Con điểm kém môn văn, mẹ quyết ‘vào cuộc’ trước kỳ thi lớp 10 gay cấn
Con điểm kém môn văn, mẹ quyết ‘vào cuộc’ trước kỳ thi lớp 10 gay cấn
Xót xa vì con học môn văn kém hơn các môn khác, ngay trước kỳ thi lớp 10 mà bài khảo sát chỉ loanh quanh 3 – 3,5 điểm, có bài 1 điểm, chị Thu Hiền quyết định dành thời gian phụ đạo cho con.
Soạn bài tập trắc nghiệm để con củng cố kiến thức
Chị Đinh Thị Thu Hiền (giáo viên môn tiếng Anh Trường CĐ Nghề Long Biên, Hà Nội) có con học lớp 9 Trường THCS Phúc Lợi, Q.Long Biên, Hà Nội, khiến nhiều người ngưỡng mộ và thán phục vì sự tận tâm, hết lòng với cậu con trai chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10.
Chị Thu Hiền vừa kỳ công dành thời gian để biên soạn một bài tập trắc nghiệm gồm 62 câu cho môn văn học với lý do “con học văn kém quá nên mình muốn giúp con củng cố kiến thức”.
Toàn bộ kiến thức về tác giả, tác phẩm ở sách giáo khoa văn lớp 9 được chị Hiền đưa vào đề thi. Mỗi câu hỏi gồm có 3 lựa chọn. Sau khi hoàn thành và bấm gửi, đáp án và điểm sẽ hiện lên, giống như các bài thi trắc nghiệm mà học sinh vẫn làm. Bài tập này chị Hiền đã gửi cho cô giáo dạy văn kiểm tra để đảm bảo kiến thức trong mỗi câu hỏi và đáp án là chính xác. (Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo tại: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScl0yUM4C9jSAVj76DkOEpc04TdqtNl0OG-B7V23y_B_4QPPA/viewform)
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Thu Hiền cho biết: “Con tôi nổi trội môn tiếng Anh và toán nhưng môn văn cháu lại học kém. Điểm khảo sát toàn loanh quanh 3 – 3.5 điểm, có đợt chỉ được 1 điểm khiến ba mẹ xót xa. Kỳ thi vào lớp 10 vô cùng quan trọng, nếu con không cải thiện môn văn thì rất khó trúng tuyển. Chính vì thế tôi quyết định dành thời gian hỗ trợ con. Cũng may trước đây tôi học khối D, yêu thích và học tốt môn văn nên có nhiều thuận lợi”.
Đầu tiên, chị Hiền nghiên cứu các đề văn kỳ thi lớp 10 của 5 năm trước để có cái nhìn tổng quát về nội dung và cách thức ra đề. Sau đó, chị Hiền lấy hết tài liệu mà con đang học rồi chọn lọc các câu, chia nhỏ nội dung ra cho con dễ nhớ.
“Bản chất môn văn là rất dài, khó học, đặc biệt với học sinh sợ môn văn, nên bắt buộc phải dùng phương pháp mổ xẻ thành từng phần. Hôm đầu tôi chỉ soạn 8 câu trắc nghiệm và cho con làm thì con bị sai… 4 câu. Không sao cả, tôi động viên con tiếp tục làm lại cho nhớ. Hôm sau tôi tăng tiếp 10 câu. Rồi khi đề thi có 49 câu thì con đúng được 45 câu. Tôi thấy quá tốt rồi vì con đang dần tiến bộ”, chị Hiền kể lại.
Hai mẹ con miệt mài bên bàn học NVCC |
Cứ thế, mỗi tuần chị Hiền phụ đạo cho con 3 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ, trong đó 1 giờ là để giảng lại bài cho con dựa trên tập tài liệu của giáo viên phát, 30 phút còn lại chị cho con luyện viết văn nghị luận. Ngoài ra, chị Hiền còn hướng dẫn con cách phân chia thời gian hợp lý khi làm bài thi. “Rất may là con ý thức được mình cần phải cố gắng môn văn nên rất hợp tác và hào hứng học cùng mẹ”, chị Hiền cho biết.
Chị Hiền còn thường xuyên trao đổi với 2 giáo viên môn văn của con để soạn câu hỏi “chuẩn” hơn. Chỗ nào chưa hiểu, vị phụ huynh này lại gọi cho cô giáo và được các cô nhiệt tình hỗ trợ, phân tích từng chi tiết, rồi còn bày cho chị phương pháp dạy con theo sơ đồ tư duy.
Từ 1 điểm lên 5 điểm: quá hạnh phúc vì con tiến bộ
Chỉ sau một thời gian thay đổi phương pháp học tập, có mẹ tận tâm hỗ trợ, cách đây vài hôm, con chị Thu Hiền làm bài văn khảo sát của phòng giáo dục và đạt kết quả 5 điểm.
“Tôi mừng lắm. Từ một học sinh chỉ 1 điểm môn văn và cao nhất là 3,5 điểm, nay con đã đạt được 5 điểm. Số điểm này tuy không cao so với nhiều bạn khác nhưng với con là cả một sự nỗ lực to lớn. Con đã có sự thay đổi tích cực”, chị Hiền bày tỏ.
Chị Thu Hiền hạnh phúc vì sau những nỗ lực của 2 mẹ con, con chị đã có nhiều tiến bộ trong môn văn NVCC |
Tối qua, 2 mẹ con chị Hiền cùng nhau xem bài thơ Tiểu đội xe không kính. Sau khi đặt hàng loạt câu hỏi cho con như: Tác phẩm này ra đời trong hoàn cảnh nào? Con có thấy chú lái xe này yêu đời, hồn nhiên, lạc quan?…, chị Hiền đã dạy con cách tìm phong cách của một tác giả thông qua toàn bộ nội dung xuyên suốt của tác phẩm kèm theo thực trạng, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, giọng điệu, ngôn từ…
Trong thời gian từ nay tới lúc kỳ thi lớp 10 diễn ra, chị Hiền sẽ tiếp tục đồng hành cùng con và cập nhật thêm các kiến thức khác vào link bài tập tự soạn. “Tôi sẽ bổ sung thêm kiến thức liên quan đến ngữ pháp tiếng Việt được các tác giả sử dụng trong từng khổ thơ/đoạn văn để con và các học sinh khác hiểu được cách dùng. Ví dụ như các phép liên kết, các loại hình từ, đảo ngữ, quan hệ từ… Tôi hy vọng link đề thi trắc nghiệm tự soạn và phương pháp hỗ trợ con của tôi sẽ hữu ích với các phụ huynh có con ngại học văn”, chị Thu Hiền chia sẻ.
MỸ QUYÊN
TNO