26/12/2024

Học sinh đang thiếu nơi giãi bày

Học sinh đang thiếu nơi giãi bày

Một học sinh lớp 6 Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) đã chia sẻ cảm xúc khi bị điểm thấp trong chương trình “Điều em muốn nói” tổ chức ngày 17-5, với sự tham gia của trên 1.000 học sinh của trường này.

 

 

Học sinh đang thiếu nơi giãi bày - Ảnh 1.

Một học sinh Trường THCS Giảng Võ chia sẻ suy nghĩ về những khó khăn trong giai đoạn học trực tuyến vừa qua – Ảnh: NGUYỄN HÀ

Học sinh đang thiếu nơi giãi bày, không dám thổ lộ suy nghĩ với cha mẹ, trong khi dịch COVID-19 và đợt học trực tuyến kéo dài khiến nhiều em rơi vào trạng thái bị dồn nén, áp lực.

Đây là lý do chương trình “Điều em muốn nói” thu hút sự quan tâm của cả học sinh và phụ huynh. Chương trình do Hội đồng Đội trung ương, Sở GD-ĐT Hà Nội và báo Tiền Phong tổ chức.

 

“Quả tạ ngàn cân” rơi xuống

“Em rất sợ bị điểm kém vì sợ mẹ sẽ đánh” – T., cậu học sinh diễn tả cảm giác bị “quả tạ ngàn cân” rơi xuống, chia sẻ về nỗi sợ.

Trao đổi về điều này, cô giáo chủ nhiệm lớp em cho biết: Thực chất cô và phụ huynh cũng rất vất vả với trường hợp T. vì em có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý. Nỗi sợ của em nhiều khi do em tự gây áp lực cho mình, chứ không hoàn toàn do bị bố mẹ mắng hay đánh.

Theo cô giáo chủ nhiệm của T. thì lớp 6 do cô phụ trách có đến 10 em có nhiều biểu hiện cần phải theo dõi sau thời gian trường đóng cửa, học sinh phải học trực tuyến. Trong đó có những học sinh mất tập trung, luôn trong trạng thái bồn chồn, không ngồi yên, có em có biểu hiện tự kỷ.

Những vấn đề bất ổn trong thời gian học trực tuyến rồi khi trở lại trường khiến nhiều học sinh bị tác động. “Em bị mất tập trung khi học trực tuyến, đôi khi mạng trục trặc khiến bài giảng bị ngắt quãng, điều đó làm em bị căng thẳng” – một học sinh lớp 9 khác chia sẻ. Có em cho biết “sau thời gian học trực tuyến, em đã phải đeo kính cận”.

“Có em nào thấy bố mẹ chưa thực sự hiểu mình không?” – một câu hỏi đặt ra, một vài cánh tay rụt rè giơ lên, rồi có rất nhiều cánh tay giơ lên.

Những vấn đề đang khiến các cô, cậu bé là học sinh THCS lo âu, quan tâm, về cơ bản đều xoay quanh chuyện học: không theo kịp bài giảng khi học trực tuyến, bị tụt lại so với các bạn khi trở lại trường, đã cố gắng rồi nhưng bố mẹ chưa ghi nhận, không tự tin vào khả năng của mình, buồn vì để bố mẹ thất vọng…

Đó là những tâm tư ngổn ngang của nhiều học sinh. Điều mà có thể các bậc phụ huynh chưa biết.

 

Trẻ chịu nhiều áp lực

Tại chương trình, TS Nguyễn Thanh Sơn – phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội – chia sẻ: “Tôi cho rằng diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.

Áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nên các em đừng oán thán bố mẹ, bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình trung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.

“Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ” – TS Sơn nhấn mạnh.

Trước đó, hội thảo dành cho cha mẹ học sinh do Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) tổ chức, nhiều điều thổ lộ của học sinh đã được chia sẻ lại với các bậc phụ huynh theo hình thức ẩn danh.

Theo cô Bùi Trà My (ban giám hiệu Trường phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội), trong những tiết học kết nối với học sinh, qua các buổi tư vấn 1-1 và thăm dò ý kiến học sinh, khi đặt câu hỏi “điều gì bố mẹ nói dễ làm em có phản ứng tiêu cực nhất?”, nhiều học sinh đã “thống kê” khá nhiều “mẫu câu” trở nên quen thuộc với nhiều phụ huynh.

Ví dụ như các câu mang tính “dán nhãn” như “con thật là lười”, “con thật là hư”, “sao con lại dốt thế”. Hay kiểu căn vặn không để tâm đến cảm xúc của con như “Tại sao con lại làm như thế?”.

Nhưng điều khiến nhiều học sinh cho rằng muốn phản ứng ngay bằng một việc tiêu cực khi nghe bố mẹ nói, đó là bố mẹ so sánh con với con nhà người ta và bố mẹ buông những câu “mày không biết thương bố mẹ”…

 

Ức chế khi hỏi gì con cũng nói “bình thường”

Câu hỏi dành cho phụ huynh được cô Bùi Trà My đặt ra: “Bố, mẹ dễ phản ứng nhất với câu nói nào của con?”.

Nhiều phụ huynh cho biết ức chế nhất khi hỏi chuyện gì con cũng nói “bình thường”. Vì đó là cách để né tránh, để kết thúc nhanh cuộc đối thoại của con với bố mẹ. Nhưng cũng có khi đó là biểu hiện của một sự trầm cảm như cô Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết vì khi đó đứa trẻ có thể vô cảm với mọi thứ, không quan tâm, hứng thú với bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, chia sẻ những băn khoăn trong ứng xử với con, một số phụ huynh tại hội thảo trên cũng cho rằng họ không biết phải ứng xử như thế nào trong nhiều trường hợp.

“Sau khi có vài vụ học sinh tự tử, con có ý dọa rằng có lúc con cũng nghĩ đến việc đó. Tôi sợ rằng con muốn vin vào cớ đó để đưa ra yêu sách với bố mẹ chứ không thực sự định làm như thế”, một phụ huynh kể.

Trao đổi về điều này, cô Thu Hiền cho rằng tất cả những dấu hiệu dù là nói ra bằng lời hay biểu hiện thầm kín hơn đều cần được các bậc phụ huynh quan tâm và đừng vội nghĩ trẻ đưa ra yêu sách. Những biện pháp để loại trừ hậu quả xấu nhất cần được phụ huynh áp dụng trước.

 

Đáng ngại khi trẻ im lặng, giấu kín

Theo TS tâm lý lâm sàng học Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm tư vấn – trị liệu tâm lý SHARE), những đứa trẻ có phản ứng ngay không đáng ngại bằng những đứa trẻ im lặng, giấu kín những điều muốn nói vì các em không tìm được nơi tin cậy, an toàn để chia sẻ.

Bố mẹ là những người thân nhất nhưng đôi khi lại khiến trẻ sợ nhất, phải nói dối, đối phó, né tránh.

VĨNH HÀ
TTO