22/01/2025

Giữa trứng gà, vịt và vịt lộn, trứng nào nhiều đạm nhất?

Giữa trứng gà, vịt và vịt lộn, trứng nào nhiều đạm nhất?

Tôi được biết ăn trứng rất tốt cho sức khỏe. Cho tôi hỏi giữa trứng gà, vịt và vịt lộn, trứng nào nhiều đạm nhất? Xin cảm ơn bác sĩ! (B.Thủy, TP.HCM)

 

 

BS. Phạm Ánh NgânBệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, trả lời:

Trứng là một loại thực phẩm quen thuộc trong mọi gia đình vì tính đa dạng trong chế biến các món ăn và khả năng bảo quan lâu. Thời gian bảo quản trứng an toàn trong tủ lạnh (4,4 độ C) được khuyến cáo là 2 – 4 tuần với trứng sống (nguyên vỏ) và 1 tuần với trứng chính (nguyên vỏ).

Trứng vừa có thể là nguyên liệu chính cho một bữa ăn, vừa có thể tham gia vào các món phụ từ thức uống đến món chấm, các loại bánh và còn là một món ăn đường phố phổ biến hiện nay.

Giữa trứng gà, vịt và vịt lộn, trứng nào nhiều đạm nhất? - ảnh 1
Trứng là một món ăn bổ dưỡng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng  SHUTTERSTOCK

Nhìn chung, trứng đảm bảo đa số hàm lượng dinh dưỡng như protein, lipid, glucid, cholesterol, nguyên tố vi lượng (canxi, sắt, phospho,…).

Cụ thể, trứng vịt cung cấp năng lượng khoảng 184 kcal/trứng, trứng vịt lộn khoảng 182 kcal/trứng, trứng gà khoảng 166 kcal/trứng. Tuy nhiên, hàm lượng protein (đạm) trong trứng gà lại nhiều hơn so với trứng vịt và trứng vịt lộn, lần lượt là 14 g trong trứng gà, 13 g và 13,6 g trong trứng vịt và trứng vịt lộn. Lượng cholesterol trong 3 loại trứng trên là như nhau, trong đó chỉ có phần lòng đỏ là có cholesterol, lòng trắng trứng không có.

 

Trứng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đáp ứng cả 3 tiêu chí ngon – bổ – rẻ. Tuy nhiên, người lớn trung bình chỉ nên ăn từ 3 – 4 quả trứng/tuần. Với người cao tuổi hoặc người đang có rối loạn mỡ máu, chỉ nên ăn từ 1 – 2 quả trứng/tuần và hạn chế phần lòng đỏ trứng.

Đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng trứng tùy theo vào giai đoạn tập ăn của trẻ. Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi nên bắt đầu với một nửa lòng đỏ trứng tăng dần lên, ăn 2 – 3 bữa/tuần. Trẻ sau 12 tháng tuổi, có thể cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng, tuy nhiên nên theo dõi các biểu hiện dị ứng như thay đổi tính chất phân, đau bụng, nổi mẩn ngứa, vì một số trẻ trong giai đoạn nhỏ tuổi ghi nhận khả năng dị ứng với trứng.

Không nên ăn quá nhiều trứng trong một bữa ăn vì hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ kèm theo tính nê trệ, đầy chướng hơi, gây khó chịu đường tiêu hóa.

Việc lựa chọn trứng cút để chế biến trong các bữa ăn cho trẻ sẽ dễ dàng hơn các loại trứng có kích thước lớn hơn. Trứng cút tuy nhỏ nhưng là loại trứng giàu dinh dưỡng, bên cạnh hàm lượng đạm, calo, trứng cút cũng có chứa các vi khoáng và vitamin gần giống với trứng gà, lại ít có khả năng gây dị ứng hơn trứng gà, nên thường được sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Có thể cho bé ăn 3 – 4 quả trứng cút trong một bữa ăn để cung cấp thêm dinh dưỡng.

Trong dân gian thường truyền lại kinh nghiệm cho các mẹ bầu ăn trứng ngỗng để giúp con thông minh. Thực tế, hàm lượng dinh dưỡng trứng ngỗng thấp hơn trong trứng gà. Phần lòng đỏ trứng lại chứa nhiều cholesterol và lipid, những chất không tốt cho hệ tim mạch và chuyển hóa. Khi phụ nữ mang thai dùng nhiều trong thai kỳ, dễ dẫn đến nguy cơ dư thừa cân nặng, rối loạn mỡ máu về sau.

 

M.PHÚC

TNO