24/11/2024

Nông dân miền Tây bỏ ruộng vì phân bón

Nông dân miền Tây bỏ ruộng vì phân bón

Nông dân ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang dần thu hẹp diện tích trồng lúa, kể cả vụ lúa hè thu vốn thường có giá cao. Lý do là càng làm càng lỗ vì giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công cứ liên tục leo thang.

 

 

Nông dân miền Tây bỏ ruộng vì phân bón - Ảnh 1.

Chỉ riêng phân bón chiếm hơn 33% tổng chi phí sản xuất lúa và tỉ lệ này ngày càng tăng – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ngành nông nghiệp nhiều địa phương đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi hình thức canh tác, gieo sạ đúng quy trình, tăng sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ… nhằm giảm chi phí.

Tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết việc chuyển sang sản xuất hữu cơ “nói dễ nhưng làm khó” vì chi phí cao, hiệu quả ban đầu thấp.

 

Diện tích lúa giảm vì càng làm càng lỗ

Ông Nguyễn Trung Phương (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho biết dù rất “xót ruột” nhưng gia đình ông đã quyết định bỏ vụ lúa hè thu “vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa giống đều đồng loạt tăng, các chi phí thuê mướn khác cũng tăng theo. Vừa làm vừa lo bị lỗ”.

Theo ông Phương, từ đầu năm đến nay, hàng loạt chi phí đầu vào cho cây lúa cứ liên tục tăng, đặc biệt là giá phân bón hiện đã ở mức 1-1,5 triệu đồng/bao, khiến nông dân lỗ nặng.

Ông Phương cũng cho biết từ trước đến nay, năm nào gia đình ông cũng sạ 3 vụ nhưng năm nay chỉ sạ 2 vụ mà còn “vừa làm vừa lo” vì chi phí đầu vào quá cao và không biết giá lúa sẽ ra sao. “Vì lo càng làm sẽ càng lỗ. Bây giờ thương lái quy định giá cả lẫn thời gian cắt lúa, đợi lúa khô trên cây mới chịu cắt, khiến lúa mất ký. Nông dân là người phải chịu thiệt”, ông Phương nói.

Nhiều nông dân cho biết vào vụ lúa hè thu những năm trước chỉ lo thiếu nước và thời tiết, nhưng vụ này còn lo thêm giá cả, vật tư nông nghiệp tăng cao. Ông Âu Trọng Hữu – cán bộ nông nghiệp xã Tân An Luông – cho biết vụ đông xuân 2021 – 2022 vừa rồi địa phương có 800ha lúa, nhưng vụ hè thu chỉ có 450ha xuống giống.

“Số còn lại người dân thống nhất lơi vụ hè thu và xuống giống trễ hơn mọi năm, tức sẽ bỏ vụ thu đông sắp tới do chi phí sản xuất tăng mà giá lúa không tăng”, ông Hữu cho biết.

Theo ông Huỳnh Hoàng Hưng – giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nha Mân (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), để đảm bảo sản xuất theo quy trình gạo OCOP an toàn, nông dân giảm từ 3 vụ xuống 2 vụ, thực hiện theo mô hình “1 phải 5 giảm”.

“Tuy nhiên, giá cả vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng làm giảm khoảng 20% lợi nhuận so với cùng kỳ. Bởi vì giá lúa được ấn định ngay đầu vụ và giá gạo đã niêm yết sẵn cho đại lý và khách hàng nên nông dân không thể tăng giá bán theo giá vật tư”, ông Hưng cho hay.

Ông Trầm Minh Thuần – giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) – cũng cho biết với giá phân bón hiện nay, vùng nguyên liệu trồng lúa thương phẩm của HTX (gần 160ha) vụ này có khả năng thua lỗ rất cao.

“Nếu giá lúa đạt 5.800 đồng như cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận bà con sẽ giảm 20%chỉ còn khoảng 200.000 đồng/công cho vụ lúa 3 tháng!”, ông Thuần nói.

Nông dân miền Tây bỏ ruộng vì phân bón - Ảnh 2.

Chi phí cho bảo vệ thực vật chiếm 14,6 – 14,7% tổng chi phí sản xuất lúa – Ảnh: BỬU ĐẤU

Phân bón “ăn” hết lợi nhuận

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt vào bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tỉ lệ rất cao (71,7%) trong tổng chi phí sản xuất lúa và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí phân bón là 33,1% và thuốc bảo vệ thực vật là 14,6%.

Chẳng hạn, trong giá thành sản xuất giống chất lượng thấp (giống IR50404, ML202), chi phí vật chất chiếm 72,3% (chi phí công lao động chiếm 27,7%) trong tổng chi phí sản xuất. Trong đó, đứng đầu là chi phí phân bón (chiếm 33%) và kế đến là chi phí thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 14,7%)…

Ông Nguyễn Văn Hiền – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang – cho biết để hỗ trợ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ tiếp tục các chương trình khuyến nông, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật. Trong đó chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 – 100kg/ha, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 40 ngày sau sạ…

“Khuyến cáo nông dân chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ hoặc vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất bằng hình thức vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, HTX, canh tác theo hướng an toàn và bền vững nhằm tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí”, ông Hiền thông tin.

Ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – cũng cho biết địa phương sẽ đẩy mạnh chương trình “1 phải 5 giảm”, ứng dụng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hỗ trợ 50% phân hữu cơ cho nông dân và bao tiêu cho nông dân…

“Sắp tới, chúng tôi đang quy hoạch vùng trồng nguyên liệu rau mùi, ớt, khoai môn, chuối… chuẩn châu Âu để tận dụng tối đa diện tích đất mà nông dân còn bỏ trống”, ông Điền nói.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Tài (chủ nhiệm HTX SX&DV nông nghiệp Tấn Đạt, Vĩnh Long), trong khi hô hào nông dân sản xuất hữu cơ để không phụ thuộc vào giá vật tư, phân bón nhưng nhiều người vẫn hình dung việc chuyển hướng sản xuất sạch và áp dụng công nghệ cao thật sự khó như thế nào nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Việc sản xuất hữu cơ trước tiên cần phải có vốn đầu tư lớn, có thời gian lâu dài để cải tạo đất. Chẳng hạn, để liên kết một HTX và đầu tư sản xuất sạch, phải cần chuẩn bị máy phát cỏ, bộ san phẳng mặt ruộng bằng lazer, máy bay phun phân bón…

Mỗi thứ đã từ trăm triệu đến vài trăm triệu rồi. Mà nếu không đầu tư công nghệ thì sẽ không thể phát huy được hiệu quả của các loại phân bón hữu cơ”, ông Tài cho biết.

 

Diện tích trồng lúa giảm mạnh

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 375.263ha, giảm 8.305ha so với cùng kỳ năm 2021. Còn tại An Giang, theo Chi cục Bảo vệ thực vật, tính riêng vụ hè thu 2022, diện tích xuống giống lúa đạt 209.186ha, giảm khoảng 600ha so với cùng kỳ, do chuyển đổi sang trồng rau màu và cây ăn trái.

Trong vụ hè thu năm 2021, theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, địa phương này dự kiến xuống giống 51.500ha, nhưng diện tích xuống giống thực tế chỉ 45.267,4ha, đạt 87,9%, giảm 6,2% (tương đương 3.010ha) so với cùng kỳ. Theo kế hoạch năm 2022, địa phương này sẽ xuống giống vụ hè thu với 47.000ha nhưng cuối tháng 4 mới chỉ xuống giống 29.057ha, đạt 61,8%.

Tương tự, Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết vụ hè thu 2022 địa phương này có kế hoạch gieo trồng hơn 74.000ha lúa. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2022 mới chỉ xuống giống 31.175ha, đạt 42,13% so với kế hoạch.

 

Có thể giảm 15% chi phí sản xuất lúa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thừa nhận hiện tượng nông dân bỏ ruộng cũng có nhưng không phổ biến, đồng thời khuyến cáo người dân không nên bỏ ruộng, thay vào đó là áp dụng các quy trình canh tác tiết kiệm chi phí đã được công nhận để tăng hiệu quả.

Ngoài ra, theo ông Cường, nông dân nên tham gia các HTX để tổ chức sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trước đó, vào cuối tháng 4-2022, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Cụ thể, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL bao gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa đông xuân và hè thu gồm làm đất chuẩn bị đồng ruộng, chuẩn bị hạt giống, phân bón, quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả…

“Điểm nhấn của quy trình này là yêu cầu giảm lượng giống gieo sạ, đảm bảo không quá 80kg/ha cho phương pháp sạ lan, sạ hàng và không quá 60kg/ha đối với phương pháp sạ theo cụm. Việc giảm lượng giống trong gieo sạ sẽ kéo theo tiết giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…” – ông Cường nói và cho biết theo tính toán sơ bộ của các địa phương, quy trình này có thể giảm 15% chi phí trong sản xuất lúa. (CHÍ TUỆ)g.

CHÍ HẠNH – ĐẶNG TUYẾT
TTO