Để thế giới không tan vỡ
Để thế giới không tan vỡ
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos, Thuỵ Sĩ tuần qua, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ lo ngại về xu hướng “phân mảng kinh tế và chính trị” rất mạnh hiện nay.
Bà giám đốc IMF thậm chí còn cho rằng xu hướng đó đáng lo ngại hơn cả những nguy cơ lớn trước mắt như cuộc chiến tại Ukraine hay sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể dẫn tới suy thoái toàn cầu.
Không chỉ các quốc gia, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, để đảm bảo chuỗi cung ứng và bảo vệ lợi ích lớn lao của một hệ thống kinh tế hội nhập toàn cầu.
Bà Kristalina Georgieva (giám đốc IMF)
Tháng trước, IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 4,4% xuống 3,6%. Bà Georgieva, một người Bulgaria, nói về quyết định đó ở WEF: “Điều khiến chúng tôi còn lo ngại hơn không phải là việc hạ mức tăng trưởng, vì từ 3,6% xuống suy thoái thì vẫn còn là dư địa tăng trưởng rộng cho kinh tế thế giới, mà là rủi ro của việc chúng ta đang bước vào thế giới ngày một phân mảnh, với các khối thương mại và tiền tệ chia tách một nền kinh tế thế giới mà hiện cho tới giờ vẫn có tính hội nhập cao độ”.
Sự hội nhập mong manh
Thật ra chuyện chia phe phái, dù là kinh tế hay địa chính trị, là chuyện đã quen thuộc của lịch sử hiện đại. Vào đầu thế kỷ 20, những hục hặc giữa các cường quốc châu Âu có và không có thuộc địa là lý do quan trọng dẫn tới Thế chiến 1.
Thế giới “có tính hội nhập cao độ” mà bà Georgieva nói thật ra chỉ tồn tại từ khoảng đầu những năm 1990 trở lại đây và vòng đàm phán Uruguay 1986 – 1993 của Tổ chức Thương mại thế giới để thiết lập một trật tự kinh tế mới, gắn với tự do thương mại, được định hình.
Sự phân rã cũng không chỉ là về kinh tế hay chính trị. Ngay trong thời kỳ chớm nở của toàn cầu hóa, vào năm 1996, học giả người Mỹ Samuel Huntington đã cho xuất bản một tác phẩm nền tảng là “Sự va chạm giữa các nền văn minh”.
Trong đó, Huntington chia thế giới ra thành những khối “văn minh” dựa trên văn hóa: phương Tây, Chính thống giáo, Mỹ Latin, Hồi giáo, Phi châu, Ấn giáo, Phật giáo, văn minh Trung Hoa và Nhật Bản. Gần 25 năm sau khi cuốn sách ra đời, bà Georgieva đang nhắc lại mối lo tương tự, khi thế giới đang thực sự phân rã một cách nguy hiểm theo những đường ranh giới đó.
“Xu hướng phân mảnh là rất mạnh”, bà Georgieva nói trong một phiên hội thảo ở WEF tựa đề “Bức màn sắt kinh tế: Các kịch bản và ngụ ý”.
“Tôi lớn lên ở bên kia bức màn sắt. Tôi rất ghét nó. Và tôi xin nói rằng tôi thấy sợ hãi vì chúng ta rất có thể đang bước vào một bức màn như vậy mà không hề hay biết: sau cuộc chiến tranh nóng có thể là một cuộc chiến tranh lạnh nữa”.
Lời khuyên của IMF
Trong một bài viết trên trang chủ của IMF, bà Georgieva cảnh báo về “sự phân mảnh địa – kinh tế” khiến kinh tế toàn cầu đang đối mặt “thử thách lớn nhất kể từ Thế chiến 2” với các hiệu ứng gộp do cuộc chiến Ukraine, đại dịch COVID-19, tăng trưởng chậm và lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá lương thực và năng lượng tăng mạnh khiến nhiều gia đình khốn đốn, trong khi đó các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, gây thêm áp lực lên các quốc gia, doanh nghiệp và gia đình đang mắc nợ. Thêm vào đó sự bất ổn của các thị trường tài chính và mối đe dọa biến đổi khí hậu đã là thường trực, IMF nói thế giới đang đối mặt “nguy cơ những thảm họa xảy ra cùng lúc”.
Theo IMF, sự bất trắc trong chính sách thương mại toàn cầu đã khiến GDP thế giới mất khoảng 1 điểm % trong năm 2019. Tới nay, lạm phát cũng đã khiến khoảng 30 quốc gia có các biện pháp hạn chế thương mại với lương thực, nhiên liệu và một số hàng hóa cơ bản khác.
IMF cảnh báo sự phân rã hơn nữa sẽ gây ra những hệ quả tai hại, tác động lên nhiều người về mặt kinh tế – xã hội, có thể làm mất tới 5 điểm % tăng trưởng GDP với nhiều nước.
Để giải quyết những thách thức đó, IMF kêu gọi các chính phủ phải tiếp tục giảm bớt các rào cản thương mại, đa dạng hóa nhập khẩu để cải thiện sức chống chọi của nền kinh tế.
“Trong khi các cân nhắc địa chiến lược sẽ thúc đẩy một số quyết định kinh tế, điều đó không nhất thiết phải dẫn tới sự phân rã của cả nền kinh tế. Giới lãnh đạo kinh doanh vẫn có vai trò lớn trên phương diện này”, bà Kristalina Georgieva nói.
Thứ hai, IMF muốn có thêm các nỗ lực hợp tác để đối phó với các khoản nợ, khi khoảng 60% các nước có thu nhập thấp hiện có rủi ro về nợ và cần tái cấu trúc.
Thứ ba, IMF kêu gọi hiện đại hóa các hoạt động thanh toán xuyên biên giới để tăng trưởng kinh tế có tính dung nạp hơn.
Tổ chức này ước tính chi phí thanh toán chiếm trung bình 6,3% các khoản tiền gửi từ nước ngoài về một quốc gia cụ thể, đồng nghĩa mỗi năm 45 tỉ USD rơi vào tay những định chế trung gian thay vì các hộ gia đình. Cuối cùng, IMF kêu gọi hành động thực tế để thu hẹp “khoảng cách giữa tham vọng và chính sách” trong vấn đề biến đổi khí hậu.