Thanh long chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườn

Thanh long chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườn

Giá thanh long xuống quá thấp, chỉ 500 – 1.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư, phân bón tăng cao nên nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận đã chặt bỏ cây thanh long để chuyển sang cây trồng khác.

 

 

 

Thanh long chỉ còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườn - Ảnh 1.

Nhà vườn chặt bỏ thanh long vì rớt giá thê thảm – Ảnh: TTO

Ghi nhận thị trường thanh long hiện nay tại tỉnh Bình Thuận chỉ ở mức 500 – 1.000 đồng/kg, còn nhỉnh hơn lên 1.200 – 1.500 đồng/kg là hàng thanh long đẹp để xuất khẩu.

Cho rằng với giá bán 10.000 đồng/kg thì người trồng mới có thu lời, có trang trải chi phí đầu vào, nhưng rớt thê thảm thì… cạn vốn nên dừng trồng thanh long là quyết định của nhiều nhà vườn.

Anh Nguyễn Bá Tường (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho hay: “Giá rớt quá thảm, phân bón nguyên liệu chi phí đầu vào tăng cao, ai cũng khó khăn. Vốn đã cạn kiệt mà chờ thị trường ổn mới đầu tư lại thì người nông dân ai cũng sốt ruột. Tôi buộc phải chuyển đổi, đốn bỏ gần 3ha thanh long, dự tính sẽ trồng dừa, xoài”.

Trong khi nông dân thua lỗ vì rớt giá, thì thương lái “la làng” vì giá vận chuyển tăng quá cao, khiến thanh long khó xuất đi tiêu thụ.

“Nếu nhà vườn có khoảng 5 – 7 tấn thanh long thì tôi thu vào khoảng 3 – 4 triệu đồng. Đó là kén chọn lắm mới mua được, còn có nhà vườn thương lái không thu thì phải chịu, phải thuê người dọn vườn. Người buôn cũng ngán vì chi phí bán qua Trung Quốc tăng 3 – 4 lần so với trước đây, không còn lời nữa, nên không dám mua vào”, một thương lái nói.

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, giá bán thanh long giảm sâu là do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ùn ứ. Trong khi đó, xuất khẩu bằng đường biển thì khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao, không xuất đi được nhiều. Hoặc thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu lại không thể thông quan khiến trái hư hỏng, chi phí tăng cao, doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có diện tích hơn 33.750 ha trồng thanh long, Từ đầu năm 2022, diện tích thanh long giảm 2.171 ha, trong đó nhiều nhất tại ba huyện: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam. Tỉnh đã có hơn 500 ha cây thanh long bị phá bỏ.

Trước tình hình này, sở khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ trước khi nhổ bỏ thanh long, thay vào đó tập trung chăm sóc với chi phí thấp nhất như tỉa bỏ cành, hoa, quả phù hợp, dưỡng lại vườn, chuyển sang các mô hình canh tác thanh long bền vững, an toàn theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Đồng thời, sở hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ để nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu.

THẢO THƯƠNG
TTO