24/11/2024

Dậy thì sớm ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ như thế nào?

Dậy thì sớm ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ như thế nào?

Vừa qua, bé gái 8 tuổi 3 tháng được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM thăm khám vì ngực phát triển to. Mẹ bé lo lắng bé dậy thì sớm.

 

 

 

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết đây là một trong rất nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện. Tại thời điểm khám, chiều cao của bé phát triển khá tốt khoảng 90 percentile. Tức tính trên 100 trẻ có chiều cao và cân nặng tiêu biểu, mô phỏng được cho đa số trẻ em cùng tuổi, thì bé cao hơn 90 bạn còn lại.

Tuy nhiên, do bé đã lớn có thể tự tắm nên mẹ không biết rõ từ khi nào bé bắt đầu có dấu hiệu phát triển ngực.

Dậy thì sớm ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ như thế nào? - ảnh 1
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi có dấu hiệu dậy thì sớm tại Bênh viện Nhi đồng 2  L.CẦM

Dậy thì sớm

là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát, đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi ở trẻ gái (có kinh trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai, bác sĩ Vũ Quỳnh chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề ‘Dậy thì sớm'”, do Bệnh viện Nhi đồng 2 tổ chức ngày 6.5

 

Nhiều hệ luỵ khi trẻ dậy thì sớm

Dậy thì sớm mang đến nhiều nguy cơ và hậu quả cho trẻ. Thứ nhất, trẻ sẽ bị ảnh hưởng về phát triển chiều cao.

“Ban đầu, khi mới dậy thì trẻ cao nhanh hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, sau đó tốc độ này chậm dần rồi chững lại vì các khớp xương đóng lại. Đến khi trưởng thành, trẻ thấp hơn chiều cao trung bình”, bác sĩ Quỳnh nhấn mạnh.

Tùy thể dậy thì sớm trẻ gặp phải mà mức độ ảnh hưởng chiều cao ở mỗi trẻ sẽ khác nhau.

Sự khác biệt về hình thể so với đa phần bạn bè có thể khiến trẻ mặc cảm, thu mình. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn dễ có vấn đề về tâm lý như rối loạn tâm lý, trầm cảm, vì dậy thì sớm xảy ra trong quá khứ. Phụ huynh, cũng sẽ dễ hoang mang, lo lắng theo vì sự bất thường của con.

Đặc biệt, dù thân hình nở nang, phổng phao nhưng tinh thần trẻ vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hành vi lạm dụng và có thể tự bảo vệ mình nên trẻ dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục hơn.

Dậy thì sớm có 3 loại, thứ nhất là dậy thì sớm do hoạt động sớm của trục HPG, phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

Thứ hai là dậy thì sớm ngoại biên (hay còn gọi là dậy thì sớm giả) độc lập với sự kích thích của tuyến yên, không phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

Thứ 3 là dậy thì sớm một phần một phần hay còn gọi là dậy thì sớm không hoàn toàn, lành tính.

 

Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Bệnh viện Nhi Trung Ương, cho biết theo nghiên cứu của bệnh viện về dậy thì sớm, trong giai đoạn từ tháng 9.2017 đến tháng 4.2021, có 694 bệnh nhân dậy thì sớm. Trong đó, số trẻ gái dậy thì sớm là 673 trẻ, chiếm 97%, 21 trẻ trai chiếm 3%.

Dậy thì sớm ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ như thế nào? - ảnh 2
Trẻ đến khám có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi hoặc có kinh nguyệt trước 9 tuổi ở trẻ gái  MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trẻ đến khám có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi hoặc có kinh nguyệt trước 9 tuổi ở trẻ gái, hoặc có dấu hiệu dậy thì sớm trước 9 tuổi ở trẻ trai.

Lý do đến khám ở trẻ trai là xuất hiện mụn trứng cá, phát triển lông mu, dương vật, giọng ồm, độ tuổi được chuẩn đoán trước 6 tuổi. Trẻ gái được đưa đến khám nhiều ở độ tuổi 6-8 tuổi, với các dấu hiệu như tăng chiều cao nhanh, xuất hiện mụn trứng cá, phát triển lông mu, có kinh nguyệt, đau ngực, có dịch nhầy âm đạo, đau ngực…

Thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dậy thì sớm giai đoạn 2018-2021 tăng gần 1,5 lần so với giai đoạn 2013 – 2017 và tăng gần 4 lần so với giai đoạn 1996 – 2012.

 

Khi nào dậy thì sớm cần điều trị?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khoa Bình Minh, Khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trước khi đi đến quyết định điều trị cho một bệnh nhân dậy thì sớm, thường bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như tuổi khởi phát, tốc độ dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao, dự đoán chiều cao lúc trưởng thành, một số trường hợp đặc biệt sẽ theo dõi tiền sử gia đình, có liên quan đột biến gien hay không…

“Trẻ được điều trị càng sớm thì tiên lượng càng tốt, giúp trẻ đạt được chiều cao mong đợi về mặt di truyền”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Theo bác sĩ Minh, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, về thời điểm lựa chọn để điều trị cho trẻ. Một nghiên cứu 2018 đăng trên European Journal of Endocrinology cho rằng, không có bằng chứng cho thấy việc điều trị với hormone GnRH phát huy tác dụng cải thiện chiều cao cho trẻ ở tuổi trưởng thành nếu trẻ dậy thì sớm điều trị sau 7 tuổi.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào 2021 đăng trên J Pediatr Endocrinol Metal cho thấy, dù xuất hiện dậy thì sớm sau 7 tuổi và bắt đầu điều trị, thậm chí tuổi xương của em bé trên 12 tuổi, thì vẫn cải thiện chiều cao. Tỷ lệ tuổi xương và tuổi thật sau thời gian điều trị ngày càng gần hơn.

“Do đó thực tế tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xem xét việc điều trị phụ thuộc vào từng trẻ để đưa ra quyết định điều trị cho phù hợp”, bác sĩ Minh cho hay.

LÊ CẦM

TNO