22/01/2025

Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân

Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân

Tuần này Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước. Cần phải làm gì để có thể kìm nguy cơ lạm phát và hỗ trợ người dân giữa lúc “bão giá” hiện nay?

Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân - Ảnh 1.

Người dân đi chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM trưa 29-5 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – nói:

– Sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và người dân kiệt quệ về tài chính. Sự bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới khiến nhiều người không yên tâm đổ vốn vào sản xuất, kinh doanh, ngược lại họ đổ tiền vào bất động sản, vàng, tài chính…

Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân - Ảnh 2.

TS Nguyễn Quốc Việt

Với các gói hỗ trợ doanh nghiệp, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dứt khoát phải chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.

TS Nguyễn Quốc Việt

Mớ rau, cọng hành… tăng giá

* Giá cả nguyên phụ liệu đầu vào biến động rất lớn tạo lo lắng. Ông có thấy nguy cơ lạm phát có thực sự đáng lo ngại?

– Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên dễ chịu áp lực lạm phát toàn cầu, dẫn tới hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, năm 2020 – 2021 chúng ta có xu hướng xuất siêu, chỉ nhập khẩu các nguyên phụ liệu đầu vào nên sức ép lạm phát không đáng lo ngại.

Mặt khác hàng nhập khẩu gắn với doanh nghiệp FDI, nếu ta khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế quốc tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu, giảm chi phí và rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì sức ép về nhập khẩu lạm phát không quá lớn.

Ngoài ra nhiều người dân và doanh nghiệp kiệt quệ kinh tế sau 2 năm phòng chống dịch COVID-19, sản xuất khó khăn, thu nhập của người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên cầu trong nước chưa thể phục hồi để gây áp lực quá lớn về lạm phát, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế thực của Việt Nam trong thời gian ngắn tới.

Tuy nhiên lạm phát và xung đột chính trị khiến nhiều nước cắt các chương trình hỗ trợ và kích cầu, thắt chặt chi tiêu… có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam?

Tôi cho rằng Việt Nam có thể gặp khó khăn lớn trong năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023. Không chỉ là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế có thể bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, kéo theo đó là áp lực lạm phát trong nước. Đặc biệt phải lưu ý đến kỳ vọng lạm phát, tức lạm phát ăn theo gây ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp.

Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân - Ảnh 4.

Lương thực thực phẩm thiết yếu đã bắt đầu có xu hướng tăng giá. Trong ảnh: người dân đi chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM trưa 29-5 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* Vậy thực tế này đang tác động thế nào đến đời sống người dân?

– Nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI), dịch vụ ăn uống chiếm tới 36%, tiếp theo là nhà ở, khí đốt, điện nước và vật liệu xây dựng chiếm 15%. Khi giá hàng hóa nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng tới 2 nhóm hàng này.

Thực tế ta thấy từ mớ rau, cọng hành, lương thực thực phẩm thiết yếu đã bắt đầu có xu hướng tăng, không phải do thiếu hàng mà một phần do các khâu trung gian cũng đẩy lạm phát kỳ vọng tăng.

Đặc biệt cần lưu ý trong rổ hàng hóa nhóm dịch vụ y tế, giáo dục chiếm 11% trong CPI. Sau dịch làn sóng tăng giá giáo dục mạnh mẽ, đặc biệt là tăng học phí. Tương tự là với y tế. Đây là 2 yếu tố sát sườn ảnh hưởng tới chi phí của người dân.

Nếu không kiểm soát, có cơ chế giám sát giá trong giáo dục và y tế thì đây mới là yếu tố dẫn tới tăng lạm phát cuối năm, dù tôi cho rằng lạm phát năm nay có thể vẫn giữ ở mức 4%.

Tính thêm giảm thuế, đơn giản thủ tục

* Để kiểm soát lạm phát, theo ông, cần thêm giải pháp gì bên cạnh các giải pháp hiện nay?

– Chúng ta đã có cơ chế bình ổn giá cho một số mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào, cùng với đó là cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giá trên thị trường để tránh biến động giá. Vừa qua với giá xăng dầu cũng đã có mức giảm thuế bảo vệ môi trường, hay việc miễn giảm 2% thuế giá trị gia tăng…

Để chính sách này hiệu quả hơn, cơ quan quản lý cần đánh giá thêm ngành hàng chịu tác động từ bất ổn quốc tế và sức ép lạm phát để bổ sung thêm vào diện miễn giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Hoặc cần tính toán để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu.

Về dài hạn, việc sớm triển khai gói phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng là cần thiết. Dù gói phục hồi của nước ta chỉ ở mức trung bình của thế giới, chỉ chiếm 4-5% GDP, nhưng với gói này cho thấy Chính phủ quyết tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra tăng trưởng và lấy tăng trưởng này bù cho lạm phát còn hơn là để “đình lạm”, tức không tăng trưởng mà vẫn lạm phát.

* Nhưng thực tế ông thấy chương trình phục hồi, triển khai kế hoạch giải ngân đầu tư công thực hiện rất chậm…

– Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt thúc đẩy gói phục hồi kinh tế, gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công… Vậy việc chậm trễ hiện nay có phải do vướng mắc về thủ tục hay do sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương?

Tôi cho rằng cần tiếp tục rà soát rào cản, đánh giá hiệu quả trong việc triển khai những dự án đầu tư công, chỉ ra những rào cản vướng mắc. Chỉ tận tay, day tận mặt về ông nào kém, ông nào không hiệu quả, trách nhiệm đến đâu, vướng mắc bất cập thế nào thì mới hiệu quả được, chứ nói chung chung thì khó mà tháo gỡ.

Với các gói hỗ trợ doanh nghiệp, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dứt khoát phải chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần có đầu mối triển khai, chỉ đạo xuyên suốt và xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, có đánh giá rủi ro và hậu kiểm với các tiêu chí, đối tượng thụ hưởng chính sách…

Đi kèm là thực hiện bằng công cụ số hóa, tránh các khâu trung gian, trục lợi… Nếu như hiện nay dù có quyết tâm, quyết liệt đến mấy mà dựa vào tiền kiểm, cả núi quy trình, thủ tục, hồ sơ đi kèm thì rất khó triển khai gói phục hồi.

Ưu ái doanh nghiệp nhỏ trước, “đại bàng” sau

* Ngân hàng thắt chặt vốn tín dụng, rồi sức ép lạm phát khiến nhiều người dân và doanh nghiệp không mặn mà với sản xuất kinh doanh. Theo ông, giải pháp thế nào?

– Yếu tố lạm phát kỳ vọng không chỉ làm cho giá cả hàng hóa tăng, mà đáng lo ngại hơn là có thể khiến người dân, doanh nghiệp không yên tâm rót tiền vào sản xuất mà chỉ lo đi đầu cơ. Để người dân, doanh nghiệp yên tâm quay trở lại sản xuất kinh doanh thì trước hết phải kiểm soát lạm phát.

Đồng thời cần tập trung nhắm trúng vào đối tượng cần hỗ trợ, đó là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Tôi cho rằng nguồn lực trong nhóm này vẫn còn, họ vẫn có tiền. Vấn đề là để dòng tiền quay mạnh trở lại đời sống thì cần có cú hích.

Theo đó, cần có cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp có cơ hội tham gia nền tảng kinh tế mới, kinh tế số. Chúng ta có nhiều ưu ái cho các “đại bàng”, nhà đầu tư lớn, nhưng thử hỏi nhóm doanh nghiệp trên chúng ta hỗ trợ đã hiệu quả chưa?

Tôi cho rằng cần tạo cơ chế cho họ, đưa các chính sách tín dụng, vốn, ưu đãi thuế, đào tạo lao động… đến họ thuận lợi hơn, để có niềm tin kinh doanh quay trở lại rót vốn vào sản xuất.

Như vậy sẽ tạo bước đệm công ăn việc làm, lao động, khởi đầu cho kinh tế mới, bởi kinh tế Việt Nam cần phát huy từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không thể mãi phụ thuộc vào FDI.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh):

Cải thiện việc thực hiện gói hỗ trợ chậm

Thời gian tới để phục hồi bền vững, cần nhanh chóng đưa các nguồn lực của Nhà nước vào thị trường, đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội.

Hiện chúng ta đang triển khai gói hỗ trợ phục hồi, phát triển nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội trong 2 năm 2022 – 2023 với tổng số hơn 347.000 tỉ đồng hay hỗ trợ thuê nhà cho công nhân nhưng tiến độ thực hiện còn rất chậm. Do đó cần cải thiện một cách nhanh nhất ở khâu tổ chức, thực hiện để các gói hỗ trợ này sớm phát huy hiệu quả.

Cùng với đó là cải cách thể chế, giải quyết “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó Chính phủ đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nên cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để có hướng dẫn thống nhất, rõ ràng, dễ hiểu với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ, triển khai giải ngân.

T.CHUNG ghi

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

(dự kiến thực hiện trong năm 2022 – 2023)

1. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh (60.000 tỉ đồng).

2. Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỉ đồng).

3. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỉ đồng).

4. Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỉ đồng).

5. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, ngày 25-5, khi thảo luận về kinh tế – xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn, trong khi gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào” vì ngày 24-5 Chính phủ mới gửi danh mục dự án.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lo nhất là gói kích thích kinh tế gần 350.000 tỉ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế… chưa phân bổ được đồng nào.

T.LONG

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

“Cởi trói” đồng bộ cho địa phương

Bối cảnh hiện nay khác với bối cảnh lạm phát xảy ra năm 2008 nên chưa thể thực hiện chính sách thắt chặt về tiền tệ bởi phải tiến hành kích cầu để phục hồi nền kinh tế.

Do đó giải pháp chống lạm phát hiện nay là phải sử dụng mọi biện pháp để có chính sách hỗ trợ làm giảm giá các loại hàng hóa như giảm thuế liên quan đến xăng dầu…, cải cách thủ tục hành chính để vấn đề nhập khẩu hàng hóa được nhanh, thông thoáng nhằm giảm bớt chi phí, dẫn đến giá thành giảm, hỗ trợ chống lạm phát.

Để khắc phục những khó khăn, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6-6,5% thì điều quan trọng nhất không phải từ tiền, cơ chế chính sách mà Quốc hội, Chính phủ cần làm ngay và triệt để việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là các thủ tục liên quan thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch để làm giảm chi phí cho tất cả các khâu.

Khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì một dự án trước đây có thể phải thực hiện một năm về thủ tục hành chính sẽ giảm xuống còn mấy tháng. Khi đó vòng quay tiền sẽ tăng nhanh và đem lại tăng trưởng kinh tế mà không phải tăng lượng cung tiền. Lượng cung tiền lại là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát.

Bên cạnh đó cần từng bước hạn chế đầu cơ đối với thị trường tài chính như bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số bởi yếu tố đầu cơ luôn làm méo mó các thông số về kinh tế, thúc đẩy lạm phát. Cần hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất và nền kinh tế thực.

Nếu thật sự quan tâm “cởi trói” đồng bộ các nội dung này cho chính quyền địa phương, kết hợp tăng cường hậu kiểm, gắn trách nhiệm người đứng đầu, chắc chắn tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh):

Cần cơ chế đặc thù hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng

Để phục hồi bền vững trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tích tụ đất đai hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu để chủ động về nguyên liệu, xem đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng. Đồng thời hạn chế những tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi, hình thành cụm liên kết ngành, hệ sinh thái của doanh nghiệp.

THÀNH CHUNG ghi

Nhiều nước tăng trợ giá, giảm thuế

AN DO

Người dân mua rau tại một ngôi chợ ở Ahmedabad, Ấn Độ – Ảnh: Reuters

Đầu tháng 5-2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất lớn nhất trong 20 năm, bất chấp nguy cơ đẩy kinh tế rơi vào suy thoái, để đối phó với mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua.

Nhiều khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Nhiệm vụ khó khăn cho FED là phải cân bằng giữa việc chống lạm phát và không làm đổ vỡ các động lực của nền kinh tế, chẳng hạn thị trường việc làm khi nhiều người đang quay trở lại làm việc sau dịch.

Cũng điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng Trung ương New Zealand mới đây nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 6 năm qua và cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất. “Nâng lãi suất mạnh và sớm giúp giảm nguy cơ lạm phát kéo dài”, ông Adrian Orr, thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand, nói. Lạm phát của nước này 6,9%, cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Tại Ấn Độ, các chính sách chống lạm phát cũng gây nhiều tranh cãi về cái giá mà nền kinh tế phải trả. Lạm phát trong lĩnh vực bán lẻ tại quốc gia tỉ dân này tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, lên 7,8% vào tháng 4-2022.

Bên cạnh việc nâng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), chính phủ nước này cũng công bố nhiều biện pháp hạ nhiệt lạm phát như giảm thuế, trợ giá nhiên liệu, phân bón, cho đến các biện pháp mạnh như cấm xuất khẩu lúa mì, đường.

Theo ông Shaktikanta Das, lãnh đạo RBI, việc chống lạm phát cần phải cân bằng để tránh tình trạng “cuộc phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhân lại chết”.

Cân bằng cũng là điều Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải cân nhắc trong bối cảnh Thủ tướng Lý Khắc Cường của nước này mới đây đã phát cảnh báo về “sức khỏe” của nền kinh tế và yêu cầu các quan chức đưa kinh tế tăng trưởng trong quý 2, hướng tới mục tiêu tăng 5,5% trong năm nay.

Việc các nước khác tăng lãi suất giúp thu hút đầu tư hơn cũng khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Điều đó phần nào lý giải việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuần trước quyết định đi ngược xu hướng của các nước khác và cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, giải cứu thị trường nhà ở.

Nước này cũng đang áp dụng các biện pháp khác như nhanh chóng mở cửa các khu phong tỏa, thúc đẩy lĩnh vực công nghệ… để cứu vãn kinh tế.

Hầu hết các nước chọn các biện pháp điều chỉnh lãi suất, trợ giá nhiên liệu và phân bón, giảm thuế… để đối phó với lạm phát.

TRẦN PHƯƠNG

NGỌC AN – TIẾN LONG thực hiện
TTO