24/11/2024

Sách giáo khoa tin học 7 bỏ qua điều khoản về tuổi sử dụng Facebook

Sách giáo khoa tin học 7 bỏ qua điều khoản về tuổi sử dụng Facebook

Cả 3 quyển sách giáo khoa tin học 7 sẽ được dùng trên cả nước từ năm học 2022 – 2023 đều bỏ qua việc người chưa đủ 13 tuổi không được phép sử dụng Facebook.

 

 

Theo Quyết định số 474/QĐ-BGDĐT ngày 28.1.2022 và Quyết định số 676/QĐ-BGDĐT ngày 10.3.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có 3 quyển sách giáo khoa tin học 7 (thuộc 3 bộ Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống) được sử dụng trên cả nước từ năm học 2022 – 2023.

 

Chưa đủ 13 tuổi, chưa được sử dụng facebook!

Cả 3 quyển sách giáo khoa trên đều có bài học về mạng xã hội. Đó là các bài: Thực hành sử dụng mạng xã hội (trang 24 – 26, sách Cánh Diều), Mạng xã hội (trang 22 – 27, sách Chân trời sáng tạo), Mạng xã hội và một số kênh trao đổi thông tin trên Internet (trang 18 – 22, sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

 Sách giáo khoa tin học 7 bỏ qua điều khoản về tuổi sử dụng Facebook - ảnh 1
Nội dung về mạng xã hội Facebook trong 3 quyển sách giáo khoa tin học 7 sẽ sử dụng trong năm học 2022 – 2023  T.L

Sau khi giới thiệu về mạng xã hội nói chung, 3 quyển sách hướng dẫn học sinh cách tạo tài khoản cá nhân trên Facebook và sử dụng tài khoản này để thực hiện một số việc nhất định.

Trong khi đó, Facebook có điều khoản quy định người chưa đủ 13 tuổi (hoặc độ tuổi hợp pháp tối thiểu tại quốc gia sinh sống) không được sử dụng sản phẩm của họ (https://vi-vn.facebook.com/legal/terms). Điều khoản này nhằm bảo vệ những người chưa đủ 13 tuổi trước các nguy cơ có thể xảy ra khi tham gia Facebook.

Ở nước ta, dù chưa có điều luật về độ tuổi tối thiểu tham gia mạng xã hội nhưng Khoản 4, Điều 29 luật An ninh mạng 2018 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em”. Ở đây, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo Điều 1 luật Trẻ em 2016.

Nếu học đúng tuổi, học sinh lớp 7 chỉ mới 12 tuổi vào học kỳ 1. Tùy theo tháng sinh, có em sẽ đủ 13 tuổi vào học kỳ 2 nhưng cũng có em không đủ 13 tuổi trong suốt thời gian học lớp 7 (nếu sinh sau tháng 5).

 

Giáo viên sẽ ứng xử ra sao ?

Có người cho rằng trẻ em hiện nay đã dùng Facebook từ nhỏ nên không cần lo nghĩ chuyện này. Vậy giáo viên sẽ ứng xử thế nào trong tiết dạy khi học sinh tạo tài khoản Facebook cá nhân bằng cách khai dối tuổi hoặc khi phụ huynh không chấp thuận cho con họ tạo tài khoản Facebook cá nhân vì chưa đủ 13 tuổi?

Vượt lên trên câu hỏi này là những câu hỏi khác, phát sinh sau nhưng khó trả lời hơn: Ứng xử thế nào để không ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo và tác động xấu đến quá trình hình thành nhân cách học sinh? Có nên bỏ qua điều không đúng – dù nhỏ hay lớn – trong giáo dục trẻ em?

Biên soạn sách giáo khoa là công việc đòi hỏi thời gian, công sức và năng lực nên sơ suất là điều có thể thông cảm. Tuy vậy, sơ suất trên là một điều không nên có, nhất là khi một trong 3 quyển sách giáo khoa đã yêu cầu học sinh “tìm hiểu các điều khoản và chính sách về sử dụng mạng xã hội Facebook (bằng tiếng Việt)” nhưng chính các tác giả lại bỏ qua.

 

Dạy học trò khai man tuổi có là “chuyện nhỏ”?

Tại Mỹ, từ năm 1998 đã có Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (Children’s Online Privacy Protection Act – COPPA), yêu cầu các hệ thống mạng khi muốn thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu. Nhiều nước khác cũng xác định rằng trẻ em cần có người lớn bảo vệ quyền riêng tư của mình cho đến khoảng 12 – 14 tuổi. Facebook đặt trụ sở tại Mỹ nên bắt buộc phải tuân thủ COPPA. Các hệ thống công nghệ và mạng xã hội khác đặt trụ sở tại nước nào thì phải tuân thủ luật lệ tương ứng tại nước đó.

Tại Việt Nam, luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm hành vi “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” (Điều 6, Khoản 11). Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 có các quy định chi tiết hơn (Chương 4, từ Điều 33 đến Điều 37) về trách nhiệm bảo vệ trẻ em (dưới 16 tuổi) trên môi trường mạng.

Vì Facebook không thể hạ mức ràng buộc độ tuổi cho riêng người dùng Việt Nam nên cách duy nhất để học sinh Việt Nam dưới 13 tuổi tạo được tài khoản riêng là khai man tuổi của mình. Trong thực tế dạy môn tin học ở bậc tiểu học và THCS từ nhiều năm nay, các thầy cô thường hướng dẫn học sinh khai man cho đủ 13 tuổi nhằm tạo tài khoản Gmail để làm bài thực hành và giao nhận bài vở. Ở một góc độ nào đó, việc khai man tuổi để sử dụng Gmail hay Facebook đối với nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh là “chuyện nhỏ”, khi nhìn rộng hơn ra ngoài xã hội vẫn còn tràn lan tình trạng sử dụng phần mềm bẻ khóa, ăn cắp bản quyền, hay xa hơn nữa là đạo văn khoa học, sao chép tác phẩm nghệ thuật, vi phạm sở hữu trí tuệ, mua gian bán dối…

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại (nhà nghiên cứu giáo dục và truyền thông khoa học)

TRƯỜNG LÂN

TNO