Thay đổi cách dạy văn, học văn để nâng cao văn hóa đọc
Thay đổi cách dạy văn, học văn để nâng cao văn hóa đọc
Một trong những nguyên nhân gốc rễ có tác động lớn tới văn hoá đọc đó là cách dạy văn – học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay làm cho người học lười đọc và không có thời gian và nhu cầu đọc tác phẩm.
Đưa vấn đề “Làm sao để cho Văn hoá đọc được cất cánh” có nhiều nguyên nhân cần sự đồng bộ từ vi mô đến vĩ mô. Một trong những nguyên nhân gốc rễ có tác động lớn tới văn hoá đọc đó là cách dạy văn – học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay làm cho người học lười đọc và không có thời gian và nhu cầu đọc tác phẩm.
Tác phẩm lựa chọn chưa phù hợp với trình độ và tâm lý lứa tuổi
Tác phẩm Văn học Việt Nam đưa vào sách giáo khoa còn những tác phẩm không hay. Tác phẩm không hay thì học sinh sẽ ít đọc, ít nhớ hoặc đọc qua loa cho xong.
Có những bài thơ trong chương trình lớp 12 dài bằng tất cả bài thơ trong chương trình lớp 11 cộng lại. Dạy những tác phẩm như thế này chẳng khác gì vượt thác mùa lũ. Cả thầy và trò đều mệt lử còn đâu để đam mê.
Biên soạn và chọn sách chưa xem trọng tâm lý lứa tuổi. Nên mới có tình trạng học sinh lớp 7 phải học bài thơ nói về tâm trạng của người tuổi 80 đi xa quê lâu ngày trở về và nhiều trường hợp tréo ngoe khác.
Bên cạnh đó lựa chọn tác phẩm được giải cao để đưa vào sách giáo khoa cũng không phải là điều tốt. Bởi những tác phẩm ấy tính nghệ thuật cao đòi hỏi phải có một trình độ chuyên sâu nhất định mới có thể cảm nhận được.
Chẳng hạn tác giả Hemingway được chọn đưa vào sách giáo khoa là “Ông già và biển cả” được giải Nobel. Nhưng tác phẩm được nhiều người yêu thích và phù hợp với giới trẻ lại là “Giã từ vũ khí “. Khi bị ép chín sớm, vượt lên trên tâm lí sở thích lứa tuổi sẽ trở thành rào chắn cản trở cho việc muốn học, muốn đọc của học sinh.
Tác phẩm là con voi nhưng thực học bằng con kiến
Muốn học sinh đọc tác phẩm phải khơi gợi được sự đam mê hứng thú nhưng chương trình hiện nay có vẻ chưa làm được điều đó. Một tác phẩm cả vài trăm trang thậm chí hàng nghìn trang như “Sử thi Yamarana” , “Chiến tranh và hoà bình”, “Những người khốn khổ “… nhưng chỉ đưa vào sách giáo khoa một đoạn trích rất ngắn.
Một đoạn trích nhỏ bé ấy làm sao học sinh có thể cảm nhận hết được sự tuyệt vời của tác phẩm vĩ đại. Cách dạy này chẳng khác gì xem tác phẩm văn học giống như thức ăn nhanh, làm mất đi sự lãng mạn trong sự học và nhất là làm sa sút văn hoá đọc. Không còn cảnh học người đọc đắm chìm trong vẻ đẹp của ngôn từ, trong trí tưởng tượng bay bổng để tận hưởng cái thú văn chương.
Dạy tác phẩm lớn chỉ học bằng một đoạn trích ngắn nhưng khi ra đề thi lại bắt học sinh phải tóm được phong cách nghệ thuật của tác giả, nghệ thuật xây dựng nhân vật…toàn là những vấn đề vĩ mô. Bắt con kiến kéo con voi, biến học sinh thành siêu nhân. Và điều đó là mảnh đất màu mỡ cho văn mẫu ra đời học sinh phải dựa vào văn mẫu để vượt qua kì thi.
Kiểu dạy – học và thi thế này là nguyên nhân làm cho niềm hứng thú với văn chương bị bào mòn, thói quen đọc sách cũng bị lười hoá, ngại hoá xâm lấn. Nhìn tác phẩm dày sợ đọc, chỉ muốn đọc tóm tắt cho đỡ mất thời gian, học chỉ cốt để lấy điểm và cứ thế cả rừng hoa đẹp của văn chương bị lướt qua và thói quen đọc bị “chìm xuồng” lúc nào không hay.
Thay đổi cách dạy, cách học để nâng cao văn hoá đọc
Tác phẩm được lựa chọn giảng dạy là phải là tác phẩm hay. “Thi Nhân Việt Nam ” của Hoài Thanh sở dĩ để đời vì ông đã dựa trên tiêu chí “lòng ngay thẳng quý hơn danh vọng và cần được giữ trọn trong văn chương ” , ” vì trong các nhà thơ có những người thơ tuyệt đẹp mà đối với tôi lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa phũ phàng…trái lại có những nhà thơ tử tế với tôi vô cùng mà thơ của họ tôi lại thích… có hạn”.
Phải có một tinh thần và thái độ làm việc như thế thì những tác phẩm được lựa chọn để dạy mới có sức hấp dẫn thu hút người đọc mê say.
Nên dạy theo cách học sinh phải đọc nguyên vẹn tác phẩm, và có thể lựa chọn điều mình tâm đắc để bình luận. Người biên soạn chương trình chỉ đưa ra mục đích yêu cầu không nhất thiết phải qui định tác phẩm và càng không nên “nhốt” phạm vi đọc của học sinh trong đoạn trích dẫn.
Chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ có tính chất minh họa, giáo viên và học sinh được tự do lựa chọn tác phẩm mình yêu thích.
Đây là phương pháp mà các nước tiên tiến đã thực hiện từ lâu. Làm được điều này thói quen đọc tác phẩm sẽ được hình thành và việc cảm nhận về tác phẩm sẽ gốc rễ căn bản sâu xa, thấm và ngấm sâu vào lòng người đọc. Tình yêu đối với văn học được củng cố.
Ngoài việc giới thiệu sách cần đọc cho học sinh trong dịp nghỉ hè thì thư viện cũng phải có đủ sách cho học sinh mượn đọc cũng là điều rất quan trọng. Và tất nhiên tác phẩm lựa chọn đưa vào chương trình nhất thiết phải là tác phẩm hay, phải đạt tiêu chí về trình độ và tâm lí lứa tuổi.
Không có nơi nào thúc đẩy văn hoá đọc chất lượng và hiệu quả như ở nhà trường phổ thông . Và cũng không có một biện pháp nào để nâng cao văn hoá đọc hữu hiệu bằng việc thông qua tác phẩm văn học được dạy trong nhà trường. Bởi vậy điều đó phải được sử dụng và tận dụng một cách tối đa như là một đòn bẩy then chốt để nâng cao văn hoá đọc của người Việt.
Toạ đàm “Thói quen đọc sách của người Việt”
Tiếp nối sự kiện đang diễn ra tại TPHCM là Ngày hội sách – Ngày hội văn hóa đọc, hôm nay 13-5, báo Tuổi Trẻ cùng Trường đại học Hoa Sen phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Thói quen đọc sách của người Việt”.
Sự kiện có sự tham dự của ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, ông Bùi Xuân Đức – Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cùng các giảng viên, giáo viên dạy môn văn, sinh viên và học sinh.
Nội dung tọa đàm xoay quanh vấn đề nâng cao nhận thức và thói quen đọc sách của người Việt, làm cách nào để ngày càng có nhiều người Việt xây dựng được thói quen đọc sách cho mình.
Buổi tọa đàm sẽ có ý kiến góp ý của chuyên gia, học sinh, nhà trường đang được bạn đọc quan tâm. Sự khác biệt ở tọa đàm này là mở rộng đặt vấn đề về cách thức, cùng chương trình dạy văn trong nhà trường hiện nay, giúp trẻ ham mê đọc sách. (BÍCH HƯỜNG)