởng. Đây là cách ghi nhận những nỗ lực, cống hiến và thành tích vượt trội của một cá nhân hay tổ chức đối với tập thể, cộng đồng.

 

 

Khen thưởng sao cho đúng?: Tác dụng ngược - Ảnh 1.

Ngập tràn phần thưởng trong lễ tổng kết năm học của một trường học ở TP.HCM – Ảnh: T.T.

Do vậy, không thể khen thưởng đại trà. Do “bệnh thành tích” mà ngày càng có quá nhiều học sinh khá giỏi trong một lớp học – tỉ lệ cao hơn nhiều lần học sinh trung bình – khiến cho những dịp cuối năm học, một “cơn mưa” giấy khen và phần thưởng đã được trao.

Tác dụng của khen thưởng là khích lệ người học, người làm cố gắng thêm để tạo sự khác biệt nhưng chính việc khen thưởng dễ dãi đã tạo ra hiệu ứng ngược. Những người học làng nhàng cũng nhận giấy khen như người cố gắng học thật nhiều thì làm sao có thể tạo ra sự khích lệ tinh thần? Ngược lại còn làm cho người đang cố gắng cảm thấy thiệt thòi, bất mãn; làm cho người không nỗ lực (cũng nhận được giấy khen, kết quả học tập tốt) không cần cố gắng nữa…

Mối quan hệ giữa thành tích học sinh và giáo viên tỉ lệ thuận, điều này đúng nhưng nó sẽ sai khi biến câu chuyện này thành bảng vàng thành tích để khoe với thiên hạ về tỉ lệ học sinh tiên tiến, giỏi gần 100%. Thật khôi hài khi học sinh không được phép học dở, giáo viên “buộc” mình nâng điểm để một học sinh nào đó “phải” giỏi vì thành tích của bản thân cùng nhà trường. Cơ chế đánh giá giáo viên, học sinh đã tạo ra tiêu cực và bệnh thành tích. Và kết quả là đã có những câu chuyện khen thưởng tràn lan, giấy khen phát vô tội vạ như đang diễn ra ở nhiều cấp học hiện nay.

Để có thể biến việc khen thưởng thành động lực học hành, dạy dỗ thực chất thì ngành giáo dục nên chọn nhìn thẳng sự thật. Không thể có chuyện tất cả học sinh đều khá giỏi, càng không thể có chuyện giáo viên phải lừa dối chính mình khi đánh giá học sinh với những điểm số tròn trịa nhưng thiếu thực chất. Đó là phản giáo dục!

Nếu vẫn giữ việc khen thưởng tràn lan như hiện nay thì sẽ tạo ra sự thiếu công bằng trong thi đua, đánh giá. Và việc khen thưởng không đúng người, không đúng việc sẽ nuôi lớn cái tôi cho người trẻ, khiến họ ảo tưởng vào năng lực mà thôi.

Câu nói “khen cho nó chết” có thể được nhắc lại đối với tình trạng lạm phát khen thưởng hiện nay. Khen không đúng cách trong giáo dục – đào tạo sẽ khiến bao tâm hồn trở nên héo úa vì bị “ngộp” trong thành tích “ảo”.

THS LÊ TRƯỜNG AN (giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM)
TTO